Tại cuộc họp, Phó cục trưởng Lê Thị Hoàng Yến, đồng thời là Trưởng ban Phụ nữ và Thể thao, Ủy ban Olympic Việt Nam đã trình bày những kết quả hoạt động của Ban trong thời gian qua.
Theo đó, kể từ sau khi tham dự Hội thảo bình đẳng giới trong 2 ngày 10 và 11/1/2024, Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt và Phó Cục trưởng Lê Thị Hoàng Yến với tư cách là đại biểu tham dự đã cùng với 50 đại biểu, trong đó có 32 đại diện nước ngoài đến từ 10 quốc gia khu vực ĐNÁ thảo luận các vấn đề: làm rõ khái niệm lồng ghép giới trong thể thao trên toàn cầu, ASEAN và tại mỗi nước. Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái trong thể thao trong ASEAN, bao gồm cả vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong thể thao, khả năng tiếp cận thể thao và sự an toàn của phụ nữ trong môi trường thể thao.
Phó Cục trưởng Lê Thị Hoàng Yến tham dự cuộc họp
Tiếp theo đó, Ban Phụ nữ & Thể thao đã phối hợp với Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2024: Chung kết Cuộc thi cấp vùng khu vực miền Bắc, Trung, Nam đã diễn ra từ ngày 1-15/7/2024. Và chung kết cuộc thi Toàn quốc dự kiến từ 1-20/10/2024. Cuộc thi nhằm giúp các phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có các nữ VĐV đã giải nghệ,.. có điều kiện phát triển kinh tế tăng thu nhập cho cá nhân, gia đình và đất nước, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và quy hoạch phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ.
Để tiếp sức cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024, Trưởng ban Thể thao và Phụ nữ, UBOVN Lê Thị Hoàng Yến đã gặp mặt động viên 16 VĐV có suất dự tranh (trong đó có 12 VĐV là nữ), và sẽ phối hợp tổ chức khen thưởng VĐV nữ có thành tích trong kỳ Olympic Paris 2024.
Về mặt quản lý nhà nước, trong thời gian qua, Việt Nam cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin về Bình đẳng giới, về hoạt động của Ban Phụ nữ & Thể thao qua các phương tiện thông tin đại chúng như: Fanpage của Ban, Tạp chí Thể thao, Trang tin Cục TDTT và Trang Facebook cá nhân của các thành viên trong Ban.
Trong năm 2025, Ban Phụ nữ và Thể thao, UBOVN sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động theo Kế hoạch công tác đã được Ban Thường vụ, Ban Chấp hành đề ra như: Đề xuất những hoạt động và đãi ngộ dành cho VĐV nữ, phối hợp hoạt động với các Liên đoàn Thể thao trong nước để thực hiện; phối hợp chuẩn bị các công việc cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 33 và ASEAN Para Games lần thứ 13 tại Thái Lan; phối hợp tổ chức khen thưởng VĐV nữ có thành tích trong kỳ SEA Games 33 tại Thái Lan; tìm kiếm, kêu gọi tài trợ cho VĐV nữ, xây dựng một số buổi Hội thảo chia sẽ những kỹ năng, kinh nghiệm trả lời phỏng vấn, hướng nghiệp cho VĐV nữ; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về bình đẳng giới trên các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng và thông qua các hoạt động.
Báo cáo của Phó Cục trưởng Lê Thị Hoàng Yến đã nhận được sự tán thành của hầu hết các đại biểu.. Không chỉ ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc tổ chức, lồng ghép tổ chức các hoạt động về Bình đẳng giới trong thể thao, mà còn không ngừng tìm cách phát triển, tìm thêm nguồn lực tài chính để giúp đỡ cho các VĐV nữ ở hiện tại và cả sau khi giải nghệ. Đó là một cách làm đúng và nhân văn của Việt Nam.
Cuộc họp còn có sự tham gia của một số tổ chức quốc tế về bảo vệ cho phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động thể thao. Các đại biểu đến từ các tổ chức này cũng đã tư vấn về các khóa học, có các bước cụ thể, hướng dẫn cho các cá nhân, tổ chức tham gia. Thậm chí có cả các khóa học online về văn hóa, về giới tính. Mỗi quốc gia có văn hóa khác nhau, việc được học hỏi sẽ giúp mọi người dễ tiếp cận với các nền văn hóa khác nhau. Quan tâm hơn đến trẻ em, giáo dục trẻ em bằng những chương trình cụ thể để cung cấp các “kiến thức nền” cho trẻ em tự bảo vệ mình trong cuộc sống nói chung, trong các hoạt động thể thao nói riêng.
Tổ chức Bảo vệ phụ nữ và trẻ em cung cấp mã QR để mọi người có thể tham gia vào các chương trình đào tạo
Nổi bật là ý kiến đóng góp của Tổ chức an toàn cho trẻ em trong thể thao (safe sport). Mục đích tham gia cuộc họp trực tuyến này là muốn tìm ra các dự án để giáo dục về giới tính cho trẻ em. Tập trung vào các môn tập thể, tiêu biểu như Bóng đá.
Cuộc họp còn đưa ra một mô hình tiêu biểu của nước bạn Malaysia về an toàn trong thể thao. Hoạt động này đã thu hút hàng nghìn VĐV tham gia. Malaysia đã xây dựng cả một chương trình lớn kéo dài 5 năm cho thấy mức độ an toàn trong thể thao cần được quan tâm đến như thế nào. Cụ thể, trong năm 2024, sẽ có 6 chương trình nhỏ nằm trong kế hoạch tổng thể trên. Dù chưa đưa ra cụ thể đó là những chương trình nào, nhưng Malaysia khẳng định sẽ nhắm vào các hoạt động lớn nâng cao vai trò, tính chất cấp bách của công tác an toàn trong thể thao nói riêng, Bình đẳng giới nói chung.
Chủ trì cuộc họp, phía Nhật Bản cũng nhắc tới sự kiện 8/8. Đây vốn là ngày Thể thao ASEAN, nhưng năm nay sẽ tổ chức lồng ghép nhiều chương trình, trong đó có hoạt động: Vì sự an toàn trong thể thao. BTC cũng kêu gọi Việt Nam tham gia thông qua việc gửi các hình ảnh, thông tin về các chương trình hoạt động về thể thao cho phái nữ trong thời gian qua.
Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Lê Thị Hoàng Yến cũng thống nhất sẽ tiếp tục tìm và kêu gọi nhằm xây dựng được các Chương trình hành động vì bình đẳng giới trong thể thao; các hoạt động vì quyền của VĐV nữ. Sẽ chung tay cùng các quốc gia trong khu vực trong tất cả các hoạt động.
Hoa Phượng, ảnh: V. Duy