Yên Bái được biết đến là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, ngân sách Nhà nước đầu tư cho các hoạt động TDTT cũng như xây dựng cơ sở vật chất về TDTT để phục vụ nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân còn nghèo nàn, lạc hậu. Tuy nhiên, dưới sự quan tâm của lãnh đạo các cấp chính quyền trong tỉnh, ngành văn hóa - thể thao và du lịch (VH-TT&DL) đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành triển khai thực hiện đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xã hội hóa lĩnh vực văn hóa, thể thao.
Theo đó, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp về TDTT như: các liên đoàn thể thao, hội thể thao, các câu lạc bộ (CLB) TDTT cơ sở lần lượt được thành lập và đi vào hoạt động ngày càng hiệu quả. Nếu như giai đoạn 1998 - 2000 mới chỉ có 2 liên đoàn thể thao về các môn Bóng đá, Bóng chuyền; 16 hội thể thao về các môn Bóng bàn, Cầu lông, Bóng đá, Cờ tướng; 169 CLB TDTT cơ sở được thành lập thì đến nay đã có 5 Liên đoàn về các môn Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng bàn, Cầu lông, Quần vợt, hơn 50 hội thể thao cấp huyện, hơn 500 CLB TDTT cơ sở thu hút hàng chục ngàn người tham gia tập luyện thường xuyên.
Nét đặc biệt trong tổ chức bộ máy của các Liên đoàn thể thao cấp tỉnh, huyện đều có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, ngành, đoàn thể, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn. Chính điều này đã góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020”; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động chuyên môn nói chung và huy động các nguồn lực xã hội phục vụ phát triển TDTT nói riêng của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về TDTT ở mỗi cấp.
Bên cạnh việc thành lập các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về TDTT, việc ký kết các chương trình phối hợp hoạt động văn hóa, thể thao với các ngành, đoàn thể qua từng giai đoạn cũng góp phần đáng kể trong phát triển TDTT quần chúng trong các đối tượng những năm vừa qua. Giai đoạn 2016-2020, đến nay đã có 24 ngành, đoàn thể cấp tỉnh ký chương trình phối hợp với ngành VH-TT&DL của tỉnh để cùng tổ chức hoạt động cũng như huy động các nguồn lực tham gia phát triển TDTT của mỗi ngành.
Các liên đoàn, hiệp hội, câu lạc bộ TDTT đã tích cực trong việc huy động xã hội hóa để tổ chức các giải thể thao (cả thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao). Cụ thể, nguồn kinh phí mà các liên đoàn được bao cấp dành cho việc tổ chức các giải đấu, hay hoạt động thể thao chỉ vẻn vẹn vài chục triệu đồng/1 sự kiện. Nhưng với sự nỗ lực từ công tác xã hội hóa, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã cùng chung tay tham gia nên kinh phí dành cho công tác giải đấu, hoạt động thể thao đã lên đến hàng trăm triệu đồng.
Chính từ việc lồng ghép tổ chức các giải đấu giữa Liên đoàn, hiệp hội với các doanh nghiệp, nhà tài trợ nằm trên địa bàn tỉnh Yên Bái nên thương hiệu các giải đấu do từng liên đoàn tổ chức ngày càng tạo được uy tín trong quần chúng nhân dân. Đáng chú ý là các giải đấu do Liên đoàn Quần vợt, Liên đoàn Bóng đá tổ chức còn có sức lan tỏa đến các tỉnh trong khu vực thông qua các giải mở rộng hàng năm.
Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái đã triển khai hiệu quả đề án phát triển quỹ đất thu ngân sách tỉnh Yên Bái giai đoạn 2018 – 2020, trong đó có chủ trương dành quỹ đất cho việc phát triển và quy hoạch TDTT của tỉnh. Cùng với đó, hàng năm với sự chung tay của khối các doanh nghiệp, nhà tài trợ nên vài năm trở lại đây đã đầu tư nhiều hạng mục công trình, trang thiết bị tập luyện Thể thao tại các công viên, hay địa điểm tập luyện công cộng ngày một tăng lên. Qua đó, góp phần tăng tỷ lệ người dân tập luyện thể dục thể thao trên địa bàn toàn tỉnh ngày một tăng lên. Cùng với đó, nhiều sân bóng đá cỏ nhân tạo, sân quần vợt, CLB Yoga, Aerobic… được các doanh nghiệp tư nhân mở ra, kinh doanh khá hiệu quả, thu hút lượng lớn người dân ở mọi lứa tuổi tới tham gia sinh hoạt và tập luyện.
Điểm nhấn trong hoạt động TDTT của tỉnh thời gian qua, chính là năm 2017 là năm tổ chức đại hội TDTT cấp cơ sở từ xã, phường, thị trấn đến đại hội TDTT cấp huyện. Với nguồn kinh phí được cấp còn rất hạn chế nhưng các địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các thành phần xã hội cùng đóng góp để tổ chức. Với 172/180 xã, phường, thị trấn; 8/9 huyện thị, thành phố đã hoàn thành tổ chức đại hội trong năm 2017 thì nguồn lực tài chính thu hút từ xã hội hóa lên tới con số hàng tỷ đồng cho những ngày hội lớn về TDTT của các địa phương.
Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo nhân dân, sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, đến nay, tỷ lệ số người tập luyện TDTT thường xuyên của tỉnh tăng từ 22% dân số năm 2008 lên 31,% tính đến 9/2018, tỷ lệ số gia đình thể thao ước đạt gần 18%, số CLB TDTT được công nhận lên tới hơn 500 CLB (ngang bằng với số bình quân chung của cả nước). Trung bình mỗi năm, có hơn 600 giải thể thao quần chúng được tổ chức từ cấp xã, phường, thị trấn, huyện, thị, ngành đến cấp tỉnh.
Với những con số thể hiện trên đây cho thấy, mặc dù Yên Bái là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn về kinh tế, song những kết quả về đẩy mạnh công tác xã hội hóa thể dục thể thao hẳn rất ấn tượng và đó sẽ là nền tảng cho những thành công mới về phát triển xã hội hóa TDTT của tỉnh Yên Bái trong thời gian tới.
Để tiếp tục đẩy nhanh nhịp độ xã hội hóa theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, thời gian tới, ngành VHTT&DL tỉnh Yên Bái luôn xác định tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đến mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức xã hội về cơ chế, chính sách của Nhà nước trong việc khuyến khích các tổ chức và cá nhân huy động các nguồn lực trong xã hội để phát triển ngành văn hóa, thể thao và du lịch nói chung và lĩnh vực TDTT nói riêng.
N.H