112 đại biểu dự Hội nghị tuyên dương các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín

Chiều 18/4, tại Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị tuyên dương già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc.

Hội nghị được tổ chức trong khuôn khổ “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2024 diễn ra từ 18-21/4 với sự tham gia của hơn 300 người gồm 54 thành phần dân tộc của 63, tỉnh/thành trên cả nước.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu khai mạc Hội nghị

Dự hội nghị có đại diện các Ban, Bộ, ngành Trung ương, địa phương; lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL và 112 đại biểu là các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín đại diện cho 57 địa phương và 16 đại biểu đại diện cho 16 dân tộc đang hoạt động thường xuyên tại Làng.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho biết, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam luôn là một nội dung quan trọng được Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định về vai trò to lớn của văn hóa: “Văn hóa là bản sắc dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”, đồng thời, Tổng Bí thư kêu gọi: “Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Đất nước ta với 54 dân tộc, mỗi dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam đều mang trong mình những giá trị truyền thống quý giá, đặc trưng riêng, góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu, giàu giá trị nhân văn của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Bản sắc văn hóa các dân tộc được kết tinh từ những giá trị văn hóa truyền thống được truyền từ đời này sang đời khác, là di sản quý giá không chỉ của riêng một vùng đất, con người hay địa phương, mà còn là tài sản vô giá của quốc gia. Sinh thời Bác Hồ đã từng nói “Mỗi dân tộc là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một vườn hoa đẹp”. Chính vì lẽ đó, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm và nhất quán khẳng định: Văn hoá các dân tộc thiểu số là một bộ phận quan trọng trong nền văn hoá Việt Nam. Việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc là nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng, phát triển đất nước, trong đó các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín của các dân tộc thiểu số chính là những hạt nhân đóng một vai trò quan trọng trong việc vận động, trao truyền cho con em mình, đồng bào mình bảo tồn kho tàng văn hóa quý báu của dân tộc.

Để tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vị trí, vai trò và trách nhiệm của những người giữ lửa cho văn hóa truyền thống của dân tộc, Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị tuyên dương các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.  Đây là dịp để tôn vinh các giá trị văn hóa, di sản vô cùng quý báu của dân tộc; tôn vinh, biểu dương sự đóng góp của các chủ thể văn hoá đang gìn giữ, phát huy, lan toả và truyền dạy kiến thức văn hóa truyền thống, văn nghệ dân gian từ thế hệ này sang thế hệ khác; những người gắn kết cộng đồng giữ lửa ở các bản, buôn, làng, phum sóc, trao truyền cho thế hệ tương lai của đất nước. Đó chính là các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được lựa chọn từ các địa phương, trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Hội nghị được tổ chức vào chiều ngày 18/4, tại Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam

Thứ trưởng bày tỏ mong muốn thông qua Hội nghị này nhận được nhiều ý kiến góp ý, đề xuất các giải pháp thiết thực, phù hợp với dân tộc mình của các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để các giá trị văn hóa của đồng bào được bảo tồn, phát huy, góp phần trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến góp ý, kiến nghị từ phía đại biểu tham dự như: đề xuất giữ gìn những nét đẹp trong đời sống văn hóa của đồng bào Sán Dìu cần chú trọng đến phát triển du lịch cộng đồng kết hợp phát triển du lịch văn hoá tâm linh, sinh thái. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí cho các xã vùng đồng bào các dân tộc, xây dựng các trung tâm bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc Sán Dìu…; Cần có thêm chính sách đãi ngộ, khuyến khích về tinh thần và vật chất đối với các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín, cán bộ làm công tác văn hoá ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào các dân tộc. Nhờ đó, khơi dậy khả năng sáng tạo của từng cá nhân; Cần sớm có hướng dẫn cụ thể về biện pháp quản lý, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá trong các lễ hội truyền thống, phong tục, tập quán, ẩm thực của người Ê đê nói riêng và các dân tộc Việt Nam nói chúng hay cần tăng cường tiến hành điều tra, khảo sát, phân loại các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống để triển khai các giải pháp bảo tồn, phục dựng, phát huy giá trị cụ thể…..

Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là sự kiện thường niên do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhằm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số. Là dịp để đồng bào các dân tộc được gặp gỡ, giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc. Qua đó, góp phần bảo tồn, gìn giữ, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc nhằm thắt chặt tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc, xây dựng và phát triển đời sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ.

Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024 có sự tham gia hơn 300 đồng bào các dân tộc đến từ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, khoảng hơn 100 đồng bào của 16 dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là: Dân tộc Tày, Nùng (Thái Nguyên); dân tộc Dao (TP. Hà Nội); dân tộc Mông (Hà Giang); dân tộc Mường (Hòa Bình); dân tộc Lào, Khơ Mú, Thái (Sơn La); dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế); dân tộc Ba Na, Gia Rai (Gia Lai); dân tộc Xơ Đăng (Kon Tum); dân tộc Raglai (Ninh Thuận); dân tộc Ê Đê (Đắk Lắk); dân tộc Khmer (Sóc Trăng) và hơn 100 người: 40 người dân tộc Hoa, Khmer, Kinh (tỉnh Sóc Trăng); 35 người dân tộc Dao (tỉnh Thanh Hóa); 30 người dân tộc Ê Đê (tỉnh Đắk Lắk). Mang đến cho nhân dân, du khách cơ hội được tìm hiểu, trải nghiệm, thụ hưởng những giá trị văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc Việt Nam; thông qua đó, nâng cao nhận thức, lòng tự hào, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

A.T, ảnh bvh

Ảnh trong bài
  • 112 đại biểu dự Hội nghị tuyên dương các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín
  • 112 đại biểu dự Hội nghị tuyên dương các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín