You must configure this module first via "Module Settings"

Thái Nguyên hiệu quả từ công tác xã hội hóa phong trào thể thao

Trong những năm gần đây, trên địa bàn của toàn tỉnh Thái Nguyên, phong trào tập luyện Thể dục Thể thao (TDTT) phát triển mạnh cả chiều rộng và chiều sâu. Việc mỗi người dân tự tìm và lựa chọn cho mình 1 một thể thao phù hợp để tập luyện đã dần trở thành thói quen và hình thành nếp sống đẹp trong toàn xã hội. Những môn thể thao thường được người dân lựa chọn như: Bơi, Võ thuật, Yoga, Aerobic...

Với điều kiện nguồn ngân sách của Nhà nước cấp cho hoạt động TDTT phong trào, Thể thao thành tích cao còn khá hạn chế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã triển khai, thực hiện nhiều giải pháp đạt hiệu quả như: Khuyến khích nhân dân tham gia xã hội hóa các hoạt động TDTT, đóng góp kinh phí, vận động các doanh nhân tham gia tài trợ kinh phí, vật chất cho các giải Thể thao thành tích cao, giải quần chúng do địa phương tổ chức cũng như các giải quốc gia diễn ra tại Thái Nguyên.

Được biết, sở dĩ phong trào TDTT trên địa bàn toàn tỉnh phát triển mạnh là bởi hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh chủ động hướng dẫn các địa phương tiếp tục thực hiện kế hoạch tổ chức phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Do có hướng dẫn cụ thể, sát thực, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nên hoạt động xã hội hóa các hoạt động TDTT trên địa bàn tỉnh được đông đảo nhân dân ủng hộ, trung bình mỗi năm huy động được hơn 10 tỷ đồng cho các hoạt động TDTT. Đây là con số đáng mừng đối với công tác xã hội hóa các hoạt động TDTT của tỉnh Thái Nguyên mà không phải địa phương nào cũng làm được.

Để nâng cao chất lượng phong trào TDTT, hằng năm Sở phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, cơ sở tham gia lĩnh vực TDTT để tổ chức mở lớp tập huấn cho hơn 1.000 cán bộ, hướng dẫn viên, cộng tác viên các môn thể thao, nhân viên làm công tác cứu hộ về chuyên môn, nghiệp vụ TDTT, kỹ năng xây dựng câu lạc bộ TDTT. Cùng với tập huấn, Sở thường xuyên cử cán bộ làm công tác TDTT đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ do Tổng cục TDTT tổ chức. Sau tập huấn nghiệp vụ, đội ngũ này được nâng cao trình độ chuyên môn, cũng như khả năng tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ TDTT. Cùng với đó, việc ưu tiên dành quỹ đất cho các hoạt động TDTT luôn được Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt lên hàng đầu.

Một ghi nhận là từ nhiều năm gần đây, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho quần chúng nhân dân tập luyện TDTT tại các địa điểm công cộng hay các tụ điểm người dân thường xuyên tập luyện TDTT được đầu tư nâng cấp, điều này góp phần quan trọng để phát triển phong trào TDTT quần chúng, TDTT trường học và nâng cao thành tích thể thao của tỉnh. Hiện toàn tỉnh có gần 4.000 hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT cơ sở; Gần 200 nhà tập luyện TDTT; Hơn 1.600 sân vận động tập luyện Bóng đá phổ thông; Hơn 2.680 sân Bóng chuyền, Cầu lông; Gần 50 sân Tennis; Hơn 20 bể bơi đủ tiêu chuẩn phục vụ tập luyện. Ngoài ra người dân còn tự lựa chọn các vị trí, địa điểm tập luyện phù hợp, như đi bộ trong các công viên, trong khuôn viên trường học, sân nhà văn hóa... Thời gian tập luyện được mỗi người sử dụng linh hoạt, vào lúc sáng sớm, khi chiều xuống hoặc đến tối.

Nhằm thúc đẩy phong trào TDTT trong toàn tỉnh phát triển sâu, rộng, sôi nổi, đồng thời có nề nếp, Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên khuyến khích, tạo điều kiện cho những người yêu thích thể thao tham gia sinh hoạt câu lạc bộ. Do vậy, nhiều câu lạc bộ của nhóm sở thích được thành lập như: Cờ tướng, Bóng bàn, Bóng chuyền hơi, Dưỡng sinh… Hiện toàn tỉnh có gần 2.000 câu lạc bộ TDTT các cấp đang duy trì hoạt động, thu hút hơn 6.000 thành viên tham gia sinh hoạt, tập luyện hằng ngày.

Thông qua phong trào tập luyện TDTT diễn ra sôi nổi ở hầu hết các cơ quan, nhà máy, trường học, xã, phường, thị trấn... giới chuyên môn về TDTT của tỉnh đã lựa chọn được nhiều vận động viên xuất sắc, tiêu biểu, những người có năng khiếu, tố chất về TDTT để tuyển dụng, triệu tập bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ thuật, chiến thuật cử tham gia thi đấu các giải thể thao khu vực, trong nước và quốc tế. Điển hình như các giải: Bóng bàn, Cầu lông gia đình toàn quốc, giải Cầu lông trung, cao tuổi toàn quốc, giải Thể thao người khuyết tật toàn quốc, các môn thể thao thi đấu và trò chơi biểu diễn trong ngày hội văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ II năm 2016, vận động viên của tỉnh giành được 13 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc và 24 Huy chương Đồng. Hay nhiều vận động viên của tỉnh được gọi lên đội tuyển quốc gia.

Như vậy, có thể thấy nhờ làm tốt công tác xã hội hóa các hoạt động TDTT mà phong trào TDTT tại tỉnh Thái Nguyên đã phát triển mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu, từ đó góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua tại địa phương.

N.H

Ảnh trong bài
  • Thái Nguyên hiệu quả từ công tác xã hội hóa phong trào thể thao