Dưới thời kỳ Đệ Nhất Cộng hòa do Ngô Đình Diệm lãnh đạo, mọi hoạt động của phong trào thể dục thể thao đều nằm dưới sự chỉ đạo của chính quyền, phong trào thể dục thể thao quần chúng cũng không phát triển mạnh, học sinh sinh viên chơi thể thao một cách miễn cưỡng, bắt buộc bởi không có sự đầu tư, đào tạo để nâng cao thành tích. Chính quyền chỉ lấy thể dục thể thao làm mục đích chính trị nhiều hơn là cổ vũ để phong trào phát triển nhanh theo đà tiến triển trong khu vực và châu lục.
Dưới thời kỳ Đệ Nhị Cộng hòa do Nguyễn Văn Thiệu lãnh đạo, phong trào thể dục thể thao có nhiều đổi mới, một phần nhờ vào sự giúp đỡ từ bên ngoài về nhân sự lẫn tài chính, từng bước nâng cao thành tích VĐV, tạo được nhiều tiếng vang trên thao trường khu vực và châu lục. Chính quyền chú trọng nhiều đến thành tích quốc tế, tổ chức các cuộc so tài có sự góp mặt của nhiều đội thể thao nước ngoài nhằm tạo thêm uy thế cho chính quyền mà lãng quên việc phát triển phong trào ở các địa phương, vì vậy quần chúng nhân dân ít tham gia tập luyện, kể cả học sinh, sinh viên cũng vắng bóng trên các thao trường.
Từ thực tế trên cùng với mốt số yếu tố khác như Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời (12/1960) và cuộc đồng khởi Bến Tre thành công, Vùng Giải phóng ngày càng mở rộng, theo sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, để đáp ứng yêu cầu cung cấp nhân tài, vật lực cho miền Nam, cán bộ các ngành, các địa phương đã nhanh chóng hình thành tổ chức chuyên trách công tác miền Nam với nhiệm vụ chủ yếu là: nắm lại toàn bộ số cán bộ thể dục thể thao quê ở miền Nam đã được đào tạo bậc đại học, sau đại học thể dục thể thao ở trong nước và nước ngoài; xây dựng một số đội đại biểu về một số môn thể thao thành tích cao để làm nhiệm vụ đối ngoại của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cọng hòa miền Nam Việt Nam; Tiến hành cử cán bộ khảo sát tình hình và đến công tác ở vùng mới giải phóng để góp phần vào việc ổn định đời sống văn hóa - xã hội cho cán bộ và nhân dân vùng mới giải phóng; Kịp thời góp phần hoạt động tích cực trước những diễn biến trên chiến trường và sẵn sàng lực lượng tiếp quản thể dục thể thao miền Nam Việt Nam.
Để triển khai các nhiệm vụ nêu trên, ông Lê Đức Chỉnh - Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT đã ban hành Quyết định số 16/TC ngày 11/02/1974 về việc thành lập tổ Cán bộ thể dục thể thao đầu tiên công tác ở chiến trường miền Nam gồm các đồng chí: Lê Thì, Mai Văn Muôn và Bùi Quang Bảnh. Tổ công tác được rèn luyện, chuẩn bị mọi mặt để hành quên theo đường Trường Sơn vào làm việc tại Lộc Ninh trong Vùng Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Nhiệm vụ đặt ra đối với các thành viên trong tổ là đặt mối quan hệ công việc chặt chẽ giữa Tổng cục Thể dục thể thao với bộ phận thể dục thể thao của Ban Thống nhất Trung ương ở miền Bắc cũng như ở Chiến khu miền Nam; Hỗ trợ về mặt đối ngoại đối với các đội thể thao của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; Nêu rõ những yêu cầu thiết thực để Tổng cục Thể dục thể thao hỗ trợ về cơ sở vật chất, tinh thần cho đồng bào, cán bộ kháng chiến Vùng Giải phóng; Đề xuất những phương thức thích hợp thông qua hoat động thể dục thể thao để góp phần vào cuộc đấu tranh ngoại giao, chính trị, với mục tiêu góp phần hỗ trợ cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam; Chuẩn bị phương án để tiếp quản các cơ sở thể dục thể thao ở miền Nam sau ngày giải phóng.
