Theo chia sẻ của Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt: thực tiễn quá trình quản lý của cơ quan khi triển khai thực hiện chính sách XHH về TDTT có nhiều thuận lợi. Bên cạnh đó là rất nhiều khó khăn, thách thức đang đặt ra cần tháo gỡ để tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia thực hiện XHH thể thao, hướng tới xây dựng và phát triển kinh tế thể thao.
Cục trưởng Đặng Hà Việt chia sẻ tại Diễn đàn
Cục trưởng Đặng Hà Việt cho biết: Chủ trương XHH nhằm huy động các nguồn lực đầu tư phát triển lĩnh vực TDTT thời gian qua đã tạo ra hành lang pháp lý cũng như điều kiện thuận lợi cho hoạt động TDTT, các doanh nghiệp TDTT phát triển. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về chủ trương, chính sách XHH được ban hành kịp thời đã tháo gỡ được những vấn đề phát sinh cần được quản lý, hướng dẫn để các môn thể thao phát triển theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế thể thao và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tổ chức các dịch vụ TDTT. Cùng với đó là sự phát triển của kinh tế xã hội, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, sự quan tâm của người dân với thể thao ngày càng lớn. Đây cũng là ngành nghề có thể kinh doanh, tạo dựng thương hiệu. Bởi vậy, việc đầu tư vào công tác tổ chức hoạt động, sự kiện TDTT luôn thu hút rất nhiều doanh nghiệp tham gia...
Cùng với những thuận lợi trên, việc triển khai thực hiện công tác XHH TDTT gặp nhiều khó khăn, thách thức khi thiết chế TDTT luôn biến đổi để thích ứng với sự phát triển không ngừng của xã hội. Đặc biệt, khi thiết chế kinh tế chuyển đổi từ tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng XHCN thì thiết chế TDTT cũng phải chuyển đổi, công tác tăng cường thể lực cho người dân từ chỗ được coi là nhiệm vụ riêng của ngành TDTT nay phải chuyển thành nhiệm vụ chung của toàn xã hội và của mỗi người dân.
Bên cạnh đó, còn có những khó khăn về nhận thức cũng như kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện các chính sách về XHH cũng như phát triển kinh tế thể thao ở Việt Nam. Cho đến nay, hầu như không có bộ máy tổ chức, nhân sự chuyên trách về kinh tế thể thao. Cơ sở hạ tầng về thể thao nhìn chung đã lạc hậu, xuống cấp, không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, gây cản trở tới quá trình hội nhập cũng như phát triển kinh tế thể thao. Môi trường pháp lý chưa thực sự thuận lợi cho sự phát triển của kinh tế thể thao. Các chính sách khuyến khích, ưu đãi tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế thể thao còn thiếu. Quy hoạch đất và bố trí đất cho TDTT còn gặp nhiều khó khăn…
Từ thực tế trên đây, ngành TDTT đã đưa ra những giải pháp nhằm tháo gỡ những nút thắt này như: Tập trung nghiên cứu cải thiện môi trường pháp lý thúc đẩy hoạt động kinh tế thể thao; Hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện để các hội thể thao quốc gia nâng cao hiệu quả hoạt động để đồng hành tích cực cùng ngành trong việc triển khai các hoạt động chuyên môn; Đổi mới mô hình tổ chức, cơ chế quản lý, phương thức hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập TDTT; Đẩy mạnh cổ phần hóa, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp TDTT công lập; Đa dạng hóa loại hình doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh, dịch vụ TDTT; Tiếp tục mở rộng và tăng cường quản lý các loại hình thể thao du lịch, thể thao giải trí, thể thao mạo hiểm, các hoạt động thi đấu thể thao quy mô lớn, thu hút đông người tham gia; Liên kết, phối hợp giữa các ngành, địa phương để đăng cai tổ chức các giải thể thao quốc tế quy mô lớn nhằm tạo nguồn thu, góp phần quảng bá, phát triển du lịch, kinh tế, vừa kích cầu về TDTT đối với địa phương đăng cai. Đặc biệt, cần quan tâm quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực tham gia vào lĩnh vực kinh tế thể thao; mở rộng các khoa, chuyên ngành đào tạo về kinh tế, marketing, quản trị kinh doanh, truyền thông thể thao, tổ chức sự kiện thể thao...
Ts Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương
Cũng tại Diễn đàn, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi chính sách XHH trong lĩnh vực TDTT hiện nay, Ts Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương nêu rõ: ngay trong văn kiện Đại hội VII, mặc dù chưa có cụm từ “XHH các hoạt động thể thao” nhưng đã có đề cập đến việc các CLB, các hội thể thao sẽ tự chủ và chỉ sử dụng một phần ngân sách nhà nước. Đến Đại hội VIII, văn kiện đã đề cập đến việc XHH trong lĩnh vực TDTT. Sau đó Đảng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích XHH các hoạt động TDTT. Cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, kinh tế thể thao ngày càng được quan tâm và được xác định là ngành có giá trị kinh doanh, nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã đầu tư vào lĩnh vực này. Thể chế hóa chủ trưởng của Đảng, Chính phủ đã ban hành sửa đổi bổ sung nhiều văn bản hỗ trợ TDTT nói chung kinh tế thể thao nói riêng, góp phần thu hút những nguồn lực trong toàn xã hội đầu tư cho TDTT. Dù chưa có đầy đủ con số thống kê nhưng sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước trong hơn 10 năm trở lại đây vào Việt Nam rất nhiều. Sản phẩm hàng hóa của Việt Nam dần chiếm thị trường lớn trên thế giới. Đây được xem là thành công của thể thao nói riêng và kinh tế toàn quốc nói chung.
Chính sách “Xã hội hóa” của Đảng và Nhà nước đã mang lại hiệu quả to lớn và là nền móng để phát triển kinh tế thể thao ở Việt Nam. Bởi vậy, để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được trong công tác XHH, hướng tới xây dựng một nền kinh thế thể thao Việt Nam vững chắc, Ts Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cần tập trung vào ba nhóm giải pháp:
Thứ nhất, về hoàn thiện thể chế, chính sách: Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật TD,TT theo hướng kinh doanh. Bổ sung các lĩnh vực hoạt động kinh doanh thể thao, thúc đẩy mọi hoạt động kinh doanh thể thao chuyên nghiệp, khuyến khích các hình thức liên doanh, liên kết, hợp tác giữa Nhà nước, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong phát triển kinh doanh thể thao ở trong và ngoài nước. Bổ sung các quy định về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế thể thao, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động kinh doanh, sản xuất, tổ chức dịch vụ thể thao...
Thứ hai, phát triển thị trường kinh tế thể thao: Xây dựng Chiến lược phát triển với định hướng, nội dung phát triển trọng tâm nhằm vào tạo lập và phát triển thị trường thể thao; Xây dựng kịch bản quốc gia cụ thể hóa chiến lược với các phương án huy động nguồn lực, tạo lập và phát triển các yếu tố cơ bản của thị trường. Thị trường thể thao vận hành theo quy luật của kinh tế thị trường. Thị trường kinh tế thể thao có sự tham gia của các bên liên quan, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp - người sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ.
Thứ 3: thúc đẩy hợp tác công-tư: Hoàn thiện luật pháp về hợp tác công – tư trong lĩnh vực kinh tế thể thao. Tổ chức thí điểm hợp tác theo phương thức đối tác công – tư đối với một số công trình thể thao trọng điểm quốc gia.Xây dựng các chính sách khuyến khích sự tham gia của khối tư nhân tham gia xây dựng, khai thác, vận hành các công trình thể thao đã được Nhà nước đầu tư....
A.T, ảnh Văn Duy