Điển hình như mô hình tư nhân tham gia đầu tư các trung tâm tập luyện thể dục thể thao (TDTT) nở rộ trên địa bàn Tp. Huế, góp phần đẩy mạnh phong trào luyện tập TDTT, tăng cường sức khỏe cho nhân dân. Thuận Lộc là địa bàn có số lượng doanh nghiệp tư nhân đầu tư các trung tâm, câu lạc bộ tập luyện thể thao nhiều nhất trên địa bàn Tp. Huế với tổng số hơn 13 cơ sở ở nhiều loại hình khác nhau, như: phòng tập Gym, Bóng đá, Cầu lông, Quần vợt, Võ thuật, Bóng bàn, Cờ vua, Dưỡng sinh.
Được biết, việc người dân, doanh nghiệp cùng chung tay tự đầu tư kinh phí các điểm luyện tập TDTT khang trang có thu phí với trang thiết bị hiện đại góp phần làm giảm kinh phí từ ngân sách và tạo nhiều địa điểm để người dân luyện tập, thi đấu.
|
Phong trào TDTT ở Thừa Thiên Huế phát triển mạnh mẽ (Ảnh: Văn Duy) |
Điển hình là nhà văn hóa ở đường Lê Văn Hưu, sau khi được đầu tư trang thiết bị hơn 120 triệu đồng đã trở thành phòng tập thể hình hiện đại, thu hút khá đông thanh thiếu niên đến rèn luyện sức khỏe, không gian này cũng trở nên sinh động và đem lại nhiều nguồn kinh phí cho các hoạt động TDTT.
Những sân chơi, tập luyện TDTT lành mạnh, bổ ích đang phát triển mạnh là tín hiệu vui góp phần nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa (XHH) thể thao trên địa bàn, giúp nhân dân nâng cao sức khỏe, thắt chặt tinh thần đoàn kết, tạo ra sự tự tin, qua đó phần nào góp phần hạn chế những tệ nạn xã hội của thanh thiếu niên. Từ các trung tâm văn hóa, thể thao tại các phường, xã, địa phương đã phát hiện ra nhiều nhân tố nổi bật để tham gia thi đấu và giành được thành tích rất tốt ở một số nội dung thi tại kỳ Đại hội TDTT thành phố lần thứ VIII vừa qua”.
Trước nhu cầu tập luyện và quan tâm đến vẻ đẹp hình thể của người dân ngày càng cao, các dịch vụ tập luyện TDTT do tư nhân đầu tư đang mở rộng và phát triển mạnh mẽ trên địa bàn toàn thành phố, chính vì thế mô hình xã hội hóa TDTT từ các CLB do tư nhân đầu tư đang trở thành một trong những lĩnh vực nhiều tiềm năng và được ngành Văn hóa, Thể thao Thừa Thiên Huế khai thác, kích cầu phát triển.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Trung tâm TDTT Tp. Huế, hiện trên địa bàn có hơn 500 trung tâm, sân bãi, điểm luyện lớn nhỏ do tư nhân đầu tư với số tiền đầu tư trong 10 năm qua lên đến hàng trăm tỷ đồng, trong đó chỉ riêng hệ thống sân cỏ nhân tạo trên địa bàn thành phố đã có 50 sân.
Chia sẻ về công tác xã hội hóa TDTT - ông Nguyễn Văn Dấu, giám đốc Trung tâm TDTT Tp. Huế cho hay: hiện nguồn ngân sách Nhà nước dành cho công tác TDTT vẫn còn khá hạn chế, để thúc đẩy phát triển phong trào TDTT, thì việc thống nhất về chủ trương xã hội hóa các mô hình trung tâm, câu lạc bộ TDTT được thành phố khuyến khích từ nhiều năm qua, qua đó đẩy mạnh, mở rộng, thu hút thêm nhiều nguồn lực xã hội đầu tư cho sự nghiệp TDTT của thành phố.
Cùng với đó, TDTT là một trong những lĩnh vực có nhiều thuận lợi trong việc triển khai chủ trương XHH của Đảng, Nhà nước, được lãnh đạo thành phố và các phường đặc biệt quan tâm, được xã hội đón nhận và dần đi vào đời sống, phát huy tác dụng, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sự phát triển của phong trào TDTT của địa phương. Đây là cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp, cá nhân hướng tới một lĩnh vực nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, để các trung tâm TDTT, câu lạc bộ TDTT hoạt động hiệu quả, tới đây thành phố sẽ tăng cường quản lý để các trung tâm này, bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn hoạt động như huấn luyện viên cho các phòng thể hình, đội cứu hộ ở các bể bơi...
Trên thực tế, loại hình câu lạc bộ TDTT từng môn, phòng tập, sân thi đấu, tập luyện, điểm tập được các doanh nghiệp và hộ tư nhân đầu tư ngày càng quy mô, hoạt động hiệu quả về cả phương diện kinh tế và đáp ứng nhu cầu luyện tập ngày càng cao của người dân. Không những thế, các trung tâm này cũng tài trợ rất mạnh cho nhiều hoạt động thể thao do địa phương tổ chức, đơn cử như tại đại hội TDTT khối 27 phường thì kinh phí từ nguồn tài trợ xã hội hóa hơn 1,6 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng kinh phí tổ chức đại hội.
Riêng năm 2017, số lượng trung tâm thể thao ra đời từ nguồn xã hội hóa đông nhất từ trước đến nay với tổng số 57 địa điểm trên 19 phường, tổng số vốn đầu tư các trung tâm, điểm luyện tập này trên 13 tỷ đồng, trong đó nhiều nhất là các phòng tập Gym theo tiêu chí cao cấp với hệ thống máy tập, trang thiết bị hiện đại như Phòng Gym Green 92 Mai Thúc Loan với tổng mức đầu tư 1,4 tỷ đồng, Gym King Sport ở An Cựu City 1,2 tỷ đồng, Gym Hoàng Gia 1 tỷ đồng.
N.H