Hiện nay trên thế giới, trình độ xã hội hoá TDTT của các quốc gia rất cao. Ở Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Á (Singapore, Thái Lan, Indonesia...) đều có quá trình xã hội hoá thể thao khá lâu. Để có thành quả như ngày nay, họ cũng phải trải qua khủng hoảng, thất bại. Đến nay, trình độ xã hội hoá thể thao ở những nước này đã ở tầm cao thể hiện ở chỗ: các tổ chức xã hội tự làm, tự tổ chức, tự vận hành, đầu tư và hưởng thụ thể thao. Khi đó các Liên đoàn thể thao sẽ là những đơn vị mang tính độc lập tương đối cao, đối với Bộ thể thao.
Và Việt Nam không nằm ngoài xu thế chung ấy. Xã hội hoá TDTT là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đã quán triệt để tăng nhịp độ phát triển sự nghiệp TDTT phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Xã hội hoá cũng là một sản phẩm trí tuệ của nhân loại mà chúng ta cần học hỏi và phát huy theo đặc điểm của nền thể thao nước nhà mà trong đó khai thác hiệu quả mảng kinh tế thể thao sẽ là động lực cho xã hội hoá thể thao phát triển.
Ngành TDTT đã có những hoạt động thiết thực để chủ trương xã hội hoá hoạt động thể thao bước đầu được triển khai và cũng thu được những kết quả tốt đẹp như tạo được sự chuyển biến tích cực về mặt nhận thức ở tất cả các cấp quản lý, tạo sự chuyển đổi trong phương thức quản lý, chỉ đạo các hoạt động thể dục thể thao, góp phần mở rộng quy mô, đa dạng hoá loại hình hoạt động thể dục thể thao, huy động được nhiều nguồn tài chính ngoài ngân sách nhà nước để tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo VĐV, nâng cao chất lượng công tác tổ chức thi đấu, mở rộng cơ hội cho nhân dân được trực tiếp tham gia sản xuất cũng như hưởng thụ các giá trị của thể dục thể thao...
Tuy nhiên cần nhìn nhận rằng, ngoài những mặt tích cực mà xã hội hoá TDTT đã đạt được nói trên vẫn còn những tồn tại cần được giải quyết như: phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển chưa đều, chất lượng chưa cao, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc. Sân bãi, dụng cụ tập luyện cũng như đội ngũ HLV thể thao còn thiếu và yếu về chuyên môn. Thể thao trường học còn nhiều hạn chế như thiếu giáo viên, sân bãi dụng cụ, trang thiết bị tập luyện cho học sinh. Các hoạt động thể dục thể thao, sinh hoạt ngoại khoá cho học sinh, sinh viên còn nghèo nàn.
Trên thực tế, TDTT là hoạt động luôn được xã hội quan tâm, cùng với các ngành kinh tế, xã hội khác, ngày nay thể thao đang trở thành nhân tố tác động vào con người và sự phát triển kinh tế, xã hội ngày một rõ rệt hơn. Vì vậy nhiệm vụ của ngành TDTT là làm sao để xã hội hoá TDTT phát triển xứng tầm, trở thành nhân tố tất yếu của sự phát triển trực tiếp của TDTT và gián tiếp của kinh tế, xã hội trong tương lai.
Muốn làm được như vậy, cần có sự nhận thức đúng hơn và toàn diện hơn của toàn ngành, của các cấp lãnh đạo về xã hội hoá TDTT. Muốn phát triển xã hội hoá TDTT thì trước hết phải phát triển đến mọi người, mọi nhà và mọi tổ chức kinh tế, xã hội. Xã hội hoá TDTT không tự nó phát huy tác dụng mà chỉ có thể thông qua tác động của quản lý nhà nước, do đó cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành TDTT với các tổ chức chính trị xã hội. Các tổ chức xã hội về thể thao cần được quản lý chặt chẽ và định hướng theo mô hình xã hội chủ nghĩa. Một vấn đề rất quan trọng nữa là đầu tư có hiệu quả vào các công trình thể thao mà trong đó hiệu quả của các giải pháp kinh tế thể thao sẽ là mục đích và động lực cho xã hội hoá thể thao.
A.T