VÀI NÉT VỀ SEA GAMES 33
Ngày 21/12 vừa qua, nước chủ nhà Thái Lan đã chính thức công bố SEA Games lần thứ 33 (tổ chức tại 3 tỉnh, thành phố là Bangkok, Chonburi và Songkha từ ngày 9 đến 20/12/2025) với quy mô 11 quốc gia ASEAN tham dự. Đại hội sẽ có 50 môn và phân môn, 574 bộ huy chương. Các môn thi được sắp xếp như sau: Nhóm A, gồm các môn thể thao sẽ có tại Thế vận hội mùa Đông Milan 2026 và Thế vận hội mùa Hè Los Angeles 2028 gồm 28 môn như Điền kinh, Bơi, Bắn cung, Cầu lông, Bóng rổ, Canoeing, Rowing ..vv ; Nhóm II, các môn ASIAD, AIMG gồm 18 môn thể thao và Nhóm III, gồm 4 môn thể thao được đề xuất như Cờ, Teqball, Kickboxing, Woodball, cuối cùng là 3 môn biểu diễn: Flying disc, Tug of war, Airsport với nhiều môn mới bao gồm thể thao mùa Đông và mùa Hè. Như vậy, đây hứa hẹn sẽ là kỳ SEA Games sôi động hướng đến cho các VĐV được tham gia nhiều hơn ở các môn Olympic (bao gồm cả Olympic mùa Đông 2026) và ASIAD.
Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam sẽ bảo vệ HCV SEA Games trong quá trình trẻ hoá lực lượng
Để thực hiện mục tiêu của Chiến lược đề ra, nhằm tập trung lực lượng chuẩn bị tốt nhất cho SEA Games, chúng ta cần lưu ý tới những đặc trưng kể trên của kỳ SEA Games này, lưu ý tính toán tới sự liên thông tới các đấu trường ASIAD năm 2026 và Olympic tại Los Angeles (Mỹ) năm 2028.
ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG VÀ NHẬN DIỆN NHỮNG THÁCH THỨC
Thứ nhất: Ngay tại đấu trường SEA Games hiện nay, trình độ của một số môn đã đạt đến đẳng cấp Olympic và ASIAD như Cầu lông (Indonesia, Thái Lan), Thể dục dụng cụ (Philippine), Đấu kiếm (Singapore), Bắn súng, Cử tạ và Đua thuyền… vì thế việc cạnh tranh thành tích ở các môn trên là rất khốc liệt, không hề dễ dàng như một bộ phận dư luận đánh giá.
Thứ hai: Tại kỳ SEA Games kỳ này có 24 môn và 97 nội dung (các môn mùa Đông …) mà Việt Nam không tham dự do ta chưa phát triển các môn mới này.
Thứ ba: Qua rà soát lực lượng VĐV và các môn thể thao trọng điểm, thể thao Việt Nam sẽ chú trọng tập trung khoảng 17 môn Olympic, ASIAD với các nội dung trọng điểm để đầu tư lâu dài về thành tích, huy chương chất lượng qua đó sẽ liên thông làm nguồn cho ASIAD 2026 và Olympic 2028... Việc này cần được tính toán kỹ và lồng ghép trong nhiệm vụ chuẩn bị cho SEA Games 33 cho phù hợp.
Thứ tư: Hiện nay, một số cơ sở vật chất, trang bị của các cơ sở huấn luyện của chúng ta (trừ môn Bắn súng) vẫn còn hạn chế và ứng dụng khoa học công nghệ như AI trong huấn luyện và thi đấu còn yếu, nên để việc chuẩn bị, tập huấn, huấn luyện của các đội tuyển hiệu quả, cần có sự tính toán, lựa chọn kỹ lưỡng từ quá trĩnh xây dựng kế hoạch tới triển khai ở từng đội tuyển.
3 NHIỆM VỤ VÀ 6 GIẢI PHÁP
Trên cơ sở của thực trạng ấy, Phòng Thể thao thành tích cao 1 phối hợp với Phòng 2 và các đơn vị liên quan đã xác định 3 nhiệm vụ và 6 giải pháp nhằm đạt thành tích cao nhất tại SEA Games 33 như sau:
Nhiệm vụ 1: Hiện thực hóa những mục tiêu Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024 đó là tập trung phát triển thể thao thành tích cao phải có chiều sâu, tinh nhuệ, trọng tâm, trọng điểm tạo nguồn lực tài năng bền vững xuyên suốt cho các năm tiếp theo.
Nhiệm vụ 2: Phấn đấu đạt từ 75 đến 85 HCV ở các môn (đứng vị trí tốp 3 theo Chiến lược đã ban hành)
Nhiệm vụ 3: Thông qua thi đấu nâng cao hình ảnh của Thể thao Việt Nam, thực hiện tốt việc quảng bá văn hóa con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, mỗi vận động là một sứ giả về văn hóa thể thao.
Đề xuất 6 giải pháp trọng tâm:
Giải pháp 1: Giải pháp đột phá
Chuẩn bị tuyển chọn lực lượng tốt nhất tham dự đầy đủ nhóm môn Olympic và ASIAD theo điều lệ SEA Games, tập trung trọng điểm 14 môn Olympic gồm: Điền kinh, Bơi, Bắn súng, Thể dục, Cử tạ, Đấu kiếm, Boxing, Taekwondo, Xe đạp, Bắn cung, Cầu lông, Judo, Vật, Đua thuyền; 3 môn ASIAD gồm: Wushu, Cầu mây, Karate; trong đó chú trọng các nội dung thế mạng của Việt Nam ở các hạng cân nhỏ, đòi hỏi nhanh nhẹn, linh hoạt và đặc biệt là các VĐV nữ.
Điền kinh tiếp tục là môn thể thao được kỳ vọng đem về nhiều HCV cho TTVN
Giải pháp 2: Tuyển chọn lực lượng tinh nhuệ và tập huấn trong nước
Thông qua việc xác định các môn, nội dung thi đấu mà khả năng Việt Nam tham dự đại hội có thể giành huy chương để tuyển chọn VĐV, tổ chức tập huấn các vận động viên xuất sắc, huấn luyện viên giỏi có kinh nghiệm và thuê chuyên gia nước ngoài có trình độ chuyên môn cao. Thành lập Hội đồng tuyển chọn, kiểm tra, đánh giá công tác huấn luyện các đội tuyển theo từng thời kỳ, giai đoạn tập huấn. Dự kiến các Phòng sẽ tập trung đội tuyển quốc gia khoảng: 4045 VĐV đội tuyển và tuyển trẻ, 674 huấn luyện viên và 29 chuyên gia, tại 5 địa điểm tập huấn, cụ thể như sau:
- Trung tâm HLTTQG Hà Nội: 1396 VĐV, 261 HLV.
- Trung tâm HLTTQG TP. Hồ Chí Minh: 1111 VĐV, 188 HLV.
- Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng: 738 VĐV, 89 HLV.
- Trung tâm HLTTQG Cần Thơ: 337 VĐV, 56 HLV.
- Trường Đại học TDTT Bắc Ninh: 463 VĐV, 80 HLV.
Giải pháp 3: Tổ chức thi đấu các giải thể thao
Căn cứ vào kế hoạch đã được Phòng và các Bộ môn xây dựng, Cục TDTT chỉ đạo các đội tuyển tập trung xây dựng tham dự các cuộc thi đấu như:
- Thi đấu trong nước: Dự kiến khoảng 260 giải thi đấu trong nước nhằm giúp VĐV có điều kiện cọ sát, nâng cao trình độ đồng thời kiểm tra đánh giá công tác huấn luyện nhằm kịp thời điều chỉnh kế hoạch huấn luyện.
- Thi đấu quốc tế: Dự kiến tham dự khoảng 280 giải đấu quốc tế.
