Sở dĩ công tác xã hội hóa các hoạt động TDTT ngày càng hiệu quả là bởi, tỉnh Phú Yên trong những năm qua đã mở rộng cơ chế, thể chế quản lý nhà nước về TDTT được củng cố và hoàn thiện; hình thành hệ thống các tổ chức xã hội về TDTT. Tiềm lực khoa học công nghệ và y học Thể thao đã có những chuyển biến tích cực. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác TDTT đang dần được quan tâm hơn, năng lực tổ chức, điều hành của đội ngũ cán bộ quản lý, trọng tài, nhân viên... ngày được nâng cao. Bên cạnh đó, Tỉnh cũng có một đường bờ biển tiềm năng cho phát triển Thể thao và Du lịch biển. Thông qua đó hình ảnh quê hương, con người Phú Yên được nâng tầm và mở rộng hơn.
|
Công tác xã hội hóa TDTT tỉnh Phú Yên có nhiều khởi sắc (Ảnh: VDuy) |
Điển hình như: công tác kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, công trình thể thao phục vụ người dân đang được một số địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện và mang lại nhiều kết quả ấn tượng. Khu Liên hợp Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Đông Hòa ra đời cũng từ chính sách và chủ trương này. Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Đông Hòa có diện tích 3,2ha, trong đó có nhiều công trình như: Bể bơi, sân Bóng đá, Bóng chuyền, nhà thi đấu đa năng, sân Quần vợt. Giai đoạn 1 đã hoàn thành, đi vào hoạt động là sân Bóng đá, bể bơi hiện đại với tổng kinh phí 20 tỉ đồng. Công trình này được giao cho Công ty TNHH Thương Mại - Dịch vụ Thủy sản Ngọc Tùng đầu tư, quản lý, khai thác trong thời gian 50 năm.
Ông Ngô Viết Hải, Trưởng Phòng Văn hóa - Thể thao huyện Đông Hòa, cho biết: “Việc thu hút các doanh nghiệp chung tay xây dựng các công trình Thể thao, phục vụ người dân là chủ trương đúng đắn, hiệu quả. Ngoài việc trở thành mạnh thường quân cho Thể thao huyện Đông Hòa tại các giải cấp tỉnh, Công ty TNHH Thương Mại - Dịch vụ Thủy sản Ngọc Tùng đã giúp cơ quan chức năng huyện Đông Hòa giải quyết bài toán kinh phí về xây dựng các công trình Thể thao. Việc hình thành Khu Liên hợp Văn hóa - Thể thao huyện Đông Hòa cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để địa phương này trở thành Thị xã Đông Hòa năm 2020”.
Ông Nguyễn Ngọc Khuê - Trưởng Phòng Thể thao Sở VHTTDL Phú Yên đánh giá: “Trước đây, Đông Hòa là một trong những địa phương khó khăn về cơ sở vật chất phục vụ thể thao. Tuy nhiên, hiện nay mọi thứ đã thay đổi nhờ chủ trương xã hội hóa. Giải Bơi Đại hội TDTT tỉnh Phú Yên lần thứ VII - năm 2017 được tổ chức tại Đông Hòa cũng là cách để chúng tôi quảng bá về cách làm hay của huyện này, qua đó phục vụ tốt hơn nhu cầu giải trí, thể thao của người dân tại địa phương và các vùng lân cận”.
|
Nhiều công trình Thể thao trở nên khang trang hơn nhờ công tác xã hội hóa hiệu quả (Ảnh: VDuy) |
Cùng với đó, để đẩy mạnh công tác xã hội hóa hàng năm, Sở VHTTDL đã chủ động xây dựng kế hoạch ký liên tịch để phát triển các hoạt động TDTT theo từng đối tượng cụ thể. Tính đến nay, Sở đã ký kết liên tịch 16 ngành, đoàn thể trong tỉnh như: Hội sinh viên, học sinh, Giáo dục - Đào tạo, Hội phụ nữ, Báo Phú Yên, tỉnh đoàn.... Từ đó, đã góp phần thúc đẩy phong trào TDTT sôi nổi, liên tục và rộng khắp trên các địa bàn dân cư, với nhiều hình thức hoạt động phong phú và đa dạng. Trung bình mỗi năm trên địa bàn toàn tỉnh có trên 500 giải Thể thao được tổ chức, thu hút số lượng lớn người tham gia.
