You must configure this module first via "Module Settings"

Tuyên Quang đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT

Những năm gần đây, phong trào TDTT của tỉnh Tuyên Quang có những bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng. Đặc biệt, trong năm 2017 vừa qua, các chỉ tiêu phát triển sự nghiệp TDTT của các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều vượt kế hoạch được giao. Nhiều hoạt động TDTT được tổ chức thành công, trong đó điểm nhấn đó là việc tổ chức Đại hội TDTT các cấp đã để lại những dấu ấn mới cho thể thao Tuyên Quang.

Đi Cà Kheo - môn thể thao dân tộc truyền thống được tổ chức vào các dịp Lễ, Tết (Ảnh: T.Thiện )

Đẩy mạnh Xã hội hóa

Trong bối cảnh hiện nay, điều kiện kinh tế xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu tập luyện TDTT của người dân ngày càng nhiều, vì vậy nhu cầu về sân tập, phòng tập và sự đa dạng các loại hình hoạt động TDTT theo sở thích của từng đối tượng là một trong những vấn đề được xã hội quan tâm và ngày càng trở nên cần thiết. Bởi vậy, đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy phong trào TDTT ở địa phương phát triển.

Đối với Tuyên Quang – một tỉnh miền núi phía Bắc, điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, ngân sách dành cho TDTT còn nhiều hạn chế, nên mặc dù đã có sự đầu tư của nhà nước về cơ sở vật chất cho tập luyện TDTT nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Chính vì vậy, chính quyền địa phương cũng như ngành VHTTDL tỉnh đã không ngừng nỗ lực đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT và hoạt động này đã từng bước mang lại nhiều kết quả quan trọng.

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có hơn 2.000 sân thể thao, trong đó có 409 sân bóng chuyền, 278 sân bóng đá, 686 sân cầu lông, 29 sân quần vợt, còn lại là các sân chơi bãi tập khác.  Trong số đó, có gần 40 Sân cỏ nhân tạo, sân quần vợt, bóng bàn, bể bơi... được các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng. Các sân chơi thể thao này đã phần nào đáp ứng nhu cầu giải trí, vui chơi, rèn luyện TDTT cho nhân dân. Từ đó, tạo phong trào TDTT sôi nổi, liên tục với nhiều hình thức hoạt động TDTT phong phú và đa dạng.

Bóng đá là môn thể thao được nhân dân ưa thích, nhất là đối với lứa tuổi thanh, thiếu niên. Bởi vậy nhu cầu về sân cỏ nhân tạo vô cùng lớn, nhất là vào những dịp hè, khi học sinh được nghỉ học, các điểm tập luyện Bóng đá trên địa bàn thành phố đều hoạt động hết công suất. Chính vì vậy, trong 5 năm trở lại đây, việc đầu tư xây dựng sân cỏ nhân tạo nhận được sự quan tâm đầu tư của nhiều doanh nghiệp,cá nhân. Ước tính đến nay trên địa bàn tỉnh có trên 10 sân cỏ nhân tạo tập trung ở một số huyện, thành phố, gồm: TP Tuyên Quang, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Sơn Dương, Yên Sơn. Mỗi sân có diện tích 1.000 m2, trang bị lưới bao bọc, hệ thống đèn chiếu sáng để phục vụ hoạt động cả khi trời tối.  

Ngoài Bóng đá, nhiều cá nhân, hộ gia đình cũng đầu tư xây bể bơi như: Khu thể thao Chí Hiếu (thị trấn Tân Yên), Bể bơi Đức Hải (phố Lang Quán, xã Thắng Quân), hay các sân tập Bóng bàn, cầu lông, phòng tập thể hình, Yoga tại trung tâm Thành phố Tuyên Quang luôn thu hút đông đảo nhân dân đến tập luyện hàng ngày. Bên cạnh đó, ở các vùng nông thôn, ngoài việc dành quỹ đất cho hoạt động TDTT, các địa phương cũng kêu gọi sự chung tay của các cá nhân, doanh nghiệp tài trợ kinh phí cho việc tổ chức các giải thi đấu thể thao, xây dựng các mô hình câu lạc bộ TDTT đơn môn, đa môn.

Việc đầu tư xây dựng các công trình thể dục thể thao cũng như đều có giá trị từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Ngoài sự đầu tư về cơ sở vật chất, kinh phí tổ chức các giải thi đấu thể thao, tỉnh cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư cho TDTT.  

Cùng với đó công tác xã hội hóa TDTT ngày càng được quan tâm, chú trọng hướng về cơ sở là một trong những giải pháp thúc đẩy phong trào TDTT của địa phương. Nhờ đó, hoạt động TDTT của tỉnh đã có những bước phát triển mạnh mẽ  cả về chất và lượng.

