Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên hiệu quả xã hội hóa thể dục thể thao chính là việc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức mỗi cá nhân. Theo đó, phong trào TDTT ở các cơ quan, đơn vị, địa phương và thể thao học đường ngày càng được chú trọng với việc thành lập các câu lạc bộ thu hút nhiều hội viên tham gia. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phong trào TDTT phát triển mạnh mẽ, hệ thống cơ sở vật chất, thiết chế TDTT không ngừng được đầu tư, nâng cấp. Nhiều nơi đã khắc phục khó khăn về diện tích sân bãi tích cực đầu tư thiết bị, tận dụng khoảng không gian trống trong khuôn viên trụ sở, đơn vị để làm sân tập luyện, thi đấu. Hình thức hoạt động TDTT phong phú và đa dạng ở các cấp, các ngành như: Hội khoẻ Phù Đổng, hội thao, hội thi, các giải thể thao quần chúng được tổ chức hàng năm, đặc biệt là việc chỉ đạo và tổ chức định kỳ đại hội TDTT các cấp từ tỉnh đến cơ sở.
Đơn cử như xã Hùng Lô là một trong những địa phương đi đầu trong công tác xã hội hóa TDTT, hiện nay có tới 100% các khu dân cư trên địa bàn xã có đội Bóng đá và đội Bóng chuyền hơi, 6 câu lạc bộ thường xuyên tham gia luyện tập. Hàng năm, giải Bóng đá nam do Đoàn Thanh niên tổ chức, giải Bóng chuyền hơi do Hội Người cao tuổi tổ chức đã thu hút 100% các khu dân cư tham gia. Để có được Phong trào TDTT của xã Hùng Lô phát triển như ngày nay là nhờ có sự chung tay, đồng hành của các doanh nghiệp tư nhân đóng trên địa bàn và các cá nhân đã thường xuyên quan tâm, động viên tinh thần, hỗ trợ kinh phí ước tính gần 250 triệu đồng/năm dành cho các phong trào TDTT tại địa phương.
Trong khi đó, Thượng Long là xã miền núi khó khăn của huyện Yên Lập, dù nguồn ngân sách địa phương còn nhiều hạn hẹp nhưng phong trào TDTT quần chúng nơi đây ngày càng khởi sắc với 100% khu dân cư trên địa bàn xã đều có các đội Bóng chuyền hơi nam - nữ, nhà văn hóa có sân chơi thể thao, hàng năm xã tổ chức các trận thi đấu Bóng chuyền, Kéo co, Đẩy gậy, Bắn nỏ… giữa các khu dân cư. Mỗi năm, nguồn vốn xã hội hóa ở mỗi khu dân cư khoảng 5 triệu đồng, nhờ đó đã tạo được sân chơi lành mạnh, giúp khích lệ tinh thần cho người dân hăng hái thi đua, lao động sản xuất.
Không dừng lại ở đó, công tác xã hội hóa còn được đồng bộ hóa trong công tác giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên. Các trường học trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư dụng cụ tập luyện đa dạng, phong phú, nhiều sân tập, nhà đa năng được sửa sang, xây mới. Trong năm qua, Trường tiểu học Tứ Xã, huyện Lâm Thao đã xây dựng được nhà tập luyện thi đấu Cầu lông với tổng diện tích hơn 320m2, trong đó nguồn vốn xã hội hóa là 222 triệu đồng từ sự đóng góp, ủng hộ của phụ huynh học sinh, các cá nhân, tổ chức và nguồn vốn từ hội viên CLB Cầu lông đóng góp là 53 triệu đồng. Từ khi có nhà tập luyện và thi đấu Cầu lông đạt tiêu chuẩn, giáo viên, học sinh và hội viên câu lạc bộ ngày càng hăng say luyện tập, thi đấu cọ xát để nâng cao thể lực.
Tại các trường học trên địa bàn huyện Thanh Sơn, nhờ làm tốt công tác xã hội hóa, tổng nguồn xã hội hóa huy động trong năm được trên 500 triệu đồng với sự đóng góp, ủng hộ của phụ huynh, học sinh, các cá nhân, tổ chức. Theo chia sẻ của Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Sơn - ông Vi Đại Phong: “Nguồn ngân sách của tỉnh dành cho các hoạt động TDTT còn hạn chế, vì vậy việc đẩy mạnh xã hội hóa là một trong những giải pháp tất yếu nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho phong trào TDTT của các trường trong huyện. Hiện nay, toàn huyện có 77 sân luyện tập, 39 sân Bóng đá, 46 sân Cầu lông, 56 sân Bóng chuyền tại các trường học, nhờ có điều kiện tập luyện tốt, hàng năm đã thu hút hơn 700 cán bộ giáo viên, học sinh tham gia Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện” .
Các cơ quan cũng đặc biệt quan tâm đầu tư cơ sở vật chất để phát triển phong trào thể thao quần chúng tại đơn vị, phục vụ tốt cho đời sống tinh thần và nhu cầu rèn luyện TDTT của đông đảo cán bộ, viên chức và người lao động như: sân Bóng đá, Bóng chuyền, Quần vợt, Cầu lông…tổ chức các giải thi đấu, các buổi giao lưu thể thao nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh, ngành. Nhiều giải đấu được duy trì tổ chức theo định kỳ hàng năm và trở thành giải Thể thao truyền thống với chất lượng cao, đơn cử như giải Việt dã Báo Phú Thọ - Cúp Hùng Vương.
Cùng với đó, các Trung tâm TDTT trong tỉnh luôn tích cực vận động các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp tài trợ, ủng hộ cho các giải thi đấu và vận động viên tham gia thi đấu với nhiều hình thức nhằm phát huy một cách hiệu quả công tác xã hội hóa. Ông Nguyễn Hồng Phương- Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Thể thao huyện Lâm Thao cho biết: “Đối với công tác tổ chức các giải ở huyện, chủ trương xã hội hóa ngay từ các thành phần tham gia, ví dụ như trọng tài tại các giải thi đấu đều tự nguyện tham gia không cần chu cấp kinh phí. Đối với các VĐV của đoàn tham gia thi đấu cấp tỉnh, ngoài việc tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức doanh nghiệp, thì ngay từ các VĐV chúng tôi cũng làm công tác tư tưởng trên tinh thần tự giác tập luyện nhờ vậy đã mang lại những hiệu quả tích cực. Trong kỳ Đại hội TDTT lần này của tỉnh, Trung tâm TDTT của huyện đã nhận được sự tài trợ 40 triệu đồng của một chủ doanh nghiệp tại Hà Nội là người con của quê hương Lâm Thao”.
Như vậy có thể thấy, nhờ làm tốt công tác xã hội hóa TDTT dưới nhiều hình thức và hoạt động phong phú, đa dạng, phong trào TDTT trên địa bàn tỉnh đã thực sự đi vào đời sống, lan tỏa khắp các địa bàn dân cư. Qua đó, góp phần thắt chặt hơn tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, thúc đẩy phong trào TDTT trong quần chúng nhân dân ngày một phát triển mạnh mẽ.
N.H