TP. Hồ Chí Minh tập trung quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao

Cùng với Hà Nội, Hồ Chí Minh cũng đang tập trung đẩy mạnh phát triển mạng lưới văn hóa - thể thao từ cơ sở. Các cấp lãnh đạo, ngành liên quan luôn coi đây là nội dung trọng tâm, cốt lõi trong chiến lược phát triển của thể thao thành phố.

Phát triển đồng bộ mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao

Hiện nay, Hồ Chí Minh đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành "đô thị sáng tạo", "thành phố thông minh", thông qua công tác quy hoạch chung của toàn thành phố. Trong đó, việc phát triển mạng lưới văn hóa và thể thao được UBND Thành phố xác định là yếu tố quan trọng, nhiệm vụ trọng tâm, góp phần đưa thành phố mang tên Bác trở thành trọng điểm kinh tế của Vùng Đông Nam Bộ. 

Tính đến năm 2024, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao công lập trên địa bàn thành phố có khoảng trên 300 công trình, trong đó có 27 công trình đạt chuẩn đăng cai tổ chức, biểu diễn, thi đấu các giải quốc gia, quốc tế chính thức; 615/1.576 khu phố và 351/404 trụ sở khu phố và văn phòng ấp kết hợp với tụ điểm sinh hoạt văn hóa…

Bên cạnh hệ thống thiết chế công lập, sự vào cuộc của nguồn xã hội hóa đã thúc đẩy sự phát triển các công trình văn hóa, thể thao ngoài công lập. Đến nay, trên toàn địa bàn thành phố đã có trên 2.500 cơ sở ngoài công lập (không tính hệ thống cơ sở vật chất TDTT tại các khách sạn, cụm dân cư cao cấp…). Số doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực văn hóa gồm 17.670 doanh nghiệp, 800 cơ sở kinh doanh thể thao...

Với mục tiêu đưa lĩnh vực văn hóa, thể thao bứt phá mạnh mẽ hơn nữa, mới đây, Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào 40 dự án. Trong đó, đã có tới 23 dự án được Hội đồng nhân dân thông qua. Trong thời gian tới, 05 dự án có tính khả thi cao sẽ ưu tiên thực hiện trước, 18 dự án còn lại thành phố tiếp tục kêu gọi thêm nhà đầu tư để nghiên cứu, đề xuất phương án thực thi hiệu quả hơn.

Một số dự án trọng điểm, quy mô lớn cần phải nhắc tới đó là: Khu Liên hợp TDTT quốc gia Rạch Chiếc, Khu trường đua Phú Thọ… Các dự án này được kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng mới của Thành phố Hồ Chí Minh.

Riêng ở lĩnh vực thể thao, đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã có 26 công trình đạt chuẩn đăng cai các giải quốc gia, quốc tế. Trong đó, có 4 công trình do Sở VHTT quản lý gồm: sân vận động Thống Nhất, nhà thi đấu TDTT Phú Thọ, CLB Bơi lội Phú Thọ, CLB Quần vợt Phú Thọ. Ngoài ra còn có 17 công trình do quận, huyện quản lý và 5 công trình nằm dưới sự quản lý của các cơ quan, đơn vị khác.

TP.HCM kêu gọi đầu tư dự án xây dựng mới khu tập luyện và thi đấu TDTT ngoài trời tại khu trường đua Phú Thọ (quận 11) với 95.756m2 (Ảnh:Internet)

Mặc dù số công trình TDTT đạt chuẩn còn khá khiêm tốn so với Thủ Đô Hà Nội, song thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tổ chức thành công các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao cấp độ châu lục và thế giới.  Ở thời điểm hiện tại, lãnh đạo thành phố đang gấp rút chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng hoàn thiện các hạng mục cơ sở vật chất nhằm hướng đến dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (năm 2025) và đặc biệt là đăng cai Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ X - năm 2026. Đây được coi là "điểm nhấn" trong Chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến năm 2045 của thành phố. 

Trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư vào các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa và thể thao của thành phố năm 2024, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã khẳng định: Thành phố Hồ Chí Minh sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp để các dự án đầu tư được triển khai thuận lợi. Từng bước đưa lĩnh vực văn hóa và thể thao trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Theo đó, các Sở, Ban, Ngành liên quan đã tập trung triển khai mạnh mẽ các giải pháp, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, điều hành, tạo điều kiện thông thoáng trong môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Tháo gỡ "điểm nghẽn" để bứt phá hơn

Có thể nói, dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng số lượng các công trình văn hóa và thể thao trên toàn thành phố còn rất hạn chế (chỉ có khoảng 281,5 công trình/vạn dân); tỷ lệ xây dựng thiết chế văn hóa chưa đạt được kết quả như kỳ vọng (đặc biệt là cấp xã, phường). Hầu hết cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch vẫn chưa  được nâng cấp, mở rộng đúng quy chuẩn; một số nơi tận dụng công trình sẵn có nên quy mô, kiến trúc không phù hợp với yêu cầu sử dụng; sự phân bố không đồng đều giữa khu vực nội thành và ngoại thành; định mức chỉ tiêu quy hoạch xây dựng vẫn còn thấp; không gian công cộng bị thu hẹp do quá trình đô thị hoá; quỹ đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hóa và thể thao còn hạn chế (tổng cộng có 2.826 ha đạt tỷ lệ 1,35% quỹ đất)…

Hiểu rõ những khó khăn, hạn chế, được coi là "điểm nghẽn" đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, UBND thành phố đã đưa ra một số giải pháp quan trọng mang tính thực tiễn cao. Đó là: đẩy mạnh xã hội hóa nhằm phát huy các nguồn lực phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tiễn, theo từng địa bàn và từng giai đoạn; tạo điều kiện hơn nữa về hành lang pháp lý để hình thành cơ chế đột phá trong thu hút nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp...

Nhấn mạnh thêm về việc cần có nhiều hơn những giải pháp phát triển văn hóa, thể thao trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cũng đã phát biểu rất rõ tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa-thể thao năm 2024: Để Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy tốt vai trò tiên phong trong liên kết, phát triển văn hóa và thể thao, thành phố cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan từ trung ương tới địa phương để thực hiện tốt một số công việc trọng tâm như: đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển, tăng cường giao lưu, ngoại giao văn hóa, phát huy sức mạnh "mềm" của văn hóa để nâng cao năng lực cạnh tranh, vị thế của đất nước và thành phố trên trường quốc tế.

N.H

Ảnh trong bài
  • TP. Hồ Chí Minh tập trung quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao