You must configure this module first via "Module Settings"

Hiệu quả từ cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" tại Bình Dương

Được biết đến là một tỉnh công nghiệp với nhiều doanh nghiệp, nhà máy xí nghiệp quy mô lớn được hình thành, điều kiện kinh tế, xã hội cũng như văn hóa, TDTT... của tỉnh Bình Dương trong những năm qua đã có bước phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt là từ khi thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, phong trào luyện tập, thi đấu thể dục thể thao (TDTT) quần chúng trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã phát triển rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, thu hút nhiều  lứa tuổi tham gia.

Với phương châm mỗi người chọn cho mình một môn thể thao phù hợp để tập luyện hàng ngày đã góp phần thúc đẩy phong trào luyện tập TDTT phát triển rộng khắp, trở thành ý thức tự giác của đông đảo quần chúng nhân dân trong tỉnh. Phong trào TDTT đã thu hút nhiều đối tượng từ cán bộ, công nhân viên chức, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, nông dân, người cao tuổi, người khuyết tật... qua đó đã hình thành thói quen về luyện tập thể thao trong sinh hoạt hàng ngày. Các môn thể thao được quần chúng nhân dân thường xuyên tập luyện là đi bộ, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, cờ vua, cờ tướng, võ thuật, bơi lội, thể dục thể hình, thể dục thẩm mỹ, xe đạp, thể dục dưỡng sinh...

Nhờ đó, đến nay các chỉ tiêu về TDTT quần chúng đã tăng lên rõ rệt, cụ thể: Tỷ lệ xã, phường, thị trấn có phong trào TDTT thường xuyên đạt 100%, tỷ lệ người tập luyện TDTT thường xuyên đạt của tỉnh đạt 30,9%, tổng số gia đình thể thao đạt 25,7%; toàn tỉnh có 902 câu lạc bộ TDTT cơ sở. Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh luôn chú trọng đến việc xây dựng câu lạc bộ TDTT để làm nòng cốt cho hoạt động TDTT ở cơ sở. Tỷ lệ trường học đảm bảo Giáo dục thể chất trong những năm qua luôn đạt 100%.Ngoài ra, trung bình hàng năm, ngành VHTTDL tỉnh tổ chức hàng ngàn giải thi đấu thể thao từ cấp tỉnh đến cơ sở đã tạo không khí thi đua sôi nổi, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Các hoạt động thể thao được duy trì thường xuyên, trở thành phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ như: Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân được tổ chức hàng năm; các giải thi đấu thể thao quần chúng trong các dịp lễ, tết của dân tộc, địa phương như: Đua thuyền (TX.Tân Uyên), cờ tướng - bóng chuyền (TP.Thủ Dầu Một), kéo co - đẩy gậy (huyện Phú Giáo)...  Các hoạt động thi đấu thể thao được tổ chức lồng ghép với các hoạt động văn hóa đã tạo hiệu quả tích cực trong việc nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, tác dụng của TDTT đối với sức khỏe nhân dân. Và đặc biệt, sự gắn kết giữa thể thao với các lĩnh vực khác như văn hóa, du lịch... đã góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của địa phương cũng như giữ vững an ninh, an toàn trật tự xã hội.

Cùng với các phong trào TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao Bình Dương cũng có những bước phát triển mạnh. Hằng năm, trung tâm HLTT tỉnh tập trung đào tạo trên 800 VĐV các tuyến. Bên cạnh việc đầu tư cho các môn thể thao mũi nhọn như Karatedo, Muay, Bóng đá,... Bình Dương còn tập trung phát triển 23 môn thể thao có thể mạnh như bóng chuyền, quần vợt, xe đạp, thể hình, cờ tướng... Với sự đầu tư đúng hướng, thể thao thành tích cao của tỉnh luôn đạt được những kết quả cao tại các đấu trường trong nước và quốc tế. Trong đó, gần nhất là tại SEA Games 29, các VĐV Bình Dương đã góp 6 huy chương, trong đó có 2 HCV ở môn karatedo (do công của VĐV Nguyễn Minh Phụng, hạng cân trên 75kg; Nguyễn Minh Phụng, Nguyễn Thanh Duy và Hồ Quang Vũ nội dung Kumite đồng đội nam) và 4 HCĐ của Nguyễn Thanh Duy (hạng cân 60kg môn karatedo); Lý Hoàng Nam (nội dung cá nhân và đôi nam môn quần vợt); Trương Quốc Hùng (hạng cân 71kg môn Muay).