Lãnh đạo chỉ đạo công tác thể dục thể thao tại Vùng Giải phóng, ông Phan Minh Tánh, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng miền Nam yêu cầu: xây dựng chương trình công tác, phát động phong trào thể dục thể thao ở các Vùng Giải phóng, tổ chức các cuộc thi đấu giữa các đơn vị tập trung vào các môn Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông; Mở lớp huấn luyện thể dục thể thao ngắn ngày, hướng dẫn một số vấn đề cơ bản của thể dục thể thao; Nghiên cứu kế hoạch hoạt động thể dục thể thao trong những ngày lễ ở Vùng Giải phóng; Hình thức hoạt động thể dục thể thao thích hợp với vùng giáp giới để lôi kéo thanh niên trốn lính của chính quyền Sài Gòn.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, tổ Cán bộ thể dục thể thao xem xét tình hình thực tiễn, nhận thấy hoạt động thể dục thể thao Vùng giải phóng miền Nam là nơi chiến tranh ác liệt, đời sống nhân dân gian khổ và cán bộ thiếu thốn, không gian hẹp, thời gian ngắn vì chiến thắng gần kề và trong điều kiện phức tạp, vùng có chiến sự xen với vùng mới giải phóng, tất cả tập trung cho phục vụ giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, tiến hành một số hoạt động như: mở lớp thể dục thể thao lưu động ở các cơ quan; Tổ chức các hoạt động thể dục thể thao cho xã Tân Lập, huyện Tân Biên là nơi tập trung các cơ quan xung quanh Trung ương Cục miền Nam, nên việc đưa các hoạt động thể dục thể thao vào cuộc sống đã được mọi người hưởng ứng nhiệt liệt; Tổ chức Ngày hội Thể dục thể thao Vùng Giải phóng, chủ yếu ở Lộc Minh và vùng Tân Biên tạo không khí vui tươi, sinh hoạt xã hội, thu hút cán bộ, chiến sĩ tham gia, góp phần nâng cao tinh thần chiến đấu giải phóng miền Nam; Tổ chức các hoạt động thể dục thể thao vùng cửa khẩu Trại Bí, núi Bà Đen nhằm tuyên truyền lôi kéo thanh niên vào vùng Giải phóng để trốn lính.
Có thể thấy, thể dục thể thao miền Nam 1954 - 1975 đã đóng vai trò cần thiết cho đời sống xã hội của nhân dân Vùng Giải phóng, góp phần vào việc giáo dục đào tạo và giành dân, nhất là lực lượng thanh niên trốn lính. Bên cạnh đó hoạt động thể dục thể thao có ý nghĩa quan trọng trong việc sát cánh cùng với miền Bắc xã hội chủ nghĩa đấu tranh và tranh thủ sự ủng hộ của các nước trên thế giới về mặt ngoại giao.
Công tác thể dục thể thao trong không gian Vùng Giải phóng hẹp, thời gian ngắn, chiến tranh ác liệt, những được sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Tổng cục Thể dục thể thao khi thành lập tổ Cán bộ thể dục thể thao và cử cán bộ thể dục thể thao vào miền Nam với ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo tại chiến trường, hoạt động thể dục thể thao góp phần phục vụ nhu cầu nhân dân, cán bộ cơ quan Vùng Giải phóng. Trong hoàn cảnh khó khăn phức tạp lúc mới giải phóng, do biết tận dụng sự ủng hộ của nhân dân, quân đội, trước hết là thanh niên và lực lượng thể dục thể thao vùng mới giải phóng nên đã tổ chức được các hoạt động thể dục thể thao có ý nghĩa chính trị và văn hóa thiết thực.
A.T