Giải pháp 4: Thuê chuyên gia
Lựa chọn và thuê 29 chuyên gia có trình độ cao cho một số môn, nội dung giành huy chương, đặc biệt là các môn có khả năng tranh chấp huy chương cao: Điền kinh, Bắn súng, Đua thuyền, Bơi, Cầu lông, Wushu, Bắn cung, Boxing, Đấu kiếm.
Giải pháp 5: Ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ trong huấn luyện và đào tạo nhằm nâng cao thành tích cho VĐV
Hiện nay thành tích của thể thao không thể tách rời việc ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là trí tuệ AI trong công tác huấn luyện và thi đấu, trợ lý ảo sẽ giúp các HLV, VĐV phân tích đầy đủ về các thông số thể chất, kỹ thuật, chiến thuật và đối thủ do vậy việc ứng dụng khoa học này là điều kiện tiên quyết và rất cần thiết.
Giải pháp 6: Tăng cường bổ sung dinh dưỡng
Tăng cường về dinh dưỡng nâng cao khả năng hấp thụ và chuyển hóa năng lượng cho VĐV bằng hình thức sử dụng các loại thực phẩm chức năng hoặc đồ uống, các loại dinh dưỡng này chủ yếu là nhóm Carbohydrates, Protein, suplement, BCAA hoặc đồ uống giàu năng lượng (M 150, Herbeline ...) giúp cho VĐV tăng cường chuyển hóa năng lượng, cân bằng thức ăn và đồ uống, giúp kiểm soát trọng lượng cơ thể, tăng phát triển kích thước và số lượng nhóm cơ hay giúp cơ thể hồi phục nhanh sau vận động...
Trong thực tiễn, ngày càng nhiều cường quốc thể thao trên thế giới như Mỹ, Úc, Nga, Đức, Trung Quốc đang áp dụng các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng cho các VĐV, do bị hạn chế về mặt thời gian thi đấu và phải di chuyển liên tục không có thời gian để sử dụng bữa ăn thông thường, chính vì vậy việc cung cấp nguồn năng lượng bổ sung là rất quan trọng. Hầu hết các VĐV vô địch và thành công đều có sự hỗ trợ hiệu quả và không thể thiếu bữa ăn (sport bar) thanh cao năng lượng, việc sử dụng thực phẩm chức năng sẽ được áp dụng trước, trong và sau thi đấu với kế hoạch được theo dõi và kiểm soát chặt chẽ bởi các bác sỹ và các chuyên gia dinh dưỡng cho từng VĐV trọng điểm như Teakwondo: Whey protein professional 2350g; Karate: Glucosamine Move Free; Thể dục: AMINO WHEY; Xe đạp: BCAA...
Giải pháp 7: Điều chỉnh chế độ và chính sách cho VĐV, HLV
Cũng tại cuộc họp tổng kết Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã nói “tuổi đời của vận động viên là rất ngắn, do vậy chúng ta phải có chế độ chính sách phù hợp đãi ngộ và thu hút được tài năng”... Qua đó, trong năm nay, các Phòng Thể thao Thành tích cao sẽ phối hợp các đơn vị để tham mưu cho Cục trình về việc sửa đổi Nghị định 152 về tiền ăn, lương cho VĐV, tiếp tục tìm kiếm thêm các nguồn tài chính để tăng tiền thưởng trực tiếp cho các VĐV, HLV, chuyên gia đạt thành tích hoàn thành chỉ tiêu cũng là động lực tích cực để các VĐV nỗ lực phấn đấu tập luyện; Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các Liên đoàn, Hiệp hội, Ủy ban Olympic Việt Nam, các doanh nghiệp nhà tài trợ để phát huy các nguồn lực từ xã hội qua đó đóng góp tốt về tài chính cho các VĐV.
Để triển khai tốt các nhiệm vụ, Bộ VHTTDL, Cục TDTT và toàn Ngành TDTT cả nước cần đảm bảo: Tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ đảm bảo đúng chuẩn quốc tế cho các VĐV trong quá trình tập huấn; Đảm bảo chế độ dinh dưỡng, chế độ thuốc và thuốc đặc thù cho các VĐV nhất là các VĐV trọng điểm được thường xuyên sử dụng; Sớm trình sửa đổi Nghị định 152 chế độ đối với HLV, VĐV nhằm giúp họ yên tâm tập luyện và thi đấu giành thành tích cao.
