Đến nay, trên địa bàn huyện đã có gần 100 CLB thể thao đơn, đa môn như Bóng đá, Cầu lông, Bóng bàn, Cờ tướng, Thái cực trường sinh đạo, Võ thuật… với trên 350 điểm, nhóm thu hút hàng nghìn người tập luyện TDTT mỗi sáng sớm và chiều muộn. Phong trào Thể thao quần chúng phát triển cả bề rộng và chiều sâu, thu hút được mọi tầng lớp nhân dân tham gia, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, rèn luyện sức khoẻ, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển phong trào, UBND huyện Nam Trực cùng với sự chung tay góp sức của các cơ quan, đơn vị đã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất phục vụ người dân tập luyện. Đến nay, trên địa bàn huyện hiện có 5 sân Cầu lông trong nhà, 50 sân Cầu lông ngoài trời, 5 sân Bóng đá trung tâm xã, hàng trăm sân Bóng đá 7 người và sân Bóng chuyền được xây dựng tại các thôn, xóm. Các xã, thị trấn cũng đã tổ chức quy hoạch, xây dựng khu thể thao mỗi thôn, xóm rộng 1.000m2, khu thể thao trung tâm xã rộng 2.500m2 theo tiêu chí nông thôn mới. Ngoài các sân thể thao ở các khu dân cư, trên địa bàn huyện còn có 15 nhà tập luyện đa năng thuộc các cơ quan: Huyện uỷ, UBND huyện, Công an huyện, Trường THCS Nguyễn Hiền và tại các xã: Nam Tiến, Nam Lợi, Nam Hồng…, đáp ứng yêu cầu tập luyện, thi đấu thể thao ngày càng cao của cán bộ, nhân dân. Các xã, thị trấn đều đã có ít nhất một sân vận động trung tâm rộng vài nghìn m2; nhiều địa phương xây dựng từ 2-3 sân vận động rộng trên 1.000m2 như: Thị trấn Nam Giang, các xã Hồng Quang, Nam Hồng...
Ngoài ra, trên địa bàn huyện có hàng chục sân cỏ nhân tạo được xây dựng từ kinh phí của các cá nhân, doanh nghiệp. Đi đôi với phát triển cơ sở vật chất TDTT, huyện phát động mỗi người dân tuỳ theo sở thích, lứa tuổi, điều kiện kinh tế chọn cho mình một môn thể thao phù hợp để tập luyện. Toàn huyện hiện có trên 40% dân số tập luyện TDTT thường xuyên, gần 30% gia đình tập luyện TDTT. Nhiều nhóm, CLB thể thao được thành lập trong các khu dân cư, các cơ quan, đơn vị, trường học.
Mỗi xã, thị trấn có từ 2-3 CLB thể thao do UBND các xã, thị trấn thành lập, quản lý và hàng trăm CLB tổ, nhóm thể thao phát triển tự phát tại địa bàn các khu dân cư. Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện có 15 CLB Cầu lông, 10 CLB Bóng bàn, 15 CLB Bóng đá, 20 CLB Dưỡng sinh cấp xã; trong đó nhiều xã có 3-4 CLB Dưỡng sinh ở các thôn, xóm. Các CLB thể thao đã vận động thành viên tự nguyện đóng góp kinh phí mua sắm trang thiết bị tập luyện, tổ chức các hoạt động thi đấu, giao lưu nâng cao trình độ.
Nhiều CLB hoạt động mạnh như CLB Xe đạp thể thao Thị trấn Nam Giang, CLB Bóng đá Đồng Phù (xã Nam Mỹ); CLB Bóng bàn thôn Vân Chàng, Thị trấn Nam Giang do anh Phạm Tiến Đạt làm chủ nhiệm hiện có 40 thành viên, chủ yếu là cán bộ hưu trí, thanh niên trong huyện. CLB thường xuyên tổ chức các cuộc thi đấu giao lưu, giành nhiều thành tích cao tại các giải trong và ngoài tỉnh.
Ngoài ra, phong trào tập luyện còn được thể hiện ở các môn thể thao phát triển mạnh như Bóng đá, tại các xã: Nam Mỹ, Hồng Quang, Nam Tiến, Thị trấn Nam Giang; Bóng chuyền ở Thị trấn Nam Giang, các xã Nam Thanh, Nam Cường; Bóng bàn ở các xã: Tân Thịnh, Thị trấn Nam Giang, Nam Thanh; Cầu lông ở các xã: Nam Tiến, Nam Mỹ, Nam Hồng, Nam Dương… Từ sự phát triển của phong trào, các địa phương đã lựa chọn các VĐV nòng cốt vào đội tuyển của huyện đi thi đấu tại các giải cấp tỉnh. Hiện nay, huyện đã thành lập 3 CLB: cầu lông, bóng bàn, bóng đá với số lượng gần 100 VĐV, có ban chủ nhiệm, xây dựng quy chế hoạt động nề nếp, là lực lượng nòng cốt tham gia các giải thể thao của tỉnh tổ chức.
