Trên thực tế, thể thao đã cho thấy là một trong những nền tảng tuyệt vời để thúc đẩy bình đẳng giới. Trong những năm qua, quan điểm về phụ nữ theo con đường thể thao chuyên nghiệp đã dần có sự thay đổi theo hướng tích cực. Các VĐV nữ đã tham gia tập luyện và thi đấu hầu hết các môn thể thao, thậm chí trước đây được coi là dành riêng cho nam VĐV. Và để có được thành tích đòi hỏi các VĐV nữ phải có sự nỗ lực, hy sinh cao hơn rất nhiều so với các VĐV nam.
Hiện nay, phụ nữ Việt Nam nói riêng và phụ nữ phương Đông nói chung không còn đơn thuần giữ vai trò “nội trợ”, “giữ lửa” trong gia đình mà họ đã khẳng định được vai trò, vị trí và khả năng của mình ở tất cả các lĩnh vực trong xã hội.
Kết quả đạt được của bình đẩng giới trong lĩnh vực TDTT ở Việt Nam đã nhận được sự đánh giá cao từ Ban thư kí ASEAN
Ở lĩnh vực thể thao, phụ nữ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp phát triển TDTT Việt Nam. Thực tế cho thấy, trong bảng Vàng thành tích của Thể thao Việt Nam (TTVN) tại các đấu trường thể thao quốc tế lớn có sự đóng góp không nhỏ của các nữ VĐV, HLV. Đơn cử như nữ võ sĩ Trần Hiếu Ngân (môn Taekwondo) - VĐV Việt Nam đầu tiên giành HCB tại Thế vận hội Olympic Sydney 2000. Hay sau này là những gương mặt nữ VĐV trẻ tài năng như: Nguyễn Thị Ánh Viên (Bơi), Lê Tú Chinh (Điền kinh), Dương Thúy Vi (Wushu), các tuyển thủ của đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam – những cô gái đã mang về tấm huy chương danh giá cho TTVN ở các kỳ Đại hội Thể thao quốc lớn như Asian Games, SEA Games, góp phần nâng tầm thể thao nước nhà trên trường quốc tế.
Sự nỗ lực, ý chí, quyết tâm vươn lên đã mang lại thành tích cho phụ nữ, kể cả thể thao phong trào và thể thao thành tích cao. Đây là kết quả của chính sách thể thao “đi tắt đón đầu”, lấy nữ làm chủ công. Các nhà thể thao lão luyện có cái nhìn tinh tường, sáng suốt đã tìm ra thế mạnh để Việt Nam có thể đi nhanh hơn, giành thành tích cao trong nguồn lực có hạn. Điều này được áp dụng vào những môn, nội dung thi đấu mà nữ VĐV Việt Nam có thể dễ dàng giành thành tích cao hơn nam.
Ở Việt Nam, chính sách phát triển thể thao giữa nam và nữ là như nhau, không có phân biệt. Trong những năm qua, bên cạnh các chính sách về lương thưởng, đãi ngộ bình đẳng, ngành TDTT đã có nhiều kế hoạch khuyến khích về truyền thông, xã hội hóa để các nữ VĐV có thu nhập tương xứng với sự cống hiến. Từ đó, giúp xóa bỏ bất bình đẳng giới trong thể thao cũng như giúp các VĐV nữ có thể chuyên tâm tập luyện.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội cũng đang vào cuộc với nhiều chương trình tài trợ hay liên kết tạo việc làm cho nữ VĐV sau khi giải nghệ. Đây là những chương trình được thiết kế bài bản, ổn định góp phần đưa thể thao trở thành một trong những yếu tố cốt yếu để tạo ra bình đẳng giới toàn diện.
Để bình đẳng giới trong thể thao đạt được những kết quả khả quan hơn trong tương lai, ngành TDTT cũng đã đưa ra một số giải pháp như: Phát triển nguồn nhân lực để tăng cường hơn nữa các cơ hội thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ tại Cục/Hiệp hội/Liên đoàn Thể thao Quốc gia; Đẩy mạnh truyền thông tập trung vào các VĐV/HLV nữ; Tăng số lượng các môn thể thao và sự kiện dành cho nữ tại các hoạt động thể thao/sự kiện quốc tế (SEA Games, ASIAD, Giải vô địch thế giới).
Các cơ quan, tổ chức liên quan đến thể thao tăng cường triển khai các chương trình tập luyện, thể thao và hoạt động thể chất cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái như tạo sân chơi thể thao, tổ chức hội thảo và tăng cường thông tin, truyền thông về các vấn đề dựa trên giới trong và thông qua các môn thể thao; Phụ nữ tham gia bