Đây là chuỗi các sự kiện từ địa phương đến toàn cầu kết nối các nữ lãnh đạo cộng đồng Bóng bầu dục trên toàn thế giới nhằm thúc đẩy hành động ở cấp cộng đồng, quốc gia và quốc tế, hỗ trợ tham vọng về bình đẳng của World Rugby cả trong và ngoài sân cỏ. Tại trên 30 quốc gia, chuỗi sự kiện từ địa phương đến toàn cầu sẽ do từng Liên đoàn tổ chức dưới dạng diễn đàn nhằm thúc đẩy hành động ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Bà Lê Thị Hoàng Yến trao giấy chứng nhận cho các học viên tham dự diễn đàn
Bên cạnh đó, mục tiêu mà diễn đàn hướng tới nhằm xác định các chiến lược để giải quyết rào cản và thúc đẩy các yếu tố hỗ trợ giúp các cô gái và phụ nữ gắn bó với Bóng bầu dục. Cùng với đó, thống nhất các hành động cụ thể với thời hạn rõ ràng để triển khai các chiến lược trong cộng đồng. Đề xuất các hành động nhằm hỗ trợ các cam kết về bình đẳng giới ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Ngoài những mục tiêu trên, phía ban tổ chức Đại Việt Rugy cũng hướng tới các hoạt động từ thiện dành cho những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vượt qua mọi rào cản để tham gia tập luyện thể thao trong đó có môn Bóng bầu dục. Mặc dù đây là môn thể thao có tính mạnh mẽ và rất thú vị ở phương Tây nhưng ở Việt Nam cũng mới chỉ có số lượng ít người bắt đầu biết đến và tập luyện môn thể thao này.

Bà Lê Thị Hoàng Yến nhận quà lưu niệm từ Ban tổ chức
Phát biểu tại diễn đàn, bà Lê Thị Hoàng Yến đã có những chia sẻ: Thể thao Việt Nam phát triển với những bước tiến dài về thành tích trên đấu trường khu vực, châu lục và thế giới, có sự đóng góp của lớp lớp các VĐV, HLV nữ -đã truyền cảm hứng tới các bạn trẻ và người hâm mộ Thể thao nước nhà về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam vượt qua bao khó khăn, khổ luyện để mang vinh quang về cho đất nước.
Bà Lê Thị Hoàng Yến bộc bạch, cá nhân bà ngay từ còn rất nhỏ đã rất thích vận động, tham gia các hoạt động, chơi các môn thể thao. Mặc dù, không theo con đường chuyên nghiệp nhưng thể thao đã mang lại cho bà nhiều điều hữu ích, thành công trong công việc và có một cuộc sống vui, khỏe mạnh. Chính vì vậy, bà Lê Thị Hoàng Yến hy vọng rằng những bạn trẻ đang tham dự diễn đàn hôm nay cùng bàn thảo, phát triển môn Bóng bầu dục tới cộng đồng thì hãy tích cực tham gia tập luyện cùng với nhiều môn thể thao khách nữa để truyền tải tốt hơn nữa những thông điệp, vai trò, tác dụng hữu ích của thể thao mang lại trong cuộc sống. Đặc biệt là tại cộng đồng người Việt ở các vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn hãy vượt qua rào cản về tâm lý, điều kiện cuộc sống để đển với thể thao, đặc biệt là tập luyện, chơi môn Bóng bầu dục.

Bà Lê Thị Hoàng Yến chụp ảnh lưu niệm cùng BTC diễn đàn
Một trong những người nước ngoài đang nỗ lực, mong muốn phát triển môn thể thao này cho cộng đồng người Việt Nam là ông Peter Holdsworth (người Anh) - người đã có 10 năm sinh sống, làm việc và lập gia đình tại Việt Nam từng chia sẻ với báo chí: “Tuy Bóng bầu dục đòi hỏi sức mạnh, thể lực tốt nhưng tôi không thấy có lý do gì ngăn cản người châu Á, cụ thể là người Việt Nam chơi môn này cả”. Ở Châu Á có hai quốc gia phát triển khá tốt môn thể thao này là Nhật Bản và Hồng Kông.

Bà Lê Thị Hoàng Yến chụp ảnh lưu niệm cùng các học viên tham dự diễn đàn
Bóng bầu dục (Rugby) là môn thể thao đồng đội, mỗi đội có 15 người, sân bóng có diện tích gần tương tự môn bóng đá. Mỗi đội sẽ cố gắng đưa bóng qua phần vạch cuối sân đối phương để ghi điểm. Cầu thủ có thể dùng cả tay lẫn chân để chuyền, sút bóng.
Rugby ra đời tại thành phố Rugby (Anh) vào năm 1823. Cần phân biệt môn này với môn Bóng bầu dục của Mỹ (hay thường gọi là bóng đá kiểu Mỹ - American football) - môn thể thao cũng sử dụng trái bóng bầu dục nhưng số cầu thủ mỗi đội nhiều hơn và va chạm nguy hiểm hơn nhiều. Các cầu thủ rugby chỉ mặc áo đấu bình thường chứ không cần phải có lớp độn bảo vệ và mũ bảo hiểm như ở bóng bầu dục Mỹ.
|
Bài, ảnh: N. Hương