Có nhiều giải Thể thao của tỉnh tổ chức đã nhận được sự hỗ trợ thường xuyên của các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh như: giải Bóng đá vô địch Cup bia Sài Gòn - Phú Yên, giải Bóng chuyền vô địch - Cup VNPT Phú Yên, giải Cầu Lông vô địch - Cup xổ số kiến thiết, giải Việt dã Sacombank - ngân hàng Sacombank, giải Bóng bàn vô địch - Cup công ty xăng dầu dầu khí, giải Bóng đá Nhi đồng - Cup VTV Phú Yên, giải Bơi - Cup siêu thị Co.op Mart Tuy Hòa, giải Việt dã báo Phú Yên mở rộng...
Đến nay toàn tỉnh có tổng cộng 16 Liên đoàn, CLB và Hội Thể thao hoạt động, trong đó có 4 Liên đoàn, 7 CLB hoạt động chuyên nghiệp. Chính các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao trong năm qua đã đóng góp rất lớn trong việc huy động nguồn lực xã hội để phát triển phong trào TDTT tỉnh nhà. Các hoạt động TDTT quần chúng các cấp trong tỉnh được duy trì tổ chức hàng năm rất đa dạng, phong phú, hình thức tổ chức từng bước được nâng cao cả về số lượng và chất lượng.
Theo báo cáo mới nhất của Sở VHTTDL Phú Yên, hàng năm các đơn vị kinh tế, các nhà mạnh thường quân đã tài trợ, hỗ trợ kinh phí cho công tác tổ chức các hoạt động TDTT trên địa bàn tỉnh khoảng 800 - 900 triệu đồng. Đây là nguồn kinh phí không nhỏ, không chỉ giúp cho việc tổ chức thành công các giải thể thao mà có còn có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy phát triển sự nghiệp TDTT của tỉnh.
Công tác xã hội hóa trong các hoạt động TDTT thành tích cao bước đầu đã triển khai và thu hút thêm nguồn lực xã hội cho sự phát triển Thể thao thành tích cao và phù hợp với xu thế phát triển Thể thao thành tích cao. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế ở tỉnh Phú Yên còn ở mức thấp nên việc xã hội hóa Thể thao thành tích cao đối với một số môn còn khó khăn.
Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa cơ sở vật chất TDTT có những bước khởi sắc đáng kể, hiện toàn tỉnh có trên 275 CLB, phòng tập, điểm tập Thể thao từng môn. Nhiều cơ sở hoạt động thường xuyên với các loại hình phong phú như: Thể dục Thể thình, Bóng đá, Bóng bàn, Võ cổ truyền, Taekwondo, Vovinam, Karatedo, Aeropic, Cầu lông, Quần vợt... do cá nhân tự mua sắm thiết bị và đầu tư xây dựng trong diện tích đất ở của cá nhân, gia đình hoặc của công ty, doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng các công trình Thể thao, tiêu biểu như: CLB TDTT Phù Đổng là Khu Liên hợp Thể thao xây dựng khá quy môn trên diện tích hơn 2ha gồm: Bể bơi (có hệ thống lọc nước hiện đại), sân Bóng đá mi ni, nhà tập Cầu Lông, Bida, Bóng bàn, sân tập các môn Võ, các phòng chức năng phục hồi, xoa bóp, xông hơi... với tổng vốn đầu tư lên đến 12 tỷ đồng, doanh nghiệp tư nhân thủy sản Ngọc Tùng... Ngoài ra cón có Trung tâm giải trí sinh thái Thuận thảo, Khu du lịch Sao Việt xây dựng nhà tập TDTT, sân Bóng chuyền, Cầu lông, Quần vợt, Bóng bàn, Bể bơi... đã góp phần tích cực, đáp ứng tốt cho nhu cầu tập luyện TDTT của nhân dân.
NPV