Lai Châu triển khai thực hiện Kết luận 70 về phát triển TDTT trong giai đoạn mới

Trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh Lai Châu đã lãnh đạo, chỉ đạo sát sao công tác phát triển TDTT, nhờ đó nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân về vị trí, vai trò của TDTT đối với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh ngày càng đầy đủ, toàn diện hơn.

Công tác TDTT được quan tâm đầu tư

Công tác GDTC và thể thao trường học luôn được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo sát sao với nhiều cơ chế, chính sách phù hợp nên đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, toàn bộ các trường từ cấp tiểu học, THCS, THPT đều tiến hành giảng dạy thể dục với thời lượng 2 tiết/tuần theo khung chương trình; 100% các trường thành lập CLB thể thao phù hợp với thực tế như: Võ, Bóng đá, Cầu lông, Bóng bàn, Cờ vua... để huy động tối đa học sinh có năng khiếu với từng môn tham gia.

Công tác xã hội hóa TDTT được đẩy mạnh, qua đó đã huy động được các nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cùng với kinh phí nhà nước đầu tư xây dựng các công trình TDTT. Nhờ đó, hệ thống cơ sở vật chất về TDTT trên địa bàn tỉnh từng bước được hoàn thiện, nhất là việc xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở; việc lắp đặt trang thiết bị, dụng cụ TDTT tại các địa điểm công cộng được tăng cường,.. đã cơ bản đáp ứng nhu cầu tập luyện, thi đấu của các VĐV cũng như nhân dân. Ngày càng có nhiều môn thể thao được các tầng lớp nhân dân yêu thích, tập luyện thường xuyên. Đến cuối năm 2023, tỉnh đã có 1 sân vận động cấp tỉnh, 6 sân vận động cấp huyện, 32 sân Bóng đá, 152 nhà tập luyện thể thao, 230 sân Bóng chuyền và 19 sân Tennis… mở ra điều kiện để người dân có thể tiếp cận và tham gia vào các hoạt động TDTT, nâng cao sức khoẻ.

Kéo co là một trong những môn thể thao thường xuyên được tổ chức trong các trường học

Các chỉ số về TDTT của tỉnh không ngừng tăng cao qua từng năm. Đến nay, toàn tỉnh có 149.289 người tập luyện thể thao thường xuyên chiếm 30,15% dân số; 18.978 gia đình thể thao chiếm 18,29% số gia đình toàn tỉnh; 421 CLB và điểm tập luyện TDTT. Duy trì tổ chức các giải thể thao cấp tỉnh, nhất là các bộ môn thể thao dân tộc và các môn thi Olympic gắn với các sự kiện văn hoá, du lịch lớn của tỉnh.

Hoạt động TDTT trong lực lượng vũ trang được duy trì và phát triển. Quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp TDTT của tỉnh; hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thể thao ngày càng được nâng lên.

Cùng với việc phát triển phong trào TDTT, thể thao thành tích cao của tỉnh Lai Châu mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng cũng đạt kết quả khởi sắc. Từ năm 2023 đến nay, đoàn VĐV thể thao thành tích cao Lai Châu đã tham gia 30 giải thể thao lớn trong nước, giành 70 huy chương các loại. Trong đó, Taekwondo là môn thể thao mạnh của tỉnh, đã mang về 11 HCV, 11 HCB, 6 HCĐ.

Nói về sự phát triển của thể thao thành tích cao tỉnh nhà, ông Nguyễn Thế Vinh - Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh chia sẻ: Thời gian qua, được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch; nỗ lực của HLV, VĐV, thể thao thành tích cao của Lai Châu có chuyển biến rõ nét. Hiện nay, toàn tỉnh có 115 VĐV thể thao thành tích cao; trong đó, 11 VĐV đội tuyển tỉnh, 31 VĐV đội tuyển trẻ và 73 VĐV đội tuyển năng khiếu.

