78 năm ngày truyền thống TDTT Việt Nam - kỳ 2: giai đoạn 1954 - 1975: nét độc đáo của nền thể dục thể thao miền Bắc Việt Nam

Từ sau năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng bắt đầu chuyển sang thời kỳ khôi phục kinh tế và quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Cải tạo nền thể dục thể thao cũ, xây dựng nền thể dục thể thao mới được coi là một bộ phận của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa về văn hóa ở miền Bắc nước ta. Công cuộc xây dựng nền thể dục thể thao mới với rất nhiều khó khăn, thử thách như đất nước ta còn bị chia cắt làm hai miền, miền Bắc nước ta bước vào giai đoạn vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh và tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, thuận lợi và khó khăn đan xen nhau.

Trước những khó khăn đó, ngày 2/10/1958, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 206-CT/TW "về công tác thể dục thể thao", yêu cầu các cấp ủy Đảng đặt nhiệm vụ lãnh đạo công tác thể dục thể thao thành nhiệm vụ thường xuyên, phân công người có năng lực để trực tiếp phụ trách, kiện toàn Ban Thể dục Thể thao Trung ương và các cấp khu, tỉnh; mở trường đào tạo cán bộ và chọn cán bộ, vận động viên đi học dài hạn ở các nước anh em.

Cũng trong thời kỳ 1954 - 1975, để xây dựng các nền tảng cơ bản phát triển thể dục thể thao, các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước và của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thể dục thể thao, hình thành từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đã được bổ sung, hoàn thiện, biến thành thực tế sinh động, trở thành tài sản tinh thần vô giá của sự nghiệp thể dục thể thao của nước ta.

Trong đó nổi bật là Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng. Đây được coi là văn kiện quan trọng định hướng cho công tác thể dục thể thao ở miền Bắc nước ta. Bên cạnh đó còn có Nghị định số 109/CP ban hành Điều lệ về "Chế độ phân cấp VĐV" và Điều lệ về "Chế độ phân cấp trọng tài" áp dụng trong ngành thể dục thể thao; Nghị định của HĐCP số 110/CP ban hành điều lệ tạm thời về "Chế độ rèn luyện thân thể theo tiêu chuẩn",  Chỉ thị số 38-CT/TW về "tăng cường công tác thể thao quốc phòng", Chỉ thị số 05-TTg/VG "về việc tăng cường lãnh đạo công tác thể dục thể thao trong tình hình mới", Chỉ thị số 180-CT/TW "về tăng cường lãnh đạo công tác thể dục thể thao trong những năm mới"  hay Chỉ thị số 187/TTg "về việc chuyển hướng công tác thể dục thể thao trong tình hình mới".

Các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước và của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thể dục thể thao giai đoạn này đã khẳng định rõ tầm quan trọng của công tác thể dục thể thao trong sự nghiệp cách mạng nói chung, đồng thời đòi hỏi công tác thể dục thể thao phải vì mục tiêu sức khỏe, phục vụ đời sống, quốc phòng xây dựng con người mới, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong giai đoạn này, nhiệm vụ đặt ra đối với thể dục thể thao quần chúng là cải biến nền thể dục thể thao của chế độ cũ, từng bước xây dựng và phát triển nền thể dục thể thao của quảng đại quần chúng, nhằm mục tiêu khôi phục và nâng cao sức khỏe của nhân dân, phục vụ sản xuất, học tập, quốc phòng và đấu tranh thống nhất nước nhà. Các hoạt động thể dục thể thao đầu tiên ở miền Bắc sau năm 1954 chủ yếu do Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam tổ chức, chỉ đạo. Đã có nhiều hoạt động thể dục thể thao được tổ chức để hướng ứng các sự kiện chính trị.

Năm 1957, Chính phủ đã quyết định tổ chức Cuộc vận động rèn luyện thân thể mùa Xuân trên toàn miền Bắc. Tiếp theo cuộc vận động Mùa Xuân có tính chất phát động, cuộc vận động Thu Đông nhằm nâng cao số lượng và chất lượng phong trào với nhiều sự kiện thể thao đáng ghi nhớ. Tháng 10/1958, Ban Thể dục thể thao Trung ương tổ chức Hội nghị Cán bộ Thể dục thể thao toàn miền Bắc, để thảo luận việc thực hiện Chỉ thị 106-CT/TW, ngày 2/10/1958, của Ban Bí thư, mà nội dung chủ yếu là phát động cuộc vận động rèn luyện thân thể Thu - Đông - Xuân 1958 - 1959.

Trong năm 1958 đã có một số sự kiện thể dục thể thao diễn ra lần đầu tiên và trở thành hoạt động mang tính truyền thống của phong trào thể dục thể thao nước ta như: Cuộc thu chạy Việt dã "Báo Tiền phong", cuộc thi đi bộ thể thao giải "Báo Thể dục thể thao" hay thi Điền kinh toàn miền Bắc, Cuộc thi Bơi vượt sông Hồng. Năm 1959 có nhiều sự kiện thể dục thể thao đáng ghi nhớ như: Đại hội Thể dục thể thao toàn quân với sự tham gia của hàng vạn chiến sĩ và dân quân tự vệ, góp phần thúc đẩy phong trào thể dục thể thao trong thanh thiếu niên. Nhìn chung, đến năm 1959, phong trào thể dục thể thao đã phát triển khá rộng nhất là trong học sinh và quân đội.

Từ sau năm 1960, phong trào thể dục, vệ sinh phát triển khá rầm rộ và có hiệu quả thiết thực, sâu sắc, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, tạo nên nét độc đáo, sáng tạo của nền thể dục thể thao Việt Nam. Nhờ có phong trào thể dục, vệ sinh nhiều nơi ở nông thôn đã thoát được cảnh bùn lầy, nước đọng, nhiều tập quán có hại cho sức khỏe cũng đã dần bị xóa bỏ. Phong trào thể dục, vệ sinh đã trở thành điểm tựa để phát triển thể dục thể thao trong trường học và từng bước đưa thể dục thể thao đến các vùng nông thôn, miền núi, góp phần xây dựng thói quen và nếp sống lành mạnh trong đông đảo nhân dân.

Ra đời từ tinh thần yêu nước, truyền thống thượng võ của dân tộc, từ thực tiễn sản xuất, chiến đấu chống Mỹ cứu nước của nhân đân ta, phong trào 5 môn chạy, nhảy, bơi, bắn, võ đã trở thành một trong những nội dung của cuộc vận động "Ba sẵn sàng" trong thanh niên, góp phần đáng kể tạo nên khí thế hào hùng của nhân dân ta trong những năm chống Mỹ.

Về phát triển thể thao thành tích cao giai đoạn này, đào tạo VĐV, nâng cao thành tích thể thao là một nhiệm vụ quan trọng đã được xác định trong nhiều văn kiện của Đảng và Nhà nước. Từ các năm 1955 - 1956, ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Thanh Hóa và một số tỉnh đã hình thành các lớp thể thao nghiệp dư của thanh niên về các môn Bóng bàn, Điền kinh, Bơi, chủ yếu là do những người yêu thích thể thao tự nguyện tổ chức. Năm 1958, các lớp đào tạo VĐV nghiệp dư đầu tiên do Ủy ban Thể dục thể thao tổ chức đã được hình thành tại Câu lạc bộ Ba Đình, Hà nội với 556 em được đào tạo trong hai lớp Bơi và Bóng bàn. Tháng 4/1958, VĐV trẻ xuất sắc về một số môn như Bơi, Điền kinh, Bóng chuyền, Thể dục dụng cụ... đã được tuyển chọn để tập trung huấn luyện với sự giúp đỡ của một số HLV Liên Xô với mục tiêu ban đầu là nhanh chóng vượt qua các kỷ lục Đông Dương cũ.

Cuối năm 1959 đã có một số thành tích đáng kể như: Bóng chuyền nam, nữ thắng hai đội tuyển nam, nữ Mông Cổ. Ở môn Bơi, các VĐV Nguyễn Văn Trọng, Mai Hồng Hà, Phan Mạnh Hòa... liên tiếp phá kỷ lục Đông Dương cũ. Từ năm 1960, công tác đào tạo VĐV, nâng cao thành tích các môn thể thao được chú trọng nhiều hơn. Trong hai năm 1961 - 1962, thành tích thể thao tiến bộ rõ rệt, 8 kỷ lục Bắn súng, 15 kỷ lục Bơi, gần 30 kỷ lục Điền kinh được xác lập trong đó có một số thành tích xuất sắc như Trần Oanh Bắn súng ổ quay 587 điểm vượt kỷ lục thế giới, Đổng Quốc Cường Bơi 100m ếch với thành tích 1'13,8'' - thành tích cao nhất Đông Nam Á. Từ năm 1967, công tác đào tạo VĐV được tăng cường ở các địa phương trọng điểm, lực lượng VĐV xuất sắc tạo điều kiện thuận lợi hơn để tập luyện, nhiều VĐV trẻ được tuyển chọn chuẩn bị cho lâu dài. Nhìn chung, trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, công tác đào tạo VĐV, nâng cao thành tích các môn thể thao ở miền Bắc từ 1954 đến 1975 đã được duy trì và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Có thể thấy, phong trào thể dục thể thao được hình thành và phát triển thời kỳ này đã được thực sự bắt nguồn từ thực tiễn và yêu cầu của đất nước. Đó là nền thể thao vì sức khỏe và hạnh phúc của nhân dân, góp phần xây dựng con người mới, đời sống văn hóa mới, phục vụ đắc lực cho sản xuất và chiến đấu, xây dựng và bảo vệ miền Bắc, chi viện cho miền Nam.

Ngay trong hai năm đầu tiên 1954 - 1956, miền Bắc đã khôi phục và phát triển các hoạt động thể dục thể thao quần chúng khá sôi nổi, trong hai năm tiếp theo 1957 - 1958 phong trào đã được mở rộng nhanh chóng. Đến những năm 1959, 1960, các VĐV trẻ của Việt Nam đã vượt qua được hầu hết các kỷ lục thể thao của Đông Dương trước 1954.

Bên cạnh những thành tựu đạt được trong lĩnh vực thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao, việc hình thành hệ thống tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ và các điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật thể dục thể thao trong thời kỳ này đã đặt nền tảng cơ bản cho sự phát triển của nền thể dục thể thao nước ta trong các thời kỳ tiếp theo.

Từ năm 1954 - 1975 đã hình thành được các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học, đào tạo được hàng vạn cán bộ có trình độ trung học và đại học, hàng trăm cán bộ có trình độ trên đại học. Đây được coi là vốn quý để tiếp tục xây dựng và phát triển sự nghiệp thể dục thể thao trên cả đất nước kể từ sau 1975. Công tác thể dục thể thao thời kỳ 1954 - 1975 cũng đã góp phần đáng kể phục vụ đường lối đối ngoại của Đảng và Chính phủ. Các quan hệ quốc tế về thể dục thể thao ở miền Bắc đã bám sát và phục vụ các nhiệm vụ đối ngoại của Đảng và Nhà nước, thắt chặt quan hệ Việt Nam - Lào - Campuchia; đoàn kết hợp tác với các nước Á, Phi, Mỹ La tinh, đoàn kết tranh thủ sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa.

A.T 

Ảnh trong bài
  • 78 năm ngày truyền thống TDTT Việt Nam - kỳ 2: giai đoạn 1954 - 1975: nét độc đáo của nền thể dục thể thao miền Bắc Việt Nam