Thực trạng nhiều khó khăn...
Trong những năm qua, mặt dù điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, nguồn kinh phí được cấp hàng năm hạn hẹp, song công tác phát triển Thể thao thành tích cao của tỉnh đạt được những kết quả nhất định. Thực tế cho thấy, hiện nay hầu hết trên địa bàn toàn tỉnh, cơ sở vật chất dành cho việc tập luyện, ăn ở của VĐV các đội tuyển (được triệu tập theo tuyến tỉnh) còn rất nghèo nàn, chưa đáp ứng yêu cầu của xu thế phát triển thể thao đỉnh cao trong giai đoạn mới.
Cùng với đó, phát triển thể thao thành tích cao mới dừng lại ở một số môn, chưa thực hiện tuyển chọn, đào tạo và huấn luyện VĐV một cách hệ thống, từ giai đoạn huấn luyện ban đầu đến giai đoạn hoàn thiện. Một số môn có VĐV đỉnh cao nhưng không được đào tạo, huấn luyện nâng cao. Thành tích đạt được chưa có cơ sở vững chắc để phát triển ổn định, chưa mang tính chuyên nghiệp. Các môn Thể thao có lợi thế của tỉnh như: Điền kinh, Karatedo, Taekwondo, Võ cổ truyền chưa được chú trọng quan tâm đầu tư phát triển do thiếu kinh phí đào tạo.
Hơn nữa, cơ sở vật chất đã được đầu tư phát triển nhưng chưa đồng bộ, không đảm bảo quy chuẩn, còn thiếu nhà thi đấu đa năng, khu nhà ở của VĐV, bể bơi, sân tennis, các công trình phụ trợ khác, các trang thiết bị phục vụ tập luyện và thi đấu... chậm hoàn thiện, chưa đáp ứng đủ trước nhu cầu tập luyện và tổ chức thi đấu các giải thể thao. Mặt khác, do đặc thù của việc tập luyện Thể thao nên việc học chương trình phổ thông của các VĐV gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thời gian học, trường, lớp, giáo viên.
Bên cạnh đó, lực lượng VĐV hầu hết là nghiệp dư, được phát hiện và tuyển chọn thông qua các giải, hội thi thể thao cấp huyện, cấp tỉnh. Nhiều VĐV đỉnh cao chỉ được tập luyện và tham gia thi đấu theo mùa giải, từ 3-4 tháng/năm, chưa được tập luyện nâng cao thường xuyên; hàng năm ít được thi đấu cọ xát để rèn luyện kỹ chiến thuật, tâm lý, ý chí thi đấu nên ảnh hưởng rất lớn đến thành tích. Chế độ dinh dưỡng, điều kiện phục vụ ăn, ở, đi lại, quá trình đào tạo, huấn luyện chưa phù hợp nên chưa đủ sức thuyết phục và thu hút được nhiều VĐV đỉnh cao tập luyện và tham gia thi đấu lâu dài cho tỉnh.
... Vững bước đi lên
Hàng năm VĐV thành tích cao của tỉnh được tập trung đào tạo, huấn luyện và hưởng ngân sách của tỉnh gồm 2 tuyến: tuyến năng khiếu và tuyến đội tuyển. Trong đó, tuyến năng khiếu từ 20-35 VĐV ở các môn như: Bóng chuyền, Điền kinh, Karatedo, Taekwondo, Vovinam, Võ cổ truyền; tuyến đội tuyển có 68 VĐV có trình độ chuyên môn cao, trong đó Bóng đá hạng Nhì: 33 VĐV, Bóng chuyền hạng A: 20 VĐV, năng khiếu: 15 VĐV. Ngoài ra, có gần 700 VĐV đang tập luyện tại các trung tâm Thể dục Thể thao tuyến huyện, thị xã và các Câu lạc bộ trên địa bàn toàn tỉnh.
Số huấn luyện viên (HLV) được hưởng chế độ từ ngân sách của tỉnh có 15 HLV. Lực lượng HLV thuộc các đơn vị, địa phương, CLB thể thao trên địa bàn tỉnh quản lý khoảng 57 người. Đội ngũ HLV từng bước được chuẩn hóa, có 90,9% HLV đạt trình độ đại học. Tuy nhiên, lực lượng HLV còn tương đối trẻ, thiếu kinh nghiệm đào tạo, huấn luyện, có nhiều môn cần đầu tư phát triển hiện chưa có HLV chuyên sâu như các môn võ Karatedo, Vovinam, Bóng bàn, Cầu lông, Tennis…
Điểm nổi bật về Thể thao thành tích cao của tỉnh gần đây nhất là tổ chức thành công Đại hội TDTT cấp tỉnh lần thứ VI năm 2018, tại Đại hội lần này đã có bước phát triển rõ nét cả về số lượng VĐV, số môn thi đấu, số đơn vị tham gia, có chất lượng chuyên môn, trình độ tổ chức tốt hơn so với các kỳ Đại hội trước. Cụ thể, ở Đại hội lần này với 15 môn thi đấu và 114 bộ huy chương, Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Kon Tum thu hút 14 đoàn, trên 1.500 VĐV đến từ các huyện thành, phố, các sở, ngành và lực lượng vũ trang trong toàn tỉnh. Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Kon Tum lần thứ VI năm 2018 đã đánh dấu bước tiến mới của Thể thao thành tích cao tỉnh Kon Tum.
Để Thể thao thành tích cao tỉnh Kon Tum phát triển cả về chất và lượng trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum đã xây dựng một số đề án, chiến lược phát triển mang tính dài hạn và được Ủy ban Nhân dân tỉnh thông qua và cho ban hành. Trong đó, mục tiêu về Thể thao thành tích tỉnh Kon Tum phấn đấu đến năm 2020 là có từ 25 - 30 VĐV giành Huy chương tại các giải trẻ, vô địch toàn quốc/năm; 10 - 15 Huy chương các loại tại các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc. Tuyển chọn, duy trì, đào tạo hàng năm 200 - 250 VĐV năng khiếu của tỉnh. Phấn đấu có 2 - 3 HLV, trợ lý HLV/1 môn Thể thao, tiếp cận trình độ của khu vực và của cả nước; phấn đấu xếp vị trí thứ 3 khu vực Tây Nguyên và vị trí 55 - 57 tại kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII.
Cùng với đó, tập trung xây dựng đội Bóng đá nam trở thành đội bán chuyên nghiệp và chuyên nghiệp. Xây dựng các đội tuyển Bóng chuyền, Võ thuật, Bóng bàn, Cầu lông, Cờ vua, Cờ tướng, Điền kinh trở thành đội mạnh quốc gia. Xây dựng hoàn chỉnh khu Trung tâm TDTT mới của Tỉnh bao gồm sân vận động, nhà thi đấu đa năng, bể bơi, sân Quần vợt... và các công trình phụ trợ khác.
Bên cạnh đó, mục tiêu tại chiến lược phát triển Thể thao thành tích cao của tỉnh đến năm 2020 và định hướng 2030 chỉ rõ là lấy trường học làm nền tảng, tạo nền móng cho việc xây dựng Thể thao thành tích cao. Tập trung quy hoạch đầu tư các môn Thể thao trọng điểm có thế mạnh, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của địa phương, như một số nội dung của môn Điền kinh (chạy cự ly trung bình, cự ly dài, ném lao, nhảy xa), Võ thuật cổ truyền, võ Karatedo, Taekwondo, Bóng đá.
Cùng với đó, mở rộng mối quan hệ hợp tác với các tỉnh, khu vực và các Trung tâm huấn luyện Quốc gia, tiếp thu các kiến thức về khoa học thể thao hiện đại để phát triển Thể thao thành tích cao. Tăng mức đầu tư của Nhà nước nhằm huy động tổng hợp mọi nguồn lực trong việc xây dựng cơ sở vật chất và đào tạo VĐV thành tích cao.
Bên cạnh đó, quy hoạch lực lượng và địa bàn trọng điểm để đầu tư và tạo mũi nhọn đột phá về thành tích thể thao; xây dựng hệ thống đào tạo VĐV thể thao từ cấp cơ sở (xã, phường, huyện, thành phố, sở, ngành), Trung tâm huấn luyện và thi đấu Thể dục Thể thao tỉnh Kon Tum và các Câu lạc bộ, Liên đoàn Thể thao; đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất và ổn định nguồn kinh phí hoạt động Thể thao thành tích cao.
Ngoài ra, cần tập trung phát triển mạnh mẽ phong trào TDTT quần chúng cả về số lượng và chất lượng, nhất là trong lực lượng thanh thiếu niên, học sinh; lấy trường học làm trọng điểm để tạo nguồn tuyển chọn tài năng thể thao, lấy thành tích thể thao làm hạt nhân tác động trở lại cho sự phát triển phong trào. Để thực hiện hóa các mục tiêu đặt ra, Hội dồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã và đang tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất để ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh phát triển mạnh mẽ, hiệu quả về thể thao thành tích cao.
N. H