Đầu tư trọng điểm cần phải tập trung vào: môn thể thao trọng điểm, nội dung trọng điểm và yếu tố con người

Đó là ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Cục TDTT tại buổi làm việc sáng 2/7 về "Đề án phát triển các môn Thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và ASIAD năm 2030, tầm nhìn 2045" với các phòng chuyên môn.

Cho đến nay, dự thảo của Đề án đã được các bộ môn thuộc các phòng TTTTC I, II và các đơn vị chức năng thảo luận và xây dựng. Lãnh đạo Cục cũng đã làm việc với đại diện các phòng chuyên môn nhằm  sớm hoàn thiện Đề án. Đây là một vấn đề lớn, tầm nhìn chiếc lược và phải được thực hiện cấp bách với mục tiêu hướng tới là tổng hợp được lực lượng tốt nhất tham gia vào các kỳ Đại hội lớn mà gần nhất chính là ASIAD 2026 và Olympic 2028. 

Cục trưởng Đặng Hà Việt chỉ đạo cuộc họp

Trên thực tế, chúng ta đã có Quyết định số 223/QĐ-TTg về tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng Thể thao thành tích cao đến năm 2035 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đưa vào thực hiện từ năm 2019. Theo Đề án này, Thể thao Việt Nam tập trung vào việc tìm kiếm nhân lực tốt nhất ở các môn thể thao thành tích cao, phân làm 2 nhóm để đầu tư tập huấn, gồm: tập huấn trong nước (là những VĐV đạt HCV giải Vô địch trẻ hoặc giải Vô địch quốc gia ) và tập huấn nước ngoài (là những VĐV có trình độ cấp kiện tướng hoặc dự bị kiện tướng đã đạt HCV tại 2 kỳ SEA Games, châu lục, thế giới, Olympic hoặc đạt chuẩn Olympic tùy thuộc đặc điểm từng môn). 
Khi bước sang xây dựng Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm, dù vẫn hướng tới mục tiêu tìm kiếm VĐV chất lượng đi tập huấn nước ngoài, nhưng đối tượng đề cập đến cụ thể hóa hơn rất nhiều. Đó là, chú trọng vào các VĐV trẻ, đặc biệt là VĐV đội tuyển trẻ quốc gia và những VĐV có thành tích HCB, HCĐ (tập huấn trong nước); những VĐV có khả năng phát triển trong tương lai theo đánh giá của bộ phận chuyên môn (tập huấn nước ngoài). 
Về các môn thể thao trọng điểm, ông Hoàng Quốc Vinh – Trưởng phòng TTTTC I cho rằng: ngoài các môn trọng điểm đầu tư cho Olympic đã cụ thể từ trước, chúng ta cần đưa thêm 1 số môn như: Wushu, Jujitsu, các môn bóng; các môn ASIAD thì cần đưa thêm: Esport, leo núi, thuyền buồm…Đây là một cách để chúng ta luôn có quỹ môn "dự phòng" ở từng kỳ Đại hội do từng quốc gia tổ chức.
Về nguồn lực, trong nhiều kỳ ASIAD, một số nước trong khu vực như: Thái Lan, Singapore, Indonesia đã có sự đầu tư cho lứa VĐV trẻ, cùng vói đó tạo điều kiện cho các VĐV trẻ tham gia vào các giải đấu và họ đã thành công. Việt Nam chúng ta cũng cần phải có định hướng sâu hơn về vấn đề này. Trong 3 năm gần nhất (từ 2021 đến 2023), chúng ta đầu tư sâu cho đội tuyển quốc gia, nhưng việc đầu tư tập huấn nước ngoài cho đội tuyển trẻ còn nhiều hạn chế.
Từ thực tế đó, Cục trưởng Đặng Hà Việt cho rằng: việc xây dựng Đề án cần tập trung vào 3 yếu tố: các môn trọng điểm, nội dung trọng điểm và con người (VĐV, HLV). Đây là trách nhiệm của từng bộ môn, từ đó mới định hình được nguồn lực, các tuyến đào tạo, sau đó là phổ biến tới từng địa phương cùng chung tay thực hiện. 
Về cơ sở vật chất đào tạo VĐV, hiện nay, toàn ngành thể thao đang có 4 Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia là: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ. Bên cạnh việc tiếp tục duy trì công tác đào tạo VĐV thành tích cao ở 4 Trung tâm thật tốt thì chúng ta cần phải xây dựng được Trung tâm Huấn luyện Thể thao trọng điểm, phải có thêm phòng tập thể lực – điều còn thiếu ở các Trung tâm huấn luyện hiện nay, Cục trưởng  Đặng Hà Việt góp ý thêm. 

Toàn cảnh cuộc họp

Liên quan đến kế hoạch thực hiện, lãnh đạo Cục cũng cho rằng: chúng ta cần chia công tác phát triển các môn trọng điểm thành giai đoạn cụ thể và rõ ràng hơn. Kế hoạch ngắn hạn là tới năm 2030: Theo đó, các môn, các nội dung và số lượng VĐV chất lượng cao đi tập huấn nước ngoài là những môn nào? VĐV nào? mục tiêu thành tích cụ thể ra sao?, sau đó mới đến kế hoạch lâu dài là định hướng tới năm 2045. 
Một thực tế, khi tuyển được VĐV tài năng, chúng ta đào tạo, huấn luyện như thế nào để phát huy được triệt để khả năng của họ? và Thể thao Việt Nam có đủ nguồn lực dài hơi để làm điều này không cũng là trăn trở của lãnh đạo ngành TDTT. 
Để Thể thao Việt Nam đạt được kết quả như mong đợi cần quy hoạch, xác định đối tượng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và các cơ chế, chính sách cần thiết cho thể thao thành tích cao phát triển, vươn tầm châu lục và thế giới. Vậy nên, "Đề án phát triển các môn Thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và ASIAD đến năm 2030, định hướng 2045" được ban hành và triển khai là hết sức cấp bách mang tính chất đột phá. 
Trên cơ sở những ý kiến đóng góp của các đại biểu, lãnh đạo Cục yêu cầu tổ soạn thảo nhanh chóng hoàn thiện dự thảo trước ngày 15/7/2024 để có thể trình cấp trên, từ đó triển khai Đề án càng sớm càng tốt. 

Minh Minh, Ảnh: Văn Duy

Ảnh trong bài
  • Đầu tư trọng điểm cần phải tập trung vào: môn thể thao trọng điểm, nội dung trọng điểm và yếu tố con người
  • Đầu tư trọng điểm cần phải tập trung vào: môn thể thao trọng điểm, nội dung trọng điểm và yếu tố con người