Với 1 thị trấn và 13 xã, huyện Gia Bình - tỉnh Bắc Ninh được biết đến với nhiều làng nghề truyền thống như: đúc đồng, nghề làm bánh bột lọc, nghề trồng dưa, nghề mây tre, trúc, nghề làm nón lá... Điều kiện kinh tế xã hội khá phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, trình độ dân trí được nâng cao đã giúp Gia Bình từng ngày thay da đổi thịt và trở thành một trong những huyện đi đầu trong các phong trào, trong đó có phong trào Thể dục thể thao.
Quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 08/NQ/TW, nhận thức của nhân dân đối với vị trí, vai trò của TDTT, đặc biệt là nhận thức của các cấp ủy Đảng và chính quyền trên địa bàn huyện về trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sự nghiệp TDTT đã được nâng lên. Phong trào TDTT quần chúng ở cơ sở tiếp tục được phát triển rộng khắp trong tất cả các đối tượng từ người cao tuổi, đến thanh thiếu niên, nhi đồng, phụ nữ, nông dân, cán bộ, công nhân viên chức, người lao động. Phong trào TDTT không ngừng lan tỏa trên tất cả các địa bàn từ thành thị đến nông thôn với nhiều hình thức phong phú, đa dạng về nội dung, nhờ đó chất lượng phong trào từng bước được nâng lên.
Để thực hiện hiệu quả các văn bản, chỉ thị của Đảng, Nhà nước và ngành VHTTDL, các phong trào như "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được gắn với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” đã được tổ chức lồng ghép và liên tục được mở rộng trong mọi đối tượng dân cư, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng. Nhờ đó, các phong trào Văn hóa, văn nghệ và Thể dục thể thao luôn diễn ra sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn dân cư trong toàn huyện.
Số người tập TDTT thường xuyên trên địa bàn huyện tăng đều theo từng năm. Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn huyện có 185 CLB, 3 điểm tập TDTT. Số người luyện tập TDTT thường xuyên đạt hơn 34,5% tổng số dân; số gia đình luyện tập thể thao thường xuyên đạt 29%... Đây là những con số đáng khích lệ, khẳng định sự đúng đắn trong chỉ đạo cũng như phương hướng hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự quyết liệt của ngành VHTTDL huyện đối với việc chăm lo sức khỏe, thể chất cũng như tinh thần cho nhân dân.
Hằng năm, Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện tham mưu cho các cấp, các ngành đề ra chủ trương phát triển thể thao phù hợp, hướng trọng tâm là các môn TDTT phổ thông và mũi nhọn như: Thể dục dưỡng sinh, Cầu lông, Bóng bàn, Võ, vật, Cờ vua, Cờ tướng... ; tập trung hướng dẫn các xã, các CLB TDTT ở cơ sở tổ chức giải TDTT quần chúng, gắn với hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, lễ hội… vừa tạo khí thế sôi nổi vừa tăng cường giao lưu, cọ xát, từng bước nâng cao chất lượng các môn luyện tập; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều giải thể thao phong trào thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài địa phương tham dự như: giải Vật được tổ chức tại xã Đông Cứu nhân lễ hội Thập Đình hay giải Vật nhân lễ hội Thượng Quốc Tuy Ông, nghè Chi Nhị (xã Song Giang)...
Trung bình mỗi năm, Trung tâm VHTT huyện tổ chức khoảng 4-6 giải thi đấu cấp huyện, 80 - 90 giải ở các xã, thị trấn hoặc các ngành, tập trung ở các môn như: Cầu lông, Bóng bàn, Bóng đá, Võ, Vật..
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, với sự yêu thích của đông đảo nhân dân trong huyện, Vật đã trở thành môn thể thao không thể thiếu đối với người dân Gia Bình vào mỗi dịp lễ tết. Cũng vì thế, môn Vật truyền thống đang ngày càng phát triển và Gia Bình trở thành điểm sáng trong công tác đào tạo, huấn luyện môn Vật. Hiện huyện đang duy trì 3 CLB vật tại xã Cao Đức, Xuân Lai và Song Giang với khoảng 50 thành viên... Từ phong trào vật phát triển đã đem lại cho Gia Bình nhiều thành tích đáng kể. Gần nhất là trong năm 2017 vừa qua, đội tuyển Vật của huyện tham gia giải Vật tự do, Vật dân tộc của tỉnh, Gia Bình giành 14 HCV, 7 HCB, 9 HCĐ cá nhân; đoạt 1 giải Nhất vật tự do thiếu niên, 1 giải Nhất vật dân tộc, 1 giải Ba vật tự do thiếu niên, 1 giải Ba vật tự do nữ, 1 giải Ba vật dân tộc toàn đoàn. Và với sự đầu tư phát triển như hiện nay, Gia Bình luôn khẳng định vị thế là đơn vị dẫn đầu trong các giải Vật của tỉnh.
Cùng với Vật, Bóng đá cũng là môn thể thao được phát triển mạnh mẽ ở khắp các xã trên địa bàn huyện. Đây cũng là môn thể thao được thanh, thiếu niên yêu thích và tập luyện hàng ngày. Hầu hết các xã trên địa bàn huyện đều có đội bóng đá phong trào. Trong đó riêng xã Đại Bái có gần 40 CLB Bóng đá của các xóm, các doanh nghiệp, xưởng sản xuất… với khoảng gần 600 người. Các CLB đều có nội quy, điều lệ cụ thể, kinh phí hoạt động từ nguồn xã hội hóa, đóng góp tự nguyện nên hoạt động thường xuyên, nền nếp.
Ngoài ra, các môn Võ cổ truyền, Karatedo cũng thu hút đông người luyện tập với 11 lớp võ cổ truyền, 4 CLB Karatedo. Các lớp võ thuật luyện tập tại sân trường học, sân đình, chùa… và vào buổi tối nên thu hút khoảng 700 võ sinh, trong đó chủ yếu là học sinh.
Cùng với đó, hoạt động TDTT của người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm hơn; các phương pháp dưỡng sinh cổ truyền, các trò chơi dân gian và một số môn thể thao dân tộc được khôi phục và phát triển mạnh mẽ; hoạt động TDTT trong lực lượng vũ trang, công chức, viên chức đã có bước chuyển biến tích cực. Hàng năm, Trung tâm VHTT và Liên đoàn lao động Huyện đã phối hợp tổ chức hội thao CNVC - LĐ với nhiều môn thể thao như Cầu lông, Bóng bàn, Kéo co... thu hút đông đảo công đoàn viên của các công đoàn cơ sở tham gia. Công tác giáo dục thể chất và thể thao trong hệ thống trường học các cấp đã thu hút 100% học sinh các cấp học tham gia; đảm bảo chương trình nội dung học 2 tiết/tuần theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo.
Ngoài việc chăm lo phát triển phong trào, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho việc tập luyện TDTT từng bước được sửa chữa, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu tập luyện và thi đấu của nhân dân. Hiện tại, 100% xã đã dành quỹ đất quy hoạch cho TDTT. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng có thể thấy, trong những năm gần đây hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở Gia Bình đã từng bước được củng cố, hoàn thiện với 100% xã có nhà văn hóa - điểm vui chơi, sinh hoạt và tập luyện TDTT cho nhân dân. Công tác đào tạo VĐV trẻ được chú trọng, tuyển chọn qua hệ thống thi đấu giải thể thao cấp xã, huyện và 1 số ngành trên địa bàn, các lớp năng khiếu bán tập trung, năng khiếu tập trung được duy trì tổ chức và đạt hiệu quả, đóng góp lực lượng vận động viên chủ yếu cho các đội tuyển trẻ, tuyển huyện và các đội tuyển trẻ quốc gia thi đấu tại các đấu trường quốc gia, quốc tế và cấp châu lục.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về phong trào TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao của Gia Bình cũng từng bước được nâng cao. Tại Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VI năm 2010 huyện Gia Bình xếp vị trí thứ 3 đến Đại hội lần thứ VII năm 2014 đoàn thể thao Gia Bình vươn lên vị trí thứ Nhất toàn đoàn với 23 HCV; 16 HCB; HCĐ. Nhiều bộ môn trở thành mũi nhọn của huyện, cung cấp cho đội tuyển tỉnh nhiều VĐV xuất sắc.
Và để chuẩn bị cho Đại hội TDTT tỉnh Bắc Ninh năm 2018, 100% các xã, phường thị trấn của huyện đã tổ chức xong Đại hội TDTT cấp cơ sở, trong đó các đơn vị địa phương đều tổ chức thi đấu từ 05 môn thể thao trở lên và các giải thi đấu thể thao trong khuôn khổ Đại hội được nâng nên đáng kể so với những lần tổ chức trước về quy mô cũng như chất lượng. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, Gia Bình hoàn toàn tự tin sẽ giành thứ hạng cao tại Đại hội TDTT toàn tỉnh Bắc Ninh năm 2018.
Bên cạnh những kết quả trên, công tác TDTT huyện Gia Bình cũng còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập: nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác TDTT chưa đầy đủ nên việc tuyên truyền vận động nhân dân tham gia các hoạt động TDTT còn chậm và hiệu quả chưa cao; phong trào TDTT chưa đồng đều giữa các xã, thị trấn, giữa các đối tượng còn có sự chênh lệch về mức độ tham gia và hưởng thụ TDTT; nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư cho hoạt động TDTT nhằm nâng cao sức khỏe cho công nhân; Đội ngũ cán bộ từ huyện tới cơ sở còn thiếu, kiêm nhiệm... Đây cũng chính là những khó khăn khiến cho phong trào TDTT của huyện chưa phát triển tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Trên cơ sở những mặt mạnh và những tồn tại trên, trong thời gian tới, huyện Gia Bình đề ra mục tiêu tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng phong trào TDTT nhằm tạo thêm các điều kiện cần thiết để phát huy các tiềm năng về trí tuệ và vật chất trong nhân dân. Huy động nguồn lực xã hội chăm lo phát triển sự nghiệp TDTT trên địa bàn huyện. Thúc đẩy phong trào thể thao quần chúng phát triển mạnh mẽ, hình thành thói quen thường xuyên rèn luyện sức khỏe trong nhân dân làm nền tảng để phát hiện, nuôi dưỡng phát triển thể thao thành tích cao. Đa dạng hóa các nội dung hoạt động TDTT, đáp ứng yêu cầu tập huyện của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.