Hiện nay, thể thao Việt Nam (TTVN) đang phát triển từng ngày khi có những bước tiến dài về thành tích trên đấu trường khu vực, châu lục và thế giới. Trong những "dấu ấn" đó không thể không nhắc tới vai trò của nữ giới.
![](/Portals/0/images/article/VIETNAM WOMEN dung.jpg)
Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2035 tầm nhìn đến năm 2040 góp phần tạo đà cho sự phát triển của phụ nữ trong thể thao
Trong thời gian qua, lãnh đạo ngành TDTT cùng với Ban phụ nữ & thể thao đã không ngừng nỗ lực để tạo nên những kết quả đáng khích lệ trong lĩnh vực bình đẳng giới trong thể thao cũng như các hoạt động của phụ nữ trong thể thao.
Một số hoạt động tiêu biểu cần phải nhắc đến như: Thông qua các hoạt động hợp tác với Ban thư kí ASEAN và Đại học Seijo để tổ chức Hội thảo về bình đẳng giới ASEAN-Nhật Bản tại Hà Nội; nghiên cứu về những thách thức và nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái trong việc tham gia các hoạt động thể thao và thể chất; tổ chức giải đấu Pickleball nghiệp dư-chuyên nghiệp đầu tiên dành riêng cho phụ nữ - Say2 Ladies Pickleball Grand Prix; tổ chức sự kiện Thể thao Việt Nam dưới góc nhìn giới nhân tháng hành động vì chất lượng giới và phòng chống bạo lực (15/11-15/12)...
Trong các hoạt động thi đấu thể thao đỉnh cao, các VĐV nữ của Việt Nam đã đạt được những thành tích to lớn, qua đó đóng góp công lao không nhỏ vào thành công chung của Đoàn Thể thao Việt Nam tại các sự kiện thể thao quốc tế. Đặc biệt, trong năm 2024, 12/16 VĐV Việt Nam tham dự Olympic Paris 2024 là các VĐV nữ. Đây là con số phần nào cho thấy những tín hiệu đáng mừng trong công tác bình đẳng giới trong thể thao tại Việt Nam.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, các chương trình bình đẳng giới trong thể thao tại Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ như đã thu hút được sự quan tâm đáng kể của công chúng đối với các VĐV nữ; ngành thể thao đã phát triển nhiều chương trình và hoạt động để thúc đẩy xã hội hóa và hỗ trợ truyền thông cho các VĐV nữ; Các doanh nghiệp và tổ chức xã hội cũng tham gia vào nhiều chương trình tài trợ khác nhau và tạo ra các cơ hội việc làm sau khi nghỉ hưu cho các VĐV nữ; phụ nữ hiểu rõ hơn tầm quan trọng của thể thao đối với sức khỏe để sắp xếp hiệu quả thời gian của mình tham gia tập luyện thể thao…
Sự đóng góp tích cực vào chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình, An ninh (WPS) của Liên hợp quốc cũng như kế hoạch triển khai các hoạt động của WPS của Việt Nam đã nhận được sự đánh giá cao của Phụ nữ Liên Hợp quốc. Cơ quan này cho rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng hợp tác trong thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ.
Những kết quả đạt được trong thời gian qua là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của phụ nữ trong thể thao ở nước ta. Từ đó, nâng cao nhận thức rằng, chúng ta cần chung tay tạo ra một môi trường thể thao bình đẳng, nơi phụ nữ có thể phát huy tối đa khả năng của mình và đạt được thành công.
Nhằm phát huy hơn nữa kết quả đạt được trong lĩnh vực này, ngành TDTT Việt Nam đã xây dựng các kế hoạch nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong thể thao, cung cấp hướng dẫn nghề nghiệp cho các VĐV nữ sau khi nghỉ hưu thông qua các khóa học, Hội nghị và Hội thảo để đưa vào tích cực triển khai trong giai đoạn 2025 – 2030.
Đảm bảo có đủ các địa điểm tập luyện, thi đấu an toàn và thân thiện với phụ nữ; cung cấp học bổng, tài trợ cho các VĐV nữ tài năng, đặc biệt ở các môn thể thao ít được quan tâm; tổ chức các giải đấu, sự kiện thể thao với chi phí hợp lý để phụ nữ có thể tham gia dễ dàng hơn.
Để hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra, việc thay đổi nhận thức xã hội đóng một vai trò tiên quyết. Chính vì vậy, cần truyền thông tích cực, tăng cường đưa tin về các VĐV, HLV, trọng tài nữ thành công để truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ; xây dựng hình tượng phụ nữ mạnh mẽ, tự tin và thành công trong thể thao để khuyến khích các em gái tham gia.
Phát triển thể thao học đường, ưu tiên khuyến khích các em gái tham gia các hoạt động thể thao ở trường học; Tạo cơ hội cho nữ giới tham gia vào vai trò ra quyết định; Xây dựng mạng lưới kết nối giữa phụ nữ trong ngành thể thao để chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau hay học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác về phát triển thể thao nữ... Đó là những giải pháp tích cực mà ngành TDTT hướng tới nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy tối đa tiềm năng của mình trong lĩnh vực thể thao.
Với những giải pháp phù hợp hứa hẹn sẽ góp phần đưa phong trào TDTT trong phụ nữ ở nước ta ngày càng phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của Thể thao Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới; đồng thời hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược phát triển TD,TT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
A.T, ảnh hanoitimes.vn