You must configure this module first via "Module Settings"

Kon Tum phê duyệt Đề án xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2018-2023, định hướng đến 2030

Với mục tiêu nhằm tăng cường khuyến khích vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; ổn định cơ sở vật chất cho các đơn vị sự nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã phê duyệt Đề án xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2018-2023, định hướng đến 2030.

Đề án cũng hướng đến mục tiêu thực hiện chuyển dịch cơ cấu các dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Thu hút mọi nguồn lực, thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân trong xã hội tham gia sáng tạo, cung cấp, phổ biến và tạo ra nhiều sản phẩm, tác phẩm, công trình văn hóa, thể thao và du lịch có chất lượng, phong phú, đa dạng, dân tộc và hiện đại nhằm không ngừng nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của Nhân dân.

Theo đó, ở lĩnh vực thể dục thể thao, Kon Tum đặt định hướng đến năm 2030 phát triển ít nhất 02 cơ sở thể dục thể thao ngoài công lập, thành lập ít nhất 05 câu lạc bộ thể dục, thể thao chuyên nghiệp; duy trì và phát triển cơ sở tư nhân, các tổ chức đang đầu tư xã hội hóa các cơ sở vật chất, sân bãi phục vụ các hoạt động thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao. Phấn đấu vận động tài trợ đạt 60% tổng kinh phí tổ chức các giải thể thao, hội thao cấp tỉnh và 30% tổng kinh phí tổ chức các giải thể thao cấp huyện.

Bên cạnh đó, vận động xã hội hóa thể thao thành tích cao phấn đấu đạt từ 15% đến 20% tổng kinh phí hoạt động không thường xuyên của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể thao Kon Tum. Vận động tài trợ xây dựng các cơ sở luyện tập TDTT trong toàn tỉnh, có thể đáp ứng nhu cầu tập luyện thường xuyên cho 35% dân số trong toàn tỉnh. Các cơ sở thể thao ngoài công lập và các lực lượng khác tham gia vào quá trình xã hội hóa TDTT đảm bảo đáp ứng tối thiểu từ 70% đến 80% nhu cầu dịch vụ TDTT tùy theo từng loại hình.

Cải tiến hệ thống thi đấu thể thao quần chúng từ cấp xã, phường, thị trấn đến cấp tỉnh theo hướng tạo điều kiện hỗ trợ về chuyên môn để ngành, đoàn thể và nhân dân tự tổ chức. Khai thác và phát triển các môn thể thao dân tộc truyền thống, các trò chơi dân gian thu hút người dân tự nguyện tham gia và hưởng thụ. Chọn mô hình Câu lạc bộ TDTT, Trung tâm Văn hóa và học tập cộng đồng là loại hình cơ sở của cấp xã để điều hành các hoạt động TDTT trên địa bàn; chuyển dần việc tổ chức các giải thể thao quần chúng cho các liên đoàn. Nhà nước hỗ trợ đầu tư ban đầu để các liên đoàn hoạt động vững mạnh, sau đó từng bước chuyển dần sang hạch toán độc lập. Phân định rõ chức năng, phạm vi điều hành công việc giữa liên đoàn và cơ quan quản lý nhà nước về TDTT.

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT trong nhà trường, nhất là cơ sở vật chất, sân bãi tập luyện nhằm nâng cao chất lượng của chương trình giáo dục thể chất của từng cấp học; tổ chức các lớp năng khiếu thể thao theo hình thức vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đóng góp kinh phí để cùng với nhà trường trang bị phương tiện và dụng cụ tập luyện cho các em. Nghiên cứu đề xuất cơ chế ưu đãi để thu hút và khuyến khích các tổ chức xã hội, tư nhân mở các lớp đào tạo năng khiếu thể thao và đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo năng khiếu thể thao. Mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo vận động viên, xây dựng, các cơ sở vật chất cho TDTT, đầu tư trang thiết bị phục vụ tập luyện và thi đấu.

