Giải pháp chiến lược phát triển kinh tế thể dục thể thao Việt Nam

Phát triển Thể dục thể thao (TDTT) là mối quan tâm của Đảng và Nhà nước trong lãnh đạo và quản lý quá trình phát triển đất nước theo hướng bền vững. Đây cũng là một nội dung quan trọng liên quan mật thiết tới chất lượng dân số và chất lượng nguồn nhân lực quốc gia. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước đã ban hành Luật Thể dục, Thể thao (ban hành năm 2006 và Luật sửa đổi 2018), Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho phát triển TDTT.

Thực tế hoạt động TDTT trong những năm qua đã có những đóng góp nhất định vào những thành tựu phát triển của đất nước, điều này được ghi nhận trong các đánh giá chính thức của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Kinh tế TDTT Việt Nam những năm gần đây đang dần có những thay đổi rõ rệt theo hướng tích cực. Tuy nhiên, sự phát triển của nó chưa tương xứng với những tiềm năng sẵn có. Do đó, cần phải có các giải pháp chiến lược phát triển kinh tế TDTT ở nước ta.

Đăng cai tổ chức các giải thi đấu thể thao góp phần thúc đẩy kinh tế thể thao phát triển 

Dựa trên kết quả của những nghiên cứu trong nước, kinh nghiệm quốc tế, cũng như nhu cầu phát triển kinh tế TDTT của đất nước, cho phép xác lập các giải pháp chiến lược phát triển kinh tế TDTT trong thời gian tới, đó là:

1) Đổi mới tư duy và nâng cao nhận thức về kinh tế TDTT

Tư duy và nhận thức là cơ sở cho quyết định hành động. Các tồn tại, yếu kém, thậm chí thất bại trong phát triển đều có nguyên nhân chủ quan bắt nguồn từ tư duy và nhận thức không đúng hoặc không đầy đủ. Thiếu hụt, sự mờ nhạt trong tư duy, nhận thức về kinh tế TDTT trong xã hội, do đó đòi hỏi phải đổi mới tư duy và nâng cao nhận thức về kinh tế TDTT. Việc đổi mới này cần được thực hiện trên các mặt sau:

a. Nghiên cứu và phát triển (R&D) về kinh doanh TDTT

Việc nghiên cứu và triển khai này là nhằm tạo và cung cấp nền tảng tri thức lý luận và thực tiễn cho tư duy và nhận thức về kinh tế TDTT và cũng là cho việc đào tạo và nâng cao trình độ, năng lực kinh doanh cũng như tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm kinh doanh TDTT.

Việc nghiên cứu và triển khai này cũng cần được triển khai theo cả 2 hướng:

- Nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng: tập trung vào các vấn đề lý luận và tổng kết kinh nghiệm quốc tế và trong nước từ những thành công và thất bại trong tế TDTT.

- Nghiên cứu triển khai và thử nghiệm: tập trung vào triển khai nghiên cứu về cơ chế, chính sách về kinh tế TDTT và thử nghiệm các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện Việt Nam và hội nhập kinh tế quốc tế.

Các nghiên cứu này cũng đồng thời cung cấp cơ sở khoa học cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Thể dục, Thể thao và các văn bản quy phạm pháp luật khác, cũng như hoạch định chiến lược, chính sách, cơ chế quản lý phát triển TDTT gắn với kinh doanh TDTT.

b. Đào tạo và nâng cao trình độ, năng lực kinh doanh TDTT

Công việc này là quan trọng bởi lẽ liên quan tới nguồn nhân lực hiện được nhận định đang là một khâu yếu nhất trong phát triển kinh tế nước ta. Hiện nay, kinh tế TDTT ở nước ta đang chậm nhịp, thậm chí tụt hậu xa so với các lĩnh vực kinh tế (kinh doanh) khác. Do vậy, đào tạo và nâng cao trình độ, năng lực kinh doanh TDTT là cấp bách không chỉ cho hiện nay mà cả cho cả tầm nhìn trung và dài hạn. Cần đưa nội dung đào tạo về kinh doanh TDTT một cách phù hợp vào chương trình đào tạo về kinh doanh, quản lý, quản trị kinh doanh TDTT ở các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp chính quy (đại học, sau đại học).

Để hỗ trợ kinh doanh TDTT, cũng cần tính tới triển khai một chương trình đào tạo quy mô quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh TDTT như đã và đang làm đối với các doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực kinh doanh khác, như đối với các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ, chế biến nông sản,...

c. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm kinh doanh TDTT

Công việc này cũng quan trọng không kém công việc đào tạo và nâng cao trình độ, năng lực kinh doanh TDTT nói trên. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm kinh doanh TDTT vừa tạo nhận thức, cung cấp tri thức vừa là phương thức tốt để phát huy các sáng kiến, sự năng động từ cá nhân và cộng đồng trong xã hội. Công việc này có thể và nên được kết hợp trong chương trình nâng cao trình độ, năng lực kinh doanh TDTT.

2) Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho phát triển hoạt động kinh tế TDTT

Một trong các rào cản, vấn đề cần giải quyết là cơ sở pháp lý hiện hành chưa tạo hành lang pháp lý tốt và đầy đủ cho phát triển hoạt động kinh doanh thể thao chưa được tạo dựng một cách rõ nét, đầy đủ, hệ thống. Do vậy, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho phát triển hoạt động kinh doanh thể thao là việc làm đầu tiên và việc hoàn thiện, đó là:

- Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thể dục, Thể thao theo hướng kinh doanh (hay thương mại hóa) thể thao; ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các nỗ lực phát triển thị trường thể thao. Đồng thời, tạo môi trường đầy đủ cho hoạt động kinh doanh thể thao. Việc sửa đổi Luật Thể dục, Thể thao hiện hành theo mục tiêu nêu trên sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng và căn bản cho hình thành và phát triển một ngành kinh tế mới - công nghiệp thể thao ở Việt Nam.

- Bổ sung các quy định về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế TDTT, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động kinh doanh, sản xuất, tổ chức dịch vụ thể thao. Củng cố quy định pháp lý và tăng cường quản lý nhằm ngăn chặn, xử lý mọi hành vi xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm truyền thông thể thao, đặc biệt trong môi trường truyền thông số.

- Xác lập và hoàn thiện các mã ngành kinh tế thể thao, xây dựng các chỉ tiêu thống kê quốc gia về kinh tế thể thao, rà soát, tổng kết, đánh giá việc thực hiện các giải pháp đã thực hiện trong thời gian qua để đề xuất các giải pháp về thuế, phí, lệ phí phù hợp với diễn biến thực tế trong thời gian tới.

3) Tạo lập và phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ TDTT

Thị trường là “sân chơi” cho các hoạt động kinh doanh. Do vậy tạo lập và phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ TDTT là công việc quan trọng cần làm sớm. Cũng nói thêm rằng, trên thực tế đã có những hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ TDTT song, các hoạt động kinh doanh này còn chưa được tổ chức theo đúng nghĩa một “sân chơi” thị trường, còn phân tán, nhỏ lẻ, thậm chí còn gây những khó khăn cho công tác quản lý thị trường nói chung (hàng giả, trốn thuế, ...)ưnên chưa tập hợp được các lực lượng (các tác nhân) thị trường, cung/người sản xuất, cung ứng và cầu/người mua, người tiêu dùng khó gặp nhau, giá cả hàng hóa, dịch vụ không phản ánh đúng cầu, sức mua, tạo điều kiện cho hàng hóa, dịch vụ nước ngoài lấn át và thao túng.

Theo kinh nghiệm quốc tế và bối cảnh Việt Nam, nhìn từ góc độ quản lý nhà nước, để tạo lập thị trường TDTT cần ít nhất những điều kiện cơ bản sau:

- Cơ sở pháp lý, tốt nhất là trong Luật (trường hợp đang bàn cụ thể là Luật Thể dục, Thể thao) có điều khoản về thị trường TDTT và trên cơ sở đó ban hành các chính sách, cơ chế quản lý, khuyến khích, hỗ trợ các nỗ lực phát triển thị trường;

- Chiến lược phát triển với định hướng, nội dung phát triển trọng tâm nhằm vào tạo lập và phát triển thị trường (TDTT) làm cơ sở cho sự phối hợp quốc gia (bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân, ...);

- Đề án phát triển Kinh tế thể thao giai đoạn đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2045, như là kịch bản quốc gia cụ thể hóa chiến lược với các phương án huy động nguồn lực, tạo lập và phát triển các yếu tố cơ bản của thị trường, trách nhiệm cụ thể giữa các bên liên quan, trong đó có sự hỗ trợ ban đầu và trực tiếp của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm tạo dựng và tạo đà cho thị trường (TDTT) phát triển. Sau khi đã được tạo dựng và có đà thì thị trường sẽ mặc nhiên dần tự thân vận động theo quy luật thị trường với sự quản lý của Nhà nước và dần hội nhập với thị trường chung quốc gia.

- Sự tham gia của các bên liên quan, bao gồm không chỉ các cơ quan quản lý nhà nước mà quan trọng hơn là các doanh nghiệp - người sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Quy mô, mức độ và phạm vi tham gia kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ là chỉ báo (thước đo) về sự phát triển của thị trường.

4) Hình thành và phát triển công nghiệp thể thao

Sự hình thành và phát triển công nghiệp thể thao xuất phát từ 2 tất yếu:

Một là, một khi đã xác định kinh doanh TDTT và kinh doanh này mang tính chất sản xuất và thương mại thì tất yếu hình thành một ngành và gia nhập đội ngũ ngành/lĩnh vực công nghiệp (gắn với thương mại) với tên gọi định danh quốc tế chung là công nghiệp thể thao;

Hai là, khả năng/năng lực, cơ hội/tiềm năng phát triển kinh doanh TDTT, tức là các yếu tố cơ bản của thị trường, có xu hướng tăng tạo thành tất yếu cũng như làm gia tăng các quan tâm đầu tư phát triển kinh doanh TDTT. Do vậy cũng tất yếu dẫn tới quản lý nhà nước quan tâm và tạo điều kiện để xã hội khai thác, tận dụng tốt nhất các khả năng/năng lực, cơ hội/tiềm năng phát triển kinh doanh này.

Thêm vào đó, hiện tại các hoạt động sản xuất và thương mại hàng hóa, dịch vụ. TDTT ở nước ta còn đang rất phân tán, quy mô nhỏ lẻ. Thực tế này có thể là một tất yếu nữa về hình thành và phát triển công nghiệp thể thao ở nước ta.

Xét bối cảnh thực tế và triển vọng phát triển ở nước ta với tầm nhìn đến năm 2030 hoặc xa hơn (đến năm 2045) có thể tính đến một nội dung quan trọng gắn với Đề án phát triển Kinh tế thể thao giai đoạn đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2045 về hình thành và phát triển công nghiệp thể thao với mục tiêu và lộ trình: Đến năm 2030 - tập hợp, hình thành và tạo điều kiện phát triển một số doanh nghiệp công nghiệp thể thao làm nòng cốt/hạt nhân, cung ứng được một số hàng hóa, dịch vụ TDTT made in Vietnam. Định hình một ngành công nghiệp mới – công nghiệp thể thao với ”sân chơi” (thị trường) rõ ràng và được quản lý với bộ máy tổ chức quản lý phù hợp. Mốc thời gian 2030 có thể sớm hơn tùy thuộc tiến triển thực tế.

5) Đảm bảo sự hỗ trợ đầu tư từ phía Nhà nước cho hình thành kinh tế TDTT như là khởi tạo, tạo đà và khuyến khích các nỗ lực kinh doanh TDTT

Kinh tế TDTT còn là mới ở nước ta. Việc tạo dựng một ngành kinh tế mới đòi hỏi vai trò “bà đỡ” và nuôi dưỡng của Nhà nước trong giai đoạn khởi đầu. Đây cũng là tất yếu và sứ mạng của quản lý Nhà nước. Do vậy việc đầu tư hỗ trợ của Nhà nước cùng với tạo môi trường thuận lợi khuyến khích, thu hút các đầu tư khác trong xã hội vào phát triển kinh doanh TDTT là cần thiết.

Quy mô hỗ trợ của Nhà nước sẽ được tính toán và cân nhắc khi xây dựng Đề án phát triển Kinh tế thể thao giai đoạn đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2045.

Có thể, trong giai đoạn đầu (2016 – 2020) cần có một khoản tài chính nhất định từ khoản chi ngân sách nhà nước hàng năm dành cho phát triển TDTT (chi sự nghiệp và chi đầu tư phát triển), nếu cần có thể cả phát hành trái phiếu chính phủ hay vay nước ngoài (được tính toán kỹ lưỡng) để thực hiện mục tiêu này. Khoản chi ngân sách này được sử dụng như là khoản tài chính đầu tư công và sẽ được bù đắp lại sau khi ngành kinh tế này đi vào hoạt động ổn định, phát triển. Khoản chi ngân sách này cũng được sử dụng như là khoản đầu tư của Nhà nước mang tính chất “mồi” để thu hút các đầu tư khác trong xã hội thông qua các phương thức hợp tác đầu tư thích hợp và phù hợp với các quy định pháp luật, như PPP, BOT,...

6) Hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý TDTT đáp ứng yêu cầu quản lý kinh doanh TDTT và hình thành, phát triển ngành kinh tế mới – công nghiệp thể thao

Hiện nay, bộ máy tổ chức quản lý TDTT ở nước ta hiện nay được thiết kế và hoạt động nhằm thực hiện chức năng quản lý sự nghiệp phát triển TDTT, cụ thể là mới chỉ quản lý nhà nước đối với hoạt động phát triển TDTT thuần túy (TDTT cho mọi người và thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao), mà không/chưa có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với kinh doanh TDTT. Với những thay đổi cơ bản trong sửa đổi, bổ sung Luật TDTT như đã trình bày ở trên, thì tất yếu cần hoàn thiện hệ thống bộ máy tổ chức quản lý TDTT ở các cấp (trung ương, địa phương) để có thể đảm nhận và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ mới. Việc hoàn thiện hệ thống bộ máy tổ chức quản lý TDTT này bao gồm không chỉ là thiết kế hình thành bộ phận (đơn vị) quản lý mới mà cả đào tạo nhân lực, tăng cường năng lực quản lý cũng như nối kết với các hoạt động quản lý nhà nước khác có liên quan ở bộ, ngành khác (Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, ...).

Hy vọng rằng với những giải pháp chiến lược nêu trên, kinh tế TDTT sẽ sớm trở thực sự thành một ngành kinh tế đứng trong đội hình các ngành kinh tế của Việt Nam, có đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

PGS.TS. Đặng Văn Dũng – Trường Đại học TDTT Bắc Ninh

Ảnh trong bài
  • Giải pháp chiến lược phát triển kinh tế thể dục thể thao Việt Nam