You must configure this module first via "Module Settings"

Phong trào TDTT huyện Gia Lâm: hiệu quả từ cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại

Gia Lâm là một trong những đơn vị có phong trào TDTT phát triển mạnh của Thành phố Hà Nội. Dưới sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" trên địa bàn huyện đã nhận được sự đồng thuận của đông đảo nhân dân. Phong trào tập luyện TDTT đã diễn ra sôi nổi, với nhiều nội dung phong phú, đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, đồng thời góp phần tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho mọi lứa tuổi, nhất là thanh, thiếu niên.

Phong trào TDTT luôn thu hút đông đảo lực lượng thanh, thiếu niên, học sinh tham gia (Ảnh: K.Dũng )

Điểm nhấn trong phong trào TDTT ở huyện Gia Lâm trong năm 2017, đó là việc tổ chức thành công Đại hội TDTT các cấp. Cụ thể, 22 xã, thị trấn trong huyện đã tổ chức thành công Đại hội cấp cơ sở với tổng số hơn 45.000 VĐV tham dự. Mỗi Đại hội TDTT cấp xã, thị trấn tổ chức từ 6-12 môn thể thao, tổng số kinh phí là hơn 1 tỷ 425 triệu đồng. Đại hội TDTT cấp huyện có 19 giải đấu, thu hút hơn 3.000 lượt VĐV tham gia. Tại Đại hội TDTT Thủ đô năm 2017, đoàn vận động viên Gia Lâm đoạt 20 HCV, 14 HCB,  21 HCĐ, xếp thứ 5 trong khối huyện, thị xã. Ngoài ra, huyện Gia Lâm cũng được Ban tổ chức Đại hội TDTT Thủ đô năm 2017 trao Cờ thi đua đơn vị tổ chức xuất sắc Đại hội TDTT.

Đặc biệt, tại Lễ khai mạc Đại hội TDTT huyện lần thứ VIII có 14 khối tham gia diễu hành đại diện cho lực lượng VĐV, trọng tài, các tầng lớp nhân dân, công nhân viên chức lao động, thanh niên, học sinh, lực lượng vũ trang huyện... Ấn tượng và hấp dẫn tại Lễ khai mạc Đại hội TDTT huyện đó là màn đồng diễn những thế võ uyển chuyển của 100 học viên CLB Vovinam Gia Lâm, đồng diễn thể dục nhịp điệu của 100 vận động viên thuộc 05 xã, thị trấn có phong trào thể dục thể thao mạnh nhất huyện gồm thị trấn Trâu Quỳ, xã Dương Xá, xã Kim Sơn, xã Đông Dư, xã Yên Viên và song quạt mộc lan của người cao tuổi.

Theo thống kê, từ năm 2013 đến năm 2017, toàn huyện tổ chức 192 giải thể thao cấp huyện, tham dự 100% giải Thành phố và giải quốc gia đã đạt được 424 huy chương cấp Thành phố. Các bộ môn có thế mạnh giữ vị trí trong tốp đầu thành phố là: Karatedo; Vật; Điền kinh, Bóng đá, Wushu…Trong đó, riêng năm 2017, các VĐV huyện Gia Lâm đã thi đấu và đạt 82 huy chương các loại tại các giải TDTT cấp Quốc tế, Quốc gia và Thành phố. Tiêu biểu như VĐV Đỗ Quốc Luật (Điền kinh) giành 6 HCV, 2 HCB, 4 HCĐ; VĐV Nguyễn Phương Giang (Wushu) - 1 HCV SEA Games; VĐV Đới Đăng Tiến (Vật) -1 HCV, 1 HCĐ giải Vật Đông Nam Á; VĐV Trần Đình Trọng (Bóng đá nam) - giải nhì U23 Châu Á,v.v…Từ các phong trào thể dục thể theo, huyện Gia Lâm đã phát hiện nhiều VĐV năng khiếu để bồi dưỡng, phát triển tài năng, là nguồn bổ sung cho các đội tuyển Thành phố và đội tuyển quốc gia.

Liên tục trong 3 năm từ 2015 - 2017, Thể thao Gia Lâm đã được UBND thành phố tặng cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu. Năm 2016 vinh dự được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tặng cờ Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua. Số người thường xuyên tham gia tập TDTT hàng năm đều tăng đáng kể.  Năm 2017, huyện Gia Lâm đã đạt tỷ lệ 35% dân số toàn huyện luyện tập TDTT.

Hệ thống các thiết chế văn hóa, TDTT ở cơ sở cũng từng bước được hoàn thiện và nâng cấp, với 100 % xã có Nhà văn hóa, sân thể thao và các trang thiết bị đơn giản... Đến nay, 100% các xã, thị trấn trên địa bàn Huyện đều có quy hoạch đất dành cho hoạt động thể dục thể thao và chú trọng đầu tư cơ sở vật chất.  Điều đó góp phần đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT, vui chơi giải trí của nhân dân.

Các hoạt động TDTT của huyện luôn được tổ chức trong dịp lễ hội, gắn với các nhiệm vụ chính trị, văn hóa của địa phương, của đất nước, với nhiều môn thể thao dân tộc như: Kéo co, Vật dân tộc, Đẩy gậy, Cờ tướng..., tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân. Phong trào giáo dục thể chất tại các trường học cũng được quan tâm chú trọng. 100% trường học trên địa bàn huyện đảm bảo chương trình giáo dục thể chất theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh đó, huyện triển khai tốt việc phổ cập bơi, xóa mù bơi cho học sinh trên địa bàn huyện với gần 500 học sinh tham gia. Huyện cũng tổ chức tập huấn  hướng dẫn viên hoạt động hè cơ sở; Tổ chức các lớp năng khiếu TDTT mũi nhọn như: Vật, Điền kinh, Bóng đá, Cầu lông và các môn võ Wushu, Taekwondo, Karatedo, Judo, Vovinam…

Công tác xã hội hóa hoạt động TDTT cũng luôn được đẩy mạnh, UBND huyện đã xây dựng cơ chế đầu tư cho hoạt động TDTT với nguồn vốn đầu tư lên tới 5 tỷ đồng. Nhờ đó, công tác xã hội hóa thể dục thể thao ngày càng thu hút sự quan tâm của nhân dân, nhiều tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất và tài trợ các giải thi đấu ở cơ sở. Huyện khai thác rất hiệu quả hệ thống nhà thi đấu, sân vận động, sân tennis và các công trình TDTT, tạo nguồn thu gần 800 triệu đồng. Từ năm 2015 đến nay, Trung tâm đã đổi mới phương pháp quản lý hoạt động chuyên môn, xây dựng chương trình riêng quản lý các hoạt động thi đấu, luyện tập.

Để phong trào TDTT trên địa bàn huyện ngày càng phát triển, thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân hiểu về ý nghĩa, vai trò của việc tập luyện TDTT thường xuyên, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho TDTT. Đặc biệt, huyện cũng đề ra các giải pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại; Chú trọng phát triển phong trào TDTT học đường và xây dựng phong trào TDTT ở các thôn, làng; Duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động câu lạc bộ TDTT cơ sở...

 VD

Ảnh trong bài
  • Phong trào TDTT huyện Gia Lâm: hiệu quả từ cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại