You must configure this module first via "Module Settings"

Hà Nam đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong Thể thao học đường

Công tác xã hội hóa luôn là mối quan tâm hàng đầu của Thể thao Hà Nam trên chặng đường phát triển thể thao tỉnh Hà Nam. Để đẩy mạnh công tác xã hội hóa, các huyện, thành phố đã có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, thúc đẩy xã hội hóa TDTT tỉnh Hà Nam phát triển.

Trong đó, đặc biệt quan tâm quy hoạch đất đai, đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa TDTT, sân thể thao, thành lập các CLB TDTT, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân thường xuyên tài trợ, đóng góp xây dựng sân thể thao và các hoạt động TDTT phục vụ cộng đồng. Tính đến thời điểm này, ở Hà Nam, các xã, phường, thị trấn đã quy hoạch xong diện tích đất dành cho TDTT đạt 100% (2,5m2/người dân), trong đó 78/ 116 xã, phường, thị trấn đã có sân tập TDTT phổ thông với diện tích từ 6 đến 7ha.

Chỉ ước tính riêng trong năm 2017, số kinh phí từ xã hội hóa cho các hoạt động tổ chức giải và các hoạt động thường xuyên ước tính khoảng 3 tỷ đồng. Giải có số tiền ủng hộ từ cá nhân, doanh nghiệp lớn nhất là Giải Quần vợt các doanh nghiệp năm 2017 với số tiền xã hội hóa 500 triệu đồng.

Các giải khác cũng có số tiền xã hội hóa cao là Giải Bóng bàn truyền thống Cúp Báo Hà Nam; Hội thi thể thao các gia đình toàn tỉnh lần đầu tiên nhận được sự tài trợ bằng hiện vật là các đồ dùng nhà bếp từ Công ty TNHH Elmich; Giải Bóng bàn các CLB toàn tỉnh lần thứ IV năm 2017; Giải Bóng bàn các cây vợt quê hương Hà Nam mở rộng lần V tranh Cúp Sơn Luxsen.

Giải Bóng đá thiếu niên, nhi đồng tổ chức thành công một phần là nhờ sự hỗ trợ kinh phí của cas nhân, tổ chức (Ảnh: Internet)

Đặc biệt, việc kêu gọi xã hội hóa cho các hoạt động tổ chức giải cho khối học sinh luôn được chú trọng. Với trên 10 giải thể thao cấp tỉnh được tổ chức trong năm 2017, đã có 7 giải có nội dung thi đấu hoặc toàn giải dành cho lứa tuổi học đường, như: Hội thi Võ thuật cổ truyền dành riêng cho học sinh ở cả 3 cấp học; Giải Bóng bàn Cúp Báo Hà Nam đã đưa thêm các nội dung của khối giáo dục vào thi đấu; Giải Bóng đá nam thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh; giải Ngày chạy Olympic và thi đấu Việt dã "Cùng Sacombank chạy vì sức khỏe cộng đồng", trong đó có nội dung chạy các cự ly cho khối học sinh THPT; Hội thi thể thao các gia đình toàn tỉnh;...

Nhiều giải đấu đã nhận được sự hỗ trợ về kinh phí tổ chức từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Điển hình như giải Bóng đá thiếu niên, nhi đồng nhận được sự hỗ trợ về kinh phí tổ chức và quà tặng với trị giá hơn 100 triệu đồng, trong đó ngân hàng Vietcombank - Chi nhánh Hà Nam luôn là nhà tài trợ chính trong suốt 4 mùa giải vừa qua.

Bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí trong việc tổ chức các giải đấu, những năm qua, thể thao Hà Nam còn nhận được nhiều sự tài trợ từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong việc đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ cho các em trong lứa tuổi học đường, thanh thiếu niên tham gia tập luyện. Trong đó phải kể đến là việc đầu tư xây dựng các sân Bóng đá mini cỏ nhân tạo. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh hiện có 18 sân Bóng đá mini cỏ nhân tạo, thu hút hàng trăm lượt người tập luyện mỗi ngày.

Năm 2014, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hải Hà Minh xây dựng sân Bóng đá mini cỏ nhân tạo Hải Minh tại Khu B ký túc xá Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam (đường D5, phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý). Công trình có tổng diện tích 8.540m2, trong đó có 4 sân Bóng đá nhân tạo với diện tích gần 6 nghìn m2, còn lại là bãi đỗ xe, nhà điều hành, cây xanh với tổng kinh phí 4,5 tỷ đồng. Đây là sân Bóng đá mini cỏ nhân tạo đầu tiên của tỉnh, cũng xem như là một bước khởi đầu cho hoạt động đầu tư vào lĩnh vực TDTT của tư nhân. Hay như sân cỏ nhân tạo Nhật Quang Minh, Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên tỉnh (phường Hai Bà Trưng, thành phố Phủ Lý)...

Em Trần Văn Thanh, học sinh Trường THPT Lý Nhân cho hay: Hằng ngày, em cùng một số bạn ở địa phương đến đây đá bóng. Trước đây, chưa có sân bóng đá mini chúng em không biết chọn cho mình môn thể thao nào để luyện tập, thời gian rảnh rỗi chúng em thường vào quán internet. Nhưng kể từ khi có sân Bóng đá mini, chúng em dành tất cả thời gian vào trái bóng sau giờ học tập, thấy sảng khoái, sức khỏe nâng cao rõ rệt.

Nhờ công tác xã hội hóa, Thể thao học đường tỉnh Hà Nam phát triển mạnh, 100% số trường thực hiện đầy đủ nội dung, thời lượng của chương trình giảng dạy môn GDTC và tổ chức cho học sinh tập luyện, thi đấu theo tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đã được quy định. Ngoài ra, các hoạt động ngoại khóa, hoạt động nhằm nâng cao chất lượng GDTC cho học sinh trong các nhà trường được đẩy mạnh, nhiều CLB thể thao, CLB Võ thuật trong các trường học đã được thành lập.

KC

Ảnh trong bài
  • Hà Nam đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong Thể thao học đường