Xã hội hoá TDTT
14 năm trước, tại Vĩnh Long nông dân rầm rộ phá vườn nhãn làm sân bóng đá mi ni, lúc ấy được gọi là “sân bóng chuồng gà” được cho là bước mở đầu cho công tác xã hội hoá TDTT, tuy nhiên, phong trào chỉ phát triển trong một vài năm rồi lịm tắt. Còn nhớ, thời ấy - cái tên Nguyễn Vũ Phong xuất thân từ sân bóng đá mi ni ở Trường tiểu học thi trấn Tam Bình khi mới 9 tuổi, đã tạo dấu ấn cho Bóng đá nói riêng, thể thao Vĩnh Long nói chung. Với vóc dáng nhỏ bé, nhưng với kỹ thuật khá nhuần nhuyễn và Vũ Phong đã trưởng thành trong màu áo đội tuyển Việt Nam.
Giờ đây, trong xu thế phát triển bóng đá hiện đại, đi đôi với khoa học kỹ thuật, những sân bóng có thể làm bằng Cỏ nhân tạo (CNT) là chuyện không ngoài tầm tay của người dân Việt. Đến nay, chỉ riêng ở tỉnh Vĩnh Long có đến 16 sân bóng đi vào hoạt động trong vòng đúng 1 năm qua, luôn thu hút rất đông giới trẻ tham gia môn thể thao Vua này, trong đó tập trung nhiều nhất ở TP Vĩnh Long và mới đây có thêm ở huyện Long Hồ và Mang Thít.
Với xu thế số người tham gia tập luyện TDTT ngày càng tăng, nhưng hệ thống sân bãi không đủ đáp ứng cho nhu cầu tập luyện của nhân dân, đặc biệt sân bãi của số môn thể thao như: Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng bàn, Cầu lông... còn rất ít, trong khi sân vận động tỉnh không thể “tải” nổi lượng thể thao phong trào.
Năm 2009, ông Châu Hoà Bình (35 tuổi) là người đầu tiên xây dựng sân bóng đá CNT trong tỉnh. Sân được xây dựng trong khuôn viên CLB Cà phê 911 (trên đường Ðinh Tiên Hoàng, Quốc lộ 1A, Phường 8, TP Vĩnh Long). Mặt sân bóng thi đấu rộng 20x38m do Công ty TNHH Thành Lâm (TP Hồ Chí Minh) thi công. Kinh phí đầu tư cho sân bóng này là 750 triệu đồng. Công trình này đã đi vào hoạt động hiệu quả cho tới nay.
Sau đó, ông Hòa Bình tiếp tục đầu tư vào hai mặt sân khác ở Phường 9 với kinh phí 1,5 tỉ đồng. Sân hoạt động từ sáng 6 giờ sáng đến 22 giờ tối (bật đèn vào buổi tối) với mức giá từ 100.000- 200.000 đồng/giờ. Bước đầu, cho thấy việc ra đời các sân CNT không chỉ giải quyết nhu cầu tập luyện TDTT mà còn góp phần giảm bớt tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên ở địa phương. Thay vào những trò chơi vô bổ, tụ tập, giới trẻ chuyển sang chơi Bóng đá nhiều hơn đã tạo sân chơi thú vị cho các vị “Vua” sân cỏ tham gia tập luyện thi đấu. Hằng ngày, sân cỏ luôn tràn ngập không khí sôi nổi, hào hứng của những cầu thủ nghiệp dư đủ mọi lứa tuổi, thành phần. Đặc biệt, các ngày lễ, sân hầu như kín chỗ cả ngày lẫn đêm.
Bội thực
Trước việc thực hiện phong trào “Xã hội hóa TDTT” thông qua việc xây dựng sân bóng bằng cỏ nhân tạo mang lại hiệu quả, ở TP Vĩnh Long lần lượt có những tư nhân khác đầu tư và đến nay đã phát triển được nhiều sân bóng đá mi ni CNT do tư nhân đầu tư. Hiệu quả nhất chính là hai mặt sân trong khuôn viên Trung tâm TDTT tỉnh do ông Nguyễn Kiệt (nguyên Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh), khi về hưu đã kết hợp với các “chiến hữu” của mình xây dựng sân bóng này. Và đây là sân có một nề nếp tổ chức cũng như có rất nhiều CLB, đơn vị đăng ký tổ chức các giải đấu trong và ngoài tỉnh.
Tiếp theo sân 911, Vĩnh Thái, đến nay số sân bóng đó có ở nhiều địa phương trong TP Vĩnh Long ở các phường: 2, 3, 4, 8, 9 và xã Trường An; sân Arsenal, 2 sân Long Phước (huyện Long Hồ); sân Mỹ An (huyện Mang Thít).
Việc thi công, xây dựng một sân bóng bằng CNT có diện tích từ 800-1.000m2, theo tiêu chuẩn sân bóng đá 5 người (thường được gọi là bóng đá mi ni). Xung quanh sân có lưới cao khoảng 7-8m và hệ thống đèn chiếu sáng. Kinh phí xây dựng từ 500- 800 triệu đồng/sân. Ưu điểm của loại sân bóng này là hạn chế được những rủi ro, va chạm trong thi đấu và giúp cho thanh- thiếu niên có thể luyện tập cả buổi trưa và buổi tối. Ngoài ra, phần lớn các sân bóng nằm trong khuôn viên quán cà phê nên thu hút rất đông thanh- thiếu niên yêu thích môn Bóng đá đến xem, luyện tập. Đây còn là nơi các CLB Bóng đá ở địa phương luyện tập và tổ chức tốt các giải thi đấu Bóng đá giao hữu.
Mô hình sân Bóng đá mini CNT phát triển đã mở ra một sân chơi mới cho những người yêu thích môn Bóng đá, đồng thời tạo tiền đề cơ sở vật chất giúp cho phong trào luyện tập TDTT trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, thu hút nhiều cầu thủ nghiệp dư không chỉ có nam giới, mà các thiếu nữ cũng vào sân thi đấu. Có thể xem, các sân bóng “ra đời” góp phần tạo sân chơi thú vị cho tuổi trẻ khi thiếu sân chơi. Với sự xuất hiện của những sân CNT như thế đã kịp thời đáp ứng yêu cầu của đông đảo người ham mê môn thể thao “Vua”.
Cụm sân Vĩnh Thái này nằm trong khu Trung tâm TDTT Vĩnh Long có 2 sân thi đấu 5 người, kinh phí đầu tư gần 2 tỉ đồng. Sân 911 (Phường 9) và sân Vĩnh Thái (Phường 2), sân Ngoại thành (Phường 8) được xem là sân CNT rộng và tốt nhất ở TP Vĩnh Long hiện nay. Sân nằm trong khuôn viên sân vận động tỉnh, không khí mát mẻ, trong lành. Thảm cỏ nhập từ Hà Lan, Italia đạt tiêu chuẩn chất lượng của Liên đoàn Bóng đá Thế giới.
Anh Nguyễn Ngọc Quý (sinh năm 1989, CLB Toàn quốc TP Vĩnh Long) tâm sự: “Cảm giác đặt chân xuống sân mặt cỏ mềm mại, xanh mướt như cỏ tự nhiên. Được thi đấu trên sân CNT khác nhiều so với sân cỏ tự nhiên, từ kỹ thuật khống chế- chuyền bóng đến đá bóng. Hệ thống chiếu sáng hiện đại, đảm bảo đủ ánh sáng cho những trận đấu ban đêm bởi hằng ngày, chúng tôi phải bận đi làm, những ngày thường trong tuần chỉ tham gia được vào buổi tối”!
"Ăn theo"
Từ những sân bóng CNT, nơi đây còn là nơi phát hiện nhiều cầu thủ trẻ... Qua thi đấu, nhiều cầu thủ, đội bóng có bước tiến rõ rệt trong thi đấu, càng thi đấu càng thể hiện tốt những yếu tố cần thiết của một cầu thủ bóng đá.
Thành công khác, chính là việc hâm mộ và yêu thích bóng đá, ông Hòa Bình thường xuyên bỏ tiền ra nhờ Phòng VHTT TP Vĩnh Long hỗ trợ chuyên môn cho việc tổ chức nhiều giải đấu như: Tứ hùng, giải 8 hoặc 16, 32 đội tranh tài, có giải kéo dài suốt cả tháng do thi đấu vào ngày thứ bảy, chủ nhật, tạo sân chơi thú vị cho giới trẻ. Sân Vĩnh Thái thì được các cơ quan ngành đăng ký tổ chức các giải truyền thống của ngành nhiều hơn.
Hầu hết sân có chỗ ngồi nghỉ ngơi, nước giải khát, truyền hình bóng đá... phục vụ “thượng đế quần đùi, áo số”. Ngoài chức năng dịch vụ sân CNT này còn là nơi tập luyện của các đội bóng đá trẻ của các địa phương, các đội bóng đá cơ quan- ban ngành hay các CLB có thể đăng ký nhờ chủ sân hỗ trợ tổ chức thi đấu các giải nội bộ, hữu nghị, giao lưu hoặc các giải đấu cấp khu vực, quốc gia...