“VẪN CẦN PHẤN ĐẤU ĐỂ XẾP THỨ 2 TOÀN ĐOÀN”
Đấy là chỉ đạo của Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương khi đã tham dự cuộc họp về kế hoạch chuẩn bị cho SEA Games 33 của thể thao Việt Nam hôm 27/12 vừa qua. Tại cuộc họp, Thứ trưởng đã thể hiện sự sâu sát khi dành thời gian rà soát với từng bộ môn về điều kiện hiện tại, chỉ tiêu huy chương cụ thể (so sánh giữa SEA Games 32 và 33), đối tượng tập huấn và lắng nghe ý kiến để nắm bắt đầy đủ tình hình.
Thứ trưởng yêu cầu các cơ quan tham mưu chuyên môn của Cục TDTT cần lưu ý: Thể thao thành tích cao của chúng ta đang hướng trọng tâm tới ASIAD và Olympic, nhưng SEA Games vẫn là đấu trường rất quan trọng, là nơi vừa để giao lưu với bè bạn trong khu vực, vừa để giúp các VĐV có cơ hội cọ xát, chuẩn bị cho các đấu trường lớn hơn. Do 2 kỳ SEA Games liên tiếp vừa qua (SEA Games 31 tại Việt Nam và SEA Games 32 tại Campuchia), Việt Nam đều nhất toàn đoàn, nên theo Thứ trưởng, mặc dù xác định kỳ này sẽ rất khó khăn, nhưng đoàn TTVN vẫn đặt mục tiêu cố gắng để xếp thứ 2 thay vì chỉ là “trong tốp 3”. Thứ trưởng cũng yêu cầu, do điều kiện ngân sách hạn chế, nên tại SEA Games, các bộ môn đều phải lựa chọn thành phần tham dự theo hướng “quân cốt tinh, không cốt đông”, đặt tính hiệu quả lên cao nhất, không nên bố trí nhiều VĐV tham dự nếu dự đoán khó đạt thành tích như trông đợi.
Có thể thấy, chúng ta đang đứng trước một bài toán không hề dễ dàng cho quá trình chuẩn bị cho các nhiệm vụ, từ SEA Games 33 tới ASIAD và Olympic. Theo đó, chúng ta vẫn phải có sự chuẩn bị tốt nhất để đạt thành tích cao toàn đoàn tại SEA Games 33, đồng thời với sự đầu tư theo chiều sâu vào nhóm các môn trọng điểm hướng tới ASIAD 2026 và Olympic 2028.
Tập hợp các nguồn thông tin của chúng tôi cũng như đánh giá về thế mạnh của các đối thủ, Thái Lan – nước chủ nhà của SEA Games 33 xem như đã “chắc suất” nhất bảng ngay từ khâu chốt các môn và nội dung thi đấu (lược bỏ nhiều thế mạnh của các nước khác, trong đó có Việt Nam và đưa thêm nhiều thế mạnh của họ vào chương trình thi đấu). Thể thao Việt Nam sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với Indonesia, Philippines là những đoàn thể thao có nhiều thế mạnh ở SEA Games kỳ này, bên cạnh đó là thách thức của Malaysia hay Singapore ở nhiều môn thể thao khác.
Dù rất khó khăn, nhưng Cục TDTT nói chung, các Phòng chuyên môn của Cục TDTT nói riêng sẽ phối hợp với các Liên đoàn, hội thể thao quốc gia cũng như các địa phương, tập trung toàn lực cho việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, sao cho công tác chuẩn bị cho SEA Games 33 được thực hiện với chất lượng cao nhất có thể, đồng thời tạo đà cho ASIAD 20 năm 2026 và Olympic Los Angeles 2028.
TS.Hoàng Quốc Vinh – Trưởng Phòng Thể thao Thành tích cao 1 (Cục TDTT)