Mặc dù điều kiện kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu thốn nhưng bằng tình yêu, tâm huyết và đam mê thể thao, cả HLV và VĐV từng đội tuyển luôn cố gắng mỗi ngày, tập luyện đều đặn, chăm chỉ, không ngừng rèn thể lực, nâng cao thành tích. Những kết quả đạt được trong thời gian vừa qua sẽ là tiền đề, động lực cho trung tâm, HLV, VĐV cố gắng hết sức mình để giành được nhiều huy chương hơn nữa tại các giải thi đấu thể thao trong nước.

Còn đó những khó khăn, thách thức

Tuy đã đạt được những kết quả tích cực song thể thao tỉnh Lai Châu vẫn đang đối mặt với một số khó khăn, hạn chế bởi nhiều nơi thiếu các cơ sở vật chất phù hợp hoặc còn lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu tập luyện và thi đấu.

Các chính sách hỗ trợ phát triển thể thao, đặc biệt là thể thao thành tích cao vẫn chưa đủ mạnh; việc ứng dụng khoa học công nghệ trong đào tạo, huấn luyện VĐV chưa được chú trọng đầy đủ. Nguyên nhân chính của những hạn chế này đến từ nhận thức chưa đầy đủ của một số cấp ủy, chính quyền và người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của phát triển TDTT. Hơn nữa, nguồn lực tài chính của tỉnh còn hạn chế, việc thu hút đầu tư xã hội vào xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cũng gặp không ít khó khăn.

Tập trung triển khai phát triển TDTT theo Kết luận số 70

Trước những tồn tại, khó khăn, các cấp, các ngành tỉnh Lai Châu đang từng bước xây dựng những mục tiêu, chỉ tiêu cũng như những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tiếp tục thực hiện theo Kết luận số 70-KL/TW, ngày 31/01/2024 của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới.

Theo đó, Tỉnh uỷ Lai Châu đã đặt ra những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể như: hoàn thiện đầu tư các thiết chế thể thao quan trọng của cấp tỉnh, đảm bảo đến năm 2030, 100% các huyện, thành phố có sân vận động và 100% các xã, phường, thị trấn có công trình thể thao đạt chuẩn. Đồng thời, tỉnh sẽ tổ chức từ 15-20 giải thể thao cấp tỉnh mỗi năm và tham gia từ 20-25 giải đấu khu vực và quốc gia, phấn đấu đạt trên 50 huy chương các loại và có VĐV được tuyến chọn tham gia các đội tuyến quốc gia. Phấn đấu hằng năm có trên 97% cán bộ, chiến sỹ đạt tiêu chuấn chiến sỹ khoẻ; trên 98% tổng số học sinh, sinh viên được đánh giá phân loại thể lực theo tiêu chuẩn rèn luyện thân thể.

Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh đã xây dựng 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện. Trong đó,  tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân đối với sự nghiệp TDTT; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số; tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về nội dung, nhiệm vụ, giải pháp và kết quả thực hiện Kết luận 70-KL/TW tại các địa phương, đơn vị; xây dựng các kênh truyền thông về TDTT.

Cùng với đó, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nuớc đối với công tác TDTT, tỉnh sẽ tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về TDTT. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TDTT ở các cấp, nhất là năng lực cụ thể hóa; triển khai thực hiện các chính sách, kế hoạch TDTT. Đồng thời, chú trọng các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển các thiết chế, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao, giáo dục thể chất và thể thao trường học.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục thể chất, hoạt động thể thao trong các trường học và trong lực lượng vũ trang; đẩy mạnh phát triển TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao; tăng cuờng các nguồn lực cho sự nghiệp TDTT; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động TDTT…

Bài, ảnh: MH

Ảnh trong bài
  • Lai Châu triển khai thực hiện Kết luận 70 về phát triển TDTT trong giai đoạn mới
  • Lai Châu triển khai thực hiện Kết luận 70 về phát triển TDTT trong giai đoạn mới