Nhiều chủ sân tạo điều kiện tốt cho học sinh, sinh viên được thi đấu với giá ưu đãi, giảm giá hoặc khuyến mãi. Các đơn vị hoặc nhóm có thể hợp đồng thuê dài hạn hoặc để tổ chức các giải đấu, hội thao.
Mặt khác, một số cửa hàng dụng cụ TDTT như: Vinh Sport, Lâm Sport, Cúc Sport, Thanh Sport... mức doanh thu từ trang phục dành cho các các cầu thủ bóng đá sân CNT đã vượt lên rất nhiều so với các mặt hàng khác, nhất là loại giày vải cho sân cỏ hay giày loại sân bóng 11 người... chính vì thế, nhiều cầu thủ ra đường mặc áo có tên của sân: CLB 911, Vĩnh Thái, Ngoại Thành, 343,... Với các “chiêu” trên được xem là khâu “tiếp thị” khá hiệu quả nhất, mà cái lợi khác khi nhiều cầu thủ được tặng những chiếc áo thi đấu ấy, họ rất thích.
Quản lý?
Tuy thi đấu trên sân này có va chạm nhiều, vị trí thi đấu buộc VĐV phải di chuyển liên tục, nhưng việc còn nhiều cầu thủ chưa biết luật, nên dẫn đến việc bị phạt và phản ứng lại trọng tài còn nhiều làm sân chơi kém vui.
Đúng vậy! Chuyện cầu thủ phong trào thi đấu không hiểu luật, đã có những cầu thủ thể hiện lời lẽ kém văn hóa, thiếu tế nhị trước các vị trọng tài với lỗi phạt trực tiếp hay gián tiếp và cầu thủ không biết thế nào là lỗi bóng trong cuộc, bóng ngoài cuộc,...
Hiện nay, hầu hết các chủ có thuê trọng tài điều khiển các trận đấu, nhưng các trọng tài này là những HLV hay VĐV bóng đá. Tuy nhiên, không phải ông chủ sân nào cũng biết, hiểu luật bóng đá, mà sân chơi 5 người thì Luật khó và khác hơn nhiều so với Luật sân 11 người. Trong khi lượng trọng tài hầu hết là không chuyên, mà từ trước đến nay ở Vĩnh Long chưa có lớp trọng tài bóng đá nào. Một số trọng tài kỳ cựu từng điều hành ở các giải quốc gia nay đã chia tay với sự nghiệp “cầm còi”, chuyển sang công tác khác, duy nhất còn một trọng tài quốc gia khá trẻ- Nguyễn Quyết Thắng. Nhưng ông Thắng hầu chỉ chỉ điều khiển một số trận đấu giải của Sở VH,TT&DL tỉnh hay đi làm nhiệm vụ ở các giải do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam điều động.
Một trọng tài tâm sự: “Với số tiền bồi dưỡng mỗi trận đấu bóng đá mi ni là 20.000- 30.000 đồng/giờ, thật chất là không lớn. Nhưng điều khiển trận đấu không phải để lấy mấy chục ngàn đồng đó, mà khó chịu nhất là khi có cầu thủ còn rất trẻ ở độ tuổi con cháu lại có lời lẽ thiếu văn hóa, xúc phạm đến nhân phẩm mình thì thật đáng buồn”.
Thiết nghĩ, Sở VH,TT&DL tỉnh cần có kế hoạch mở lớp quản lý- trọng tài cho các ông chủ sân, trọng tài bóng đá này, để các trọng tài được “tu nghiệp” thêm về Luật bóng đá 5 người và biết công tác tổ chức thi đấu.
Mặc khác, các sân bóng cũng cần có bảng tóm tắt về “Luật bóng đá 5 người” để các cầu thủ có thể “học” thêm về Luật và tránh những lỗi không đáng để xãy ra mà trọng tài từng thổi phạt.
Tính trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thì Vĩnh Long là địa phương có nhiều sân cỏ nhân tạo nhất hiện nay. Trong khi ở các địa phương khác mô hình này phát triển chưa nhiều: Long An (5 sân), Tiền Giang (5 sân), Bến Tre (3), Đồng Tháp (3 sân), Cần Thơ (8 sân), An Giang (6 sân), Kiên Giang (4 sân), Cà Mau (2 sân).
Vũ Khoa