Ngày mai (21/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra từ ngày 21/8 đến hết buổi sáng 22/8/2024 tại Hà Nội và kết nối truyền hình trực tuyến với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Theo đó, từ 8h30 đến 11h30 (giải lao từ 9h30 đến 9h50): Chất vấn các Bộ trưởng, Trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực thứ nhất, gồm các lĩnh vực: nông nghiệp và phát triển nông thôn; công thương; văn hóa, thể thao và du lịch.

Buổi chiều, từ 14h đến 14h30: Tiếp tục chất vấn các Bộ trưởng, Trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực thứ nhất, gồm các lĩnh vực: nông nghiệp và phát triển nông thôn; công thương; văn hóa, thể thao và du lịch.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng 

Việc chất vấn sẽ không tiến hành theo nhóm vấn đề như tại các phiên họp thông thường mà sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ, trưởng ngành liên quan về những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng thừa ủy quyền của Chính phủ gửi báo cáo việc triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 572/NQ-UBTVQH15 ngày 18/8/2022 về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV (lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch).

Liên quan đến lĩnh vực văn hóa, Bộ trưởng cho biết đã tập trung triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 với 5 quan điểm, 4 mục tiêu chung và 8 mục tiêu cụ thể, đề ra 11 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cho các mặt của lĩnh vực văn hóa.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, xây dựng môi trường văn hóa ở cơ sở, xây dựng con người được chú trọng. Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Hoạt động đối ngoại về văn hóa được đẩy mạnh, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, văn hoá, con người Việt Nam với đông đảo bạn bè quốc tế.

Cũng trong báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thông tin về những kết quả đạt được trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch. Bộ trưởng cho biết: đến nay, Bộ VHTTDL, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tập trung triển khai kịp thời, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030. Trong đó, tiếp tục tổ chức quán triệt sâu sắc, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước. Hoàn thiện thể chế, chính sách, khung khổ pháp lý: Hệ thống pháp luật về văn hóa đã từng bước được rà soát, bổ sung, hoàn thiện, tạo khung khổ pháp lý cho sự phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Bộ trưởng khẳng định: "Các sự kiện văn hóa, thể thao, nghệ thuật cấp quốc gia, cấp vùng tiếp tục được chỉ đạo tổ chức, gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Các sự kiện: Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc, Ngày hội VHTTDL vùng Tây Bắc, Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam Bộ, Liên hoan Chèo toàn quốc, Liên hoan Cải lương toàn quốc, Hội diễn Tiếng hát công nhân toàn quốc và các chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị được phối hợp tổ chức thành công, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh".

Cùng với đó xây dựng và phát triển con người toàn diện. Thể lực, tầm vóc con người Việt Nam được cải thiện, đi cùng với các yêu cầu về tri thức, đạo đức, kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Liên quan đến lĩnh vực Du lịch, Bộ trưởng cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 06/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Luật Du lịch năm 2017, ban hành theo thẩm quyền Nghị định số 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch; Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn".

Theo đó, tập trung thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành Du lịch nhằm khai thác tối đa lợi thế về sản phẩm, thị trường, các nguồn lực, hệ thống quản lý ngành, nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Bộ trưởng cho hay, đến nay, ngành Du lịch cơ bản đã lấy lại tốc độ tăng trưởng như trước khi xảy ra đại dịch. Năm 2023, tổng số khách du lịch quốc tế đạt 12,5 triệu lượt khách, vượt mục tiêu đề ra (8 triệu lượt), đạt mục tiêu đã điều chỉnh; khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt khách, vượt 5,8% so với kế hoạch năm.

Tổng thu từ du lịch ước đạt 672 nghìn tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch. Du lịch Việt Nam vinh dự nhận giải thưởng "Điểm đến hàng đầu châu Á 2023" và "Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á 2023" do tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (WTA) trao tặng.

Đây là lần thứ 5 Việt Nam được bình chọn là "Điểm đến hàng đầu châu Á", khẳng định thương hiệu và sức hút đặc biệt của du lịch Việt Nam. Du lịch được coi là điểm sáng trong tổng thể bức tranh kinh tế - xã hội đất nước. Trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đạt 76, triệu lượt (tăng 65% so với cùng kỳ năm 2023), tổng lượng khách du lịch nội địa đạt 52,5 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 352 nghìn tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, những kết quả đã đạt được là tổng hòa của các yếu tố: Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành địa phương trong công tác quản lý nhà nước, xây dựng môi trường du lịch lành mạnh, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật dịch vụ, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam, sự chủ động, sáng tạo của các địa phương, doanh nghiệp trong việc xây dựng sản phẩm mới, nhất là các sản phẩm trải nghiệm văn hóa đặc sắc của Việt Nam, khai thác hiệu quả các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, khám phá thiên nhiên, sinh thái, du lịch lễ hội, cộng đồng ở tất cả các vùng miền.

Tại báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, đồng thời đề cập đến một số giải pháp trong thời gian tới.

MH

Ảnh trong bài
  • Ngày mai (21/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch
  • Ngày mai (21/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch