Đây là nội dung được quan tâm nhất trong các ý kiến thảo luận tại buổi làm việc cuối cùng của Hội nghị toàn quốc ngành TDTT tại Hà Nội. Hầu hết các đại biểu đều mong muốn công tác xã hội hoá thể thao cần được nâng lên một tầm cao mới.
Đại biểu Trịnh Thanh Bình, Giám đốc Sở TDTT TP.HCM, cho rằng Ủy ban TDTT cần chuyên môn hoá việc kinh doanh thể thao và xây dựng quy chế quản lý trên toàn quốc để làm tốt hơn nữa công tác xã hội hoá cơ sở vật chất tư nhân. Theo đại biểu Trịnh Thanh Bình, thể thao học đường trong những năm qua đã gặt hái kết quả đáng khích lệ, nhưng UBTDTT vẫn nên kiến nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo đưa thêm vào chương trình giáo dục thể chất một số bộ môn có tác dụng bổ trợ thể lực và trí lực tốt như bóng rổ, bóng ném... Ngoài ra, giữa Ủy ban TDTT và Bộ Giáo dục - Đào tạo nên có sự phối hợp để ổn định và chuẩn hoá các giải thể thao học đường trên toàn quốc.
Giám đốc Sở TDTT Nghệ An Nguyễn Hoàng Thụ lại đề nghị Ủy ban TDTT cần xây dựng mô hình và tiêu chí về làng, xã TDTT và có biện pháp hỗ trợ cho những làng xã gặp khó khăn về cơ sở vật chất. Ông Nguyễn Hoàng Thụ khẳng định, xã hội hoá thể thao sẽ tạo nên một phong trào thể thao sâu rộng trong quần chúng nên việc này có ý nghĩa rất quan trọng và cần phải được đẩy mạnh hơn nữa.
Đại biểu Vũ Thế Phiệt, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội thể thao người khuyết tật Việt Nam, phát biểu: Việt Nam hiện nay chưa có quy hoạch cụ thể về thể thao người khuyết tật mà đây lại chính là biểu hiện rõ nhất của tính xã hội hoá thể thao. Theo ông Vũ Thế Phiệt, với việc thể thao người khuyết tật ngày càng được quan tâm trong đời sống thể thao quốc tế thì không nên xếp thể thao người khuyết tật chung nhóm với thể thao quần chúng như hiện nay. Ông Vũ Thế Phiệt cho rằng thể thao người khuyết tật có đặc trưng thi đấu quốc tế liên tục và đòi hỏi đầu tư cao cho thiết bị chuyên dụng nên cần phải có kế hoạch phát triển chu đáo và cụ thể hơn.
Bên cạnh công tác xã hội hoá thể thao, các đại biểu cũng dành nhiều tâm huyết để nói về nhiệm vụ đào tạo lực lượng VĐV thành tích cao, bởi thực tế cho thấy, thể thao Việt Nam vẫn chưa thực sự mạnh ở những môn truyền thống nằm trong chương trình thi đấu của Olympic như điền kinh, bơi lội, bóng chuyền, bóng rổ... Ngoài ra, công tác tổ chức của ngành thể thao cũng rất được chú ý.
Với cương vị là cán bộ cơ sở, ý kiến của các đại biểu đều rất thiết thực với lãnh đạo Ủy ban TDTT. Trong bài phát biểu tổng kết Hội nghị, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban TDTT Nguyễn Danh Thái đã giải đáp tất cả các câu hỏi của đại biểu. Đồng thời, ông cũng đã công bố những quyết sách mới của ngành thể thao trong thời gian sắp tới theo đúng nguyện vọng của các đại biểu. Theo đó, Ủy ban TDTT sẽ đề nghị Chính phủ cho phép các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia ký hợp đồng với HLV nội để cải thiện thu nhập của họ so với mức lương của các chuyên gia nước ngoài. Về vấn đề đầu ra cho VĐV sau khi giải nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Danh Thái cho biết đã chỉ đạo thành lập 2 khoa Dự bị Đại học ở 2 trường Đại học TDTT để đào tạo kiến thức cho các VĐV nhằm giúp họ có cơ hội học lên Đại học sau khi từ giã sự nghiệp thi đấu.
Đối với vấn đề chống tiêu cực, Bộ trưởng nhận định rằng năm qua ngành TDTT đã đẩy mạnh công tác này nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn. Vì thế, công tác này sẽ phải được thực hiện tích cực và kiên quyết hơn nữa. Bộ trưởng Nguyễn Danh Thái kết luận: Xã hội hoá thể thao là tất yếu nhưng đây là nhiệm vụ còn rất mới với ngành TDTT. Do đó, vấn đề của chúng ta là tìm ra cách làm tốt nhất, hiệu quả nhất. Để làm được điều này, sắp tới Ủy ban TDTT sẽ tổ chức một Hội nghị toàn quốc về công tác xã hội hoá thể thao và sẽ mời các doanh nghiệp tham gia đóng góp.
Theo Vietnamnet