Bên cạnh phát triển các môn thể thao hiện đại, các xã, thị trấn trong huyện cũng khôi phục các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian như Bơi chải trong các lễ hội ở các xã: Nam Toàn, Điền Xá, Hồng Quang; thi đấu Vật trong lễ hội Chùa Đại Bi và Đền thôn Ba của Thị trấn Nam Giang. Sôi nổi nhất là thi Bơi chải trong lễ hội Đền Xám (từ ngày 17 đến 19-8 âm lịch hằng năm) với sự tham dự của 11 đội bơi chải nam, 11 đội bơi chải nữ thuộc các xóm của thôn Lạc Đạo; mỗi đội gồm 15 thành viên. Cuộc thi được tổ chức trong lòng hồ Đền Xám. Các đội bơi chải nam thi đấu 3 vòng hồ (bằng 1.500m), các đội bơi chải nữ thi đấu 2 vòng hồ (bằng 1.000m), sau đó chọn các đội có thành tích cao nhất vào thi đấu chung kết. Ngoài ra, môn vật chầu Thánh trong lễ hội Chùa Bi diễn ra hằng năm từ ngày 20 đến 23 tháng giêng âm lịch; có sự tham gia của gần 20 đô vật trong thôn. Các đô vật đều thi đấu nhiệt tình, biểu diễn những ngón đòn đẹp mắt, thu hút đông người xem.
Cùng với việc phát triển mạnh mẽ phong trào TDTT quần chúng, Thể thao thành tích cao của huyện cũng được đẩy mạnh phát triển, mỗi năm huyện tổ chức hàng chục giải thi đấu thể thao cấp huyện và trên 40 giải thể thao cấp xã. Những năm gần đây, huyện đều tham gia các giải thể thao của tỉnh và đạt thành tích cao ở các môn mũi nhọn. Trong dịp diễn ra kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định, huyện đã tham gia các giải Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông, Bơi chải của tỉnh, giành giải nhất toàn đoàn Giải Bơi chải tỉnh; giải nhì Giải Bóng đá tỉnh; giải nhì Giải Bóng chuyền tỉnh và đạt các giải: Nhất nội dung đôi nam nữ, đôi nữ; giải nhì đôi nam dưới 45 tuổi ở Giải Cầu lông tỉnh.
Để phong trào TDTT ngày càng phát triển, hằng năm Trung tâm VHTTDL huyện tổ chức nhiều giải thể thao và hướng dẫn các xã, thị trấn tổ chức các giải thể thao cơ sở thu hút đông đảo cán bộ, nhân dân tham gia. Tiêu biểu như Giải Bóng đá thiếu niên, nhi đồng do Trung tâm VH-TT-TT, Huyện Đoàn tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn (26-3) thu hút nhiều đội bóng của các xã, thị trấn tham gia tranh tài. Vào dịp hè, Trung tâm VH-TT-TT huyện phối hợp với Phòng GD và ĐT huyện tổ chức các giải: Võ thuật, Bóng đá. Tháng 9-2017, huyện Nam Trực tổ chức Đại hội TDTT huyện lần thứ VIII với 9 môn thi đấu: Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng bàn, Cầu lông, Điền kinh, Cờ tướng, Cờ vua, Dưỡng sinh, Đi xe đạp chậm. Sau thành công của Đại hội, Trung tâm VH-TT-TT huyện đã tuyển chọn 50 VĐV xuất sắc tham gia Đại hội TDTT tỉnh lần VIII.
Thời gian tới, huyện Nam Trực tiếp tục tăng cường hệ thống thiết chế thể thao cơ sở; Chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hướng dẫn viên thể thao làm nòng cốt cho phong trào; Thành lập ngày càng nhiều các CLB TDTT của xã, thị trấn gắn với trường học, các điểm vui chơi và các thiết chế văn hóa tại cơ sở; Duy trì hệ thống tổ chức thi đấu các giải thể thao, hội thi thể thao từ huyện đến cơ sở; Bảo tồn và phát triển các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian phục vụ các lễ hội trên địa bàn huyện.
KC