Và những kết quả đã đạt được  

Với tinh thần “khoẻ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành VHTTDL,  cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại”, tiếp tục được đẩy mạnh, rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh.

Để phong trào TDTT ngày càng phát triển, ngành TDTT đã chủ động phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức thành công nhiều hoạt động TDTT nhân dịp lễ hội truyền thống, các sự kiện trọng đại của đất nước. Các hoạt động thi đấu TDTT được tổ chức lồng ghép với các hoạt động văn hóa đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi, nâng cao đời sống tinh thần nhân dân. Chính các hoạt động TDTT đã tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là người cao tuổi,  thanh, thiếu niên… tham gia.

Số người thường xuyên tham gia tập luyện thể thao của tỉnh hàng năm đều tăng. Nếu như năm 2015, số người  tập luyện TDTT thường xuyên của tỉnh đạt 25,8%, đến năm 2017 con số này đạt 26,7%; số gia đình tham gia tập thể thao thường xuyên năm 2015 đạt 22,7%, đến năm 2017 đạt 23,3%. Năm 2015 có 315 câu lạc bộ thể thao thường xuyên hoạt động, đến năm 2017 tăng  lên 325 câu lạc bộ. Phong trào TDTT trong cán bộ công nhân viên chức, người lao động được đẩy mạnh.

Hoạt động TDTT trong các nhà trường được duy trì bền vững và ổn định với việc tổ chức các hoạt động thể thao ngoại khóa diễn ra sôi nổi. 100% trường học bảo đảm chương trình giáo dục thể chất nội khóa có chất lượng. Trong năm, ngành đã tổ chức thành công các giải thể thao truyền thống như: Giải cầu lông, chạy Việt dã và điền kinh, bóng chuyền, bóng đá, Hội đua thuyền trên sông Lô, giải đấu vật, Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số.  Bên cạnh đó, phong trào TDTT trong lực lượng vũ trang được duy trì, đảm bảo 100% số cán bộ chiến sỹ đạt tiêu chuẩn…

Cùng với sự phát triển của phong trào TDTT quần chúng, ngành VHTTDL tỉnh cũng luôn quan tâm, chú trọng đến công tác đào tạo, huấn luyện thể thao thành tích cao. Nhờ vậy thành tích cũng như vị trí của thể thao tỉnh nhà trong khu vực và toàn quốc ngày càng được khẳng định.

Điểm nhấn trong linh vực TDTT trong năm 2017 của Tuyên Quang đó là tập trung tổ chức Đại hội TDTT các cấp và Đại hội TDTT cấp tỉnh lần thứ VIII. Trong đó, Đại hội TDTT tỉnh diễn ra vào đầu tháng 11/017 đã diễn ra thành công và để lại ấn tượng sâu sắc đối với nhân dân. Đại hội thực sự là ngày hội của toàn dân với sự tham dự của hơn 4.000 người,  trong đó có gần 300 VĐV tranh tài đến từ các huyện, thành phố, các đoàn Công an, Quân đội.  Các VĐV tranh tài ở 14 môn gồm: bóng chuyền hơi, bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, bóng bàn, việt dã, Điền kinh, cờ vua, bắn nỏ, đẩy gậy, chạy cà kheo, tung còn, võ cổ truyền.

Bên cạnh đó, trong năm 2017, 23 đội tuyển đi tham gia tranh tài ở các giải khu vực và toàn quốc và gàinh 10 HCV, 20 HCB, 46 HCĐ; có 6 vận động viên (VĐV) đạt cấp kiện tướng và 29 VĐV đạt cấp 1.

Cùng với việc tổ chức các giải thi đấu thể thao trong tỉnh, năm 2017 còn là năm đánh dấu bước phát triển của ngành TDTT tỉnh khi đăng cai, tổ chức thành công nhiều giải đấu thể thao cấp quốc gia như: Giải Vô địch trẻ vật cổ điển, vật tự do toàn quốc; Giải Vô địch trẻ Pencak silat toàn quốc; Giải thi đấu các môn thể thao trong Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất. Thành công của những giải đấu này đã không chỉ để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè và người dân, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong tỉnh mà qua đó, còn góp phần nâng cao năng lực, trình độ cũng như kinh nghiệm của các nhà quản lý trong công tác tổ chức và điều hành các giải thể thao..

Với những thành tích đạt được trong những năm qua, cùng với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả công tác xã hội hoá TDTT của Tuyên Quang hứa hẹn sẽ phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia luyện tập; góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, đưa TDTT tỉnh Tuyên Quang vững bước trên con đường hội nhập và phát triển.

VD

Ảnh trong bài
  • Tuyên Quang đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT