You must configure this module first via "Module Settings"

Kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính tại Cục Di sản Văn hoá, Bộ VHTT&DL

Sáng 10/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Lê Vĩnh Tân đã dẫn đầu đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tới kiểm tra thực tế và nghe báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính tại Cục Di sản Văn hoá Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá Nguyễn Thế Hùng báo cáo tại buổi làm việc (Ảnh: Y Trang)
Báo cáo tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá Nguyễn Thế Hùng cho biết: ở nội dung cải cách thể chế, từ 2017 đến nay, Cục Di sản Văn hóa đã tiến hành tham mưa xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành 01 Nghị định và 02 Thông tư. Công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa thường xuyên được thực hiện làm cơ sở tham mưu xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa. 

Theo kế hoạch, trong năm 2018, Cục Di sản văn hóa tiến hành tham mưu xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18/9/2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Rà soát, kiến nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi một số quy định chồng chéo, chưa đồng bộ của pháp luật về xây dựng và đầu tư công, môi trường với pháp luật về di sản văn hóa.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về di sản văn hóa cũng được quan tâm triển khai dưới các hình thức: Xuất bản Tạp chí Di sản văn hóa 04 số/năm, thường xuyên cập nhật tin tức, bài viết giới thiệu về hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên Trang thông tin điện tử của Cục, công bố các văn bản pháp luật mới ban hành trên các phương tiện thông tin đại chúng, phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và phổ biến pháp luật cho những đối tượng là cán bộ quản lý, chuyên môn ở cơ sở. Bên cạnh đó, thông qua các cuộc tập huấn định kỳ, chuyên đề Cục DI sản văn hóa cũng kếp hợp khảo sát, trao đổi, thảo luận trực tiếp về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật, từ đó tìm ra những hạn chế, bất cập nhằm kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung theo quy định.

Ở nội dung cải cách thủ tục hành chính, Cục Di sản văn hóa đã niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan và trên Website của Cục 26 thủ tục hành chính gồm 12 thủ tục cấp Trung ương và 14 thủ tục hành chính cấp Tỉnh. Thực hiện rà soát và đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư ngành nghề kinh doanh trong lĩnh vực di sản văn hóa và đề nghị cắt giảm, đơn giản hóa thành phần hồ sơ của 05 thủ tục hành chính liên quan. Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đối với các quy định hành chính và thủ tục hành chính. Từ đầu năm 2017 đến nay chưa có bất kỳ khiếu nại, kiến nghị nào của cá nhân, tổ chức về vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính của Cục.

Kịp thời phổ biến những quy định pháp luật về cải cách hành chính cho công chức, viên chức; đồng thời xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của Cục; gắn công tác cải cách hành chính với việc triển khai các nhiệm vụ chuyên môn. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu... là một số nội dung cơ bản đã được Cục Di sản Văn hoá triển khai trong thời gian qua.

Bên cạnh những thuận lợi như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hoá ngày càng được hoàn thiện; cơ cấu tổ chức của đơn vị được sắp xếp hợp lý, đảm bảo phù hợp, tinh gọn, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO trong hoạt động chuyên môn đã đảm bảo giải quyết công việc theo đúng quy trình và thời gian, tiết kiệm chi phí và đẩy nhanh tiến độ công việc...

Bên cạnh những kết quả đạt được, Công tác Cải cách hành chính tại tại Cục Di sản Văn hoá cũng bộc lộ một số hạn chế như: một số quy định còn chồng chéo, chưa đồng bộ giữa pháp luật về xây dựng và đầu tư công, môi trường với pháp luật về di sản văn hoá; thói quen làm việc trực tiếp qua đường công văn, giấy tờ vẫn còn phổ biến khi thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực di sản văn hoá...

Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: Y Trang)
Năm 2019, Cục Di sản Văn hóa tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của đội ngũ công chức, viên chức đối với công tác cải cách hành chính. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức. Tiếp tục, theo dõi rà soát các thủ tục hành chính nhằm đảm bảo các thủ tục hành chính được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và điều hành của Cục.

Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định, mục tiêu của cải cách hành chính, là xây dựng một bộ máy hành chính nhà nước hoạt động hiệu quả. Trong lĩnh vực di sản văn hoá, cải cách hành chính sẽ góp phần khắc phục những chồng chéo, phát huy tối đa hiệu quả công việc của từng vị trí, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực di sản văn hoá, giảm những di tích văn hoá bị xâm phạm, phát huy các giá trị di sản trong đời sống...

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân lưu ý một số vấn đề trong cải cách hành chính ở lĩnh vực này như: số lượng đối tượng quản lý, tổ chức bộ máy, tăng cường sự liên kết giữa trung ương và địa phương, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý...

A.T

Ảnh trong bài
  • Kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính tại Cục Di sản Văn hoá, Bộ VHTT&DL