Để thực hiện các mục tiêu xã hội hóa trong hoạt động thể dục thể thao, tỉnh Kon Tum cũng đề ra các giải phải pháp, trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xã hội hóa. Chú trọng tuyên truyền về đường lối, cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch của Đảng và Nhà nước, quá trình xã hội hóa văn hóa, thể thao và du lịch cần hướng về cơ sở, về người dân để tổ chức, hướng dẫn và phát triển các nhu cầu về văn hóa, thể thao và du lịch của Nhân dân; tạo các điều kiện và môi trường thuận lợi để Nhân dân tự đáp ứng các nhu cầu về văn hóa, thể thao và du lịch.

Về cơ chế chính sách, xây dựng cơ chế hỗ trợ tư nhân tham gia xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch như: chính sách đào tạo; chính sách tài chính (ưu đãi về chính sách thuế); chính sách sử dụng đất đai; chính sách xã hội, chính sách đãi ngộ, công bằng trong hoạt động sự nghiệp, sản xuất kinh doanh giữa các đơn vị công lập và ngoài công lập; chính sách đối với văn nghệ sĩ lão thành, tài năng, giàu kinh nghiệm, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Đối với công tác quản lý nhà nước, sẽ đổi mới phương pháp quản lý văn hóa, thể thao và du lịch; phân cấp quản lý, tạo cơ chế linh hoạt, mở rộng khả năng tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp, tạo nguồn thu, tiến tới tự chủ tài chính; chuyển giao dần các hoạt động tác nghiệp cụ thể cho các đơn vị, tổ chức ngoài công lập thực hiện, trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành. Thu hút đông đảo quần chúng tham gia hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch ở cơ sở; phát huy các nguồn lực và khả năng sáng tạo của Nhân dân.

Bên cạnh đó, tỉnh Kon Tum cũng tập trung vào công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, chuẩn hóa cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao và du lịch công lập để đặt ra yêu cầu đào tạo bồi dưỡng nâng cao phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn trong công tác văn hóa, thể thao và du lịch để thực sự là nòng cốt cho mọi phong trào ở địa phương và cơ sở. Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch từ tỉnh đến các huyện, thành phố và cơ sở. Khuyến khích và cho phép cá nhân, tổ chức ngoài công lập được đầu tư xây điểm vui chơi giải trí, rạp chiếu bóng; công trình thể thao, nhà văn hóa từ tỉnh đến các huyện và cơ sở.

Theo Đề án đề ra, tỉnh Kon Tum đặt ra kế hoạch triển khai cụ thể thực hiện Đề án xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2030. Ở giai đoạn 2018-2023, tập trung phổ biến sâu rộng trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng và ban hành văn bản hướng dẫn, triển khai Đề án xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh. Sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, tinh giản biên chế, nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ công, giảm gánh nặng cho ngân sách và tạo nguồn cho cải cách tiền lương.

Lựa chọn số đơn vị dự kiến chuyển đổi (chọn số đơn vị có tỷ lệ % tự đảm bảo kinh phí hoạt động cao) để tiến hành xây dựng đề án chuyển đổi sang hình thức ngoài công lập. Ưu tiên hình thành các cơ sở ngoài công lập hoạt động xã hội hóa về sản xuất sản phẩm văn hóa, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho việc xây dựng các công trình văn hóa, thiết chế văn hóa ở từng khu vực. Cuối năm 2023 tổ chức hội nghị sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác triển khai thực hiện và triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2023-2030.

Tiếp đó giai đoạn 2023-2030, tiếp tục xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách về xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành 100% chỉ tiêu đề ra trong đề án trên phạm vi toàn tỉnh. Thực hiện sơ kết hàng năm và tổng kết sau 5 năm thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; chú trọng rút kinh nghiệm về xây dựng, phát triển các mô hình xã hội hóa tiêu biểu.

KC

Ảnh trong bài
  •  Kon Tum phê duyệt Đề án xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2018-2023, định hướng đến 2030