Thể thao học đường với những kết quả đáng ghi nhận
Thông tin từ Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GDĐT),công tác giáo dục thể chất (GDTC) và hoạt động TDTT trong trường học đã đạt được những kết quả quan trọng. Hiện có hơn 95% số trường học trên cả nước đã thực hiện chương trình GDTC chính khóa, 75% số trường có hoạt động TDTT ngoại khóa và số học sinh, sinh viên tham gia tập luyện TDTT ngoại khóa đạt hơn 70%. Trong quá trình xây dựng chương trình môn học GDTC đã từng bước được mở rộng, trong đó, có các nội dung tự chọn, có sự liên thông giữa các bậc học theo nguyên tắc kế thừa và phát triển; chương trình giảng dạy môn học GDTC đã có nhiều đổi mới về mục tiêu, nội dung và phương pháp, cung cấp được một phần về kiến thức, kĩ năng vận động, hình thành thói quen tập luyện TDTT cho học sinh và xây dựng lối sống lành mạnh, giáo dục đạo đức, ý chí; giúp học sinh vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học vào hoạt động thường ngày, nhằm nâng cao sức khỏe và hoàn thiện thể chất...
Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 Bộ VHTTDL tổ chức vào tháng 11 vừa qua
Công tác chỉ đạo, quản lý môn học GDTC và thể thao trường học đã được đổi mới. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GDTC và thể thao trường học đã được tăng cường hơn về số lượng, chất lượng chuyên môn từng bước được nâng cao. Các trường học đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy môn học GDTC và thể thao trường học.
Mới đây, Chiến lược TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 được ban hành đã mở ra cơ hội mới, thách thức mới trong việc thúc đẩy công tác GDTC và hoạt động thể thao trường học tiếp tục có những đổi mới và phát triển trên mọi mặt. Mục tiêu của Chiến lược đặt ra đến năm 2030 có trên 90% học sinh, sinh viên đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể; định hướng đến năm 2045 là trên 90% học sinh, sinh viên đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể...
Tiếp tục bám sát Chiến lược để thực hiện các giải pháp hiệu quả
Tại Hội nghị triển khai Chiến lược mà Bộ VHTTDL tổ chức vào tháng 11 vừa qua, đã có nhiều ý kiến hữu ích được đưa ra xoay quanh các giải pháp để đẩy mạnh sự phát triển của công tác GDTC và hoạt động TDTT trường học.
Theo đó, đại diện phòng TDTT cho mọi người (Cục TDTT) cho rằng, TDTT trường học không chỉ nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn là nền tảng phát triển sự nghiệp TDTT của nước ta hiện nay. Trong nhiều năm qua, Bộ VHTTDL đã tích cực phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương phát triển phong trào tập luyện, thi đấu các môn thể thao trong trường học theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Đến nay, Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam được ban hành sẽ là cơ sở pháp lý để hoạt động GDTC và thể thao trường học có thêm cơ chế mới để triển khai nhiều giải pháp theo hướng toàn diện cả về tri thức, thể chất, tâm lý và kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.
Trong đó, việc tăng cường chuẩn hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên; có kế hoạch từng bước triển khai đầu tư xây dựng bể bơi, nhà tập đa năng cho các cơ sở giáo dục phổ thông phù hợp với điều kiện cụ thể từng cấp học, địa bàn... là nội dung quan trọng được đề cập đến trong Chiến lược.
Thực tế cho thấy, hiện ngành VHTTDL đã có sự phối hợp cùng ngành GD&ĐT, UBND các tỉnh/thành nhằm đầu tư và chuẩn hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên; đầu tư xây dựng bể bơi, nhà tập đa năng cho các cơ sở giáo dục phổ thông phù hợp với điều kiện cụ thể từng cấp học, địa bàn. Đẩy mạnh liên kết giữa nhà trường với các cơ sở thể thao trong hoạt động GDTC. Tổ chức các hoạt động thể thao ngoại khóa theo hướng cá thể hóa, phù hợp với sở thích, tâm sinh lý và lứa tuổi của học sinh, sinh viên, trong đó chú trọng tập luyện môn Bơi, Võ cổ truyền và một số môn thể thao phù hợp khác.
Ông Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT tham luận tại Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Ông Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT cho biết: Chúng ta cần tiến hành rà soát toàn bộ đội ngũ giảng viên, giáo viên phụ trách GDTC tại các cơ sở giáo dục cũng như toàn bộ cơ sở vật chất phục vụ cho công tác này. Đây chính là nhiệm vụ quan trọng, cốt lõi đối với công tác GDTC và thể thao trường học và cũng là một phần nằm trong Chiến lược quốc gia về phát triển TDTT.
Thể thao trường học là nền tảng không thể thiếu cho thể thao thành tích cao. Thể thao trường học còn có vai trò nâng cao thể chất, lối sống lành mạnh cho học sinh các cấp học. Cho nên muốn phát triển tốt cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, Ban, ngành liên quan; phải có công tác thanh, kiểm tra và giám sát trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược, để các nội dung, vấn đề cũng như mục tiêu mà Thể thao trường học muốn vươn tới sẽ đạt được, đáp ứng được yêu cầu toàn diện và chuyên nghiệp mà Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đề ra.
A.T, ảnh Văn Duy