Tại các kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc, các VĐV Bình Dương cũng từng bước cải thiện thứ hạng trên bình diện thể thao quốc gia. Nếu như tại Đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần thứ IV năm 2002, đạt 4 HCB, 6HCĐ xếp vị trí thứ 46/66 tỉnh, thành, ngành; thì tại Đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần VI năm 2010, thể thao Bình Dương xuất sắc đoạt 10 HCV, 12 HCB, 22 HCĐ, xếp vị trí thứ 21/65 tỉnh, thành, ngành tham gia, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; vị trí trên tiếp tục được giữ vững tại Đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VII năm 2014; và gần đây nhất là tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018, Bình Dương đã vươn lên vị trí thứ 10 trên bảng tổng sắp huy chương của Đại hội với 76 huy chương các loại, trong đó có 18 HCV, 19 HCB và 39 HCĐ. Đây là thành tích tốt nhất trong lịch sử thể thao Bình Dương trong suốt 32 năm tham dự các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc và được Bộ VH-TT&DL tặng cờ xuất sắc.

Có được thành công trên một phần là nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền trong việc đầu tư hệ thống cơ sở vật chất phục vụ việc tập luyện và thi đấu thể thao. Các thiết chế văn hóa, thể thao từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh ngày càng được hoàn thiện. Hiện nay, ngoài sân vận động tỉnh đạt tiêu chuẩn tổ chức thi đấu các giải cấp quốc gia, quốc tế; khán đài với sức chứa khoảng 20.000 chỗ ngồi (khán đài A, B đã bố trí ghế); đường chạy điền kinh phủ nhựa tổng hợp; dàn đèn chiếu sáng đạt tiêu chuẩn còn có Nhà thi đấu đa năng hiện đại với sức chứa 1500 chỗ ngồi đã hoàn thành và đi vào hoạt động cùng nhiều công trình thể thao từng môn khác phục vụ tốt cho tập luyện và thi đấu của các đội thể thao.

Trong năm 2018, Bình Dương đã khánh thành trường đua Đại Nam - công trình có quy mô hơn 60ha, tổng số vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng và có sức chứa khoảng 20.000 chỗ ngồi. Đây là trường đua thể thao tốc độ phức hợp đầu tiên tại Việt Nam có sự kết hợp của 5 loại hình đua: Đua ngựa, đua chó, đua xe mô tô, đua xe Go-Kart, biểu diễn Jet-ski (Ca-nô) và biểu diễn Fly-board (bay ván nước). Bên cạnh đó, thị xã Dĩ An cũng khánh thành sân vận động có diện tích 6,9 ha, sức chứa 5.000 chỗ ngồi, vốn đầu tư giai đoạn 1 gần 100 tỷ đồng, gồm 19 phòng chức năng và thường xuyên tổ chức các hoạt động thi đấu giao hữu các môn thể thao… thu hút từ 300 đến 400 người tập luyện sinh hoạt mỗi ngày....

Ngoài ra nhiều đơn vị kinh tế, tư nhân tham gia đầu tư xây dựng công trình, sân bãi thể thao với quy mô lớn như: Trung tâm TDTT Cộng Đồng; Cụm sân bóng đá-quần vợt KCN Mỹ Phước 1; Trung tâm Văn hóa Thể thao công ty TNHH MTV Cao Su Dầu Tiếng…và đặc biệt là mô hình sân bóng đá mini cỏ nhân tạo phát triển rất năng động (hiện nay toàn tỉnh có khoảng trên 500 sân bóng đá được tư nhân đầu tư), cùng các công trình sân Golf, sân quần vợt, hồ bơi..,

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Phú Yên - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch: nhận thức tầm quan trọng của công tác TDTT, ngành đã và đang thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy mạnh sự nghiệp TDTT của tỉnh ngày càng phát triển theo đúng định hướng. Thông qua phát triển phong trào tập luyện TDTT quần chúng đã góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân, đồng thời có điều kiện sàng lọc và bổ sung được nhiều hơn nữa những VĐV có năng khiếu cho thể thao của tỉnh, làm nền tảng cho thể thao thành tích cao phát triển.

HP

Ảnh trong bài
  • Hiệu quả từ cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" tại Bình Dương