Có được thành quả hôm nay, cần nhìn lại lịch sử để thấy được tiến trình phát triển của thể dục thể thao ở Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp cách mạng và giải phóng đất nước trong suốt 78 năm qua, tạo nên một nền thể dục thể thao của nhà nước Việt Nam hiện đại đang không ngừng hội nhập, học hỏi và thi đua với nền thể thao của các nước trên thế giới.
Trong giai đoạn thời kỳ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã khai sinh ra nền thể dục thể thao của chế độ mới. Theo đó, những người bắt tay xây dựng sự nghiệp thể dục thể thao cách mạng thời kỳ 1945 - 1946 đã sớm nắm bắt những thuận lợi phát huy nhân tố tích cực của nền thể dục thể thao cũ để lại, từng bước tạo lập những cơ sở đầu tiên về tổ chức và hoạt động của nền thể dục thể thao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Thể dục thể thao trong chế độ cũ trước hết chỉ là hoạt động của một số ít người. Các hoạt động thể thao thực sự chỉ có bề nổi, những cuộc tranh tài thể thao có sức hấp dẫn khá lớn nhưng người tập và thi thì ít, người xem thì nhiều, thích xem mà không ưa tập luyện. Thế nhưng bên cạnh các hạn chế đó, những người làm công tác thể thao cách mạng đã nhận ra những nhân tố tích cực như: nhiều cán bộ, danh thủ trong giới thể dục thể thao của chế độ cũ đã giác ngộ cách mạng, yêu nước, hăng hái tham gia xây dựng nền thể dục thể thao của chế độ mới; Những kỹ thuật, phương pháp, kinh nghiệm tổ chức tập luyện có thể khai thác, nghiên cứu để thu hút đông đảo quần chúng tham gia; Cơ sở thể dục thể thao như sân vận động, bể bơi sẵn có từ Bắc chí Nam hay nền nếp tập luyện, thi đấu thể dục thể thao đã bước đầu được gây dựng trong một bộ phận thanh niên, học sinh, viên chức và dân cư ở các đô thị.
Ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra nhiệm vụ sớm xây dựng và phát triển nền thể dục thể thao của chế độ mới để góp phần bồi bổ sức khỏe của nhân dân, cải tạo nòi giống. Trước hết là việc thành lập cơ quan lãnh đạo về thể dục thể thao của quốc gia. Ngày 30/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt chính phủ Liên hiệp Lâm thời ký Sắc lệnh số 14 thiết lập tại Bộ Thanh niên một Nha Thể dục Trung ương. Sắc lệnh số 14 là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao, khai sinh nền thể dục thể thao của chế độ mới, thời kỳ hình thành, xây dựng và phát triển nền thể dục thể thao cách mạng, thực sự của dân, do dân và vì dân trong chế độ mới.
Do chính phủ Liên hiệp Kháng chiến sắp xếp lại tổ chức và nhân sự cho phù hợp với điều kiện và yêu cầu mới trong đó có tổ chức của ngành thể dục thể thao, ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt chính phủ mới ký Sắc lệnh số 38 về việc thiết lập trong Bộ Quốc gia Giáo dục một Nha Thanh niên và Thể dục gồm Phòng Thanh niên Trung ương và Phòng Thể dục Trung ương. Cũng trong ngày này, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn trực tiếp động viên toàn dân tập thể dục. Lời hô hào đồng bào tập thể dục thiết tha, đầy lòng yêu nước thương nòi và tính nhân văn cao của Người đã đặt cơ sở quan điểm, tư tưởng soi sáng vị trí công tác thể dục thể thao trong sự nghiệp cách mạng. Lời hô hào có sức mạnh định hướng, dẫn dắt và cổ vũ xuyên thời gian. (Với sự kiện có ý nghĩa lịch sử và truyền thống đó, sau này từ năm 1991, ngày 27/3 hàng năm được Nhà nước lấy làm "Ngày Thể thao Việt Nam").
Thi hành Sắc lệnh số 14, xác định nhiệm vụ, hoạt động, tổ chức của nha Thể dục trung ương gồm: gây trong nước một phong trào ham thích thể dục, tăng bổ sức khỏe của đại chúng; cải tạo nòi giống thật mạnh bằng cách thực hành một chương trình thể dục riêng và một phương pháp thể dục Việt Nam, áp dụng phù hợp với hoàn cảnh kinh tế và xã hội. Ở Bắc và Trung Bộ từ tháng 3 đến tháng 12/1946, có hơn 20 tỉnh thành phố thành lập bộ khung cơ quan thể dục thể thao cấp tỉnh, thành (Ban, Ty, Phòng) và một số tỉnh có cơ quan thể dục thể thao cấp huyện. Trong việc xây dựng tổ chức và quản lý, điều hành thể dục thể thao, các Hội nghị về thể dục thể thao thể hiện việc tập hợp lực lượng và đội ngũ, tập trung trí tuệ, tạo sự thống nhất trong toàn ngành.
Trong vòng 10 tháng (từ tháng 1 đến tháng 11), Bộ chủ quản và các Bộ hữu quan đã ban hành hơn 10 Nghị định về nhiệm vụ, tổ chức - nhân sự cơ quan thể dục thể thao trung ương, Hà Nội và các địa phương, quy định ngân sách dành cho thể dục thể thao ... Ngoài ra, cấp Bộ, Nha cũng đã ra nhiều Thông tư, Sự vụ lệnh, Thông báo... về tổ chức điều hành và hoạt động thể dục thể thao. Những văn bản này đặt cơ sở pháp lý về quản lý nhà nước thời kỳ đầu xây dựng nền thể dục thể thao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong vòng 8 tháng (từ tháng 8 đến tháng 11), đã tổ chức 3 khóa học chính thức và một khóa tu nghiêp, với đội ngũ huấn luyện viên và học viên đầy nhiệt huyết, trường Cán bộ Thể dục thể thao Việt nam đã đào tạo và đào tạo lại gần 200 cán bộ có trình độ trung cấp thể dục thể thao. Ở các địa phương, 24 lớp Thể dục - Quân sự phổ thông đã cung cấp cho phong trào "Khỏe vì nước", 24000 cán bộ sơ cấp thể dục thể thao mà Nha Thanh niên và Thể dục đánh giá là những cán bộ chuyên môn thể dục thể thao có thân hình khỏe mạnh, biết điều khiển công cuộc phổ thông thể dục, và trọng kỷ luật, có tinh thần yêu nước, thiết tha với nền độc lập và dân chủ để kiến thiết và bảo vệ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Như vậy có thể thấy, Thể dục thể thao thời kỳ Cách mạng tháng Tám năm 1945 (1945 - 1946) tuy rất ngắn nhưng có ý nghĩa đặc biệt với những bài học sâu sắc, mở ra một giai đoạn mới của lịch sử thể dục thể thao Việt Nam theo đường lối của Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Những khó khăn, hạn chế và nhược điểm của công tác thể dục thể thao giai đoạn này là do thực dân Pháp mở rộng chiến tranh xâm lược Nam Bộ và Nam Trung Bộ nên vùng có chiến sự việc xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân cũng như tiến hành các hoạt động gặp nhiều khó khăn. Thời gian thành lập tổ chức và hoạt động của ngành thể dục thể thao quá ngắn đã phải bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc. Trình độ cán bộ, huấn luyện viên, hướng dẫn viên còn hạn chế.
Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn đó, việc nền thể dục thể thao nước nhà mới được hình thành trong lòng cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ và cuộc kháng chiến của toàn dân chống thực dân Pháp xâm lược đã sớm có được những điểm xuất phát đúng đắn đó là: về định hướng, quan điểm thể dục thể thao phục vụ sức khỏe và cải tạo nòi giống dân tộc Việt Nam. Về chính sách tập hợp, đoàn kết các lực lượng cũ và mới để xây dựng hệ thống tổ chức, đào tạo cán bộ, huấn luyện viên, hướng dẫn viên. Về vận động quần chúng, tổ chức phong trào "Khỏe vì nước" phát triển rộng rãi.Và tất cả đều tập trung vào nhiệm vụ "Kiến quốc và cứu quốc".
Nhìn chung những công việc đã làm được đều là những thành quả quý giá với những bài học có ý nghĩa sâu sắc trong thời kỳ mở đầu xây dựng nền thể dục thể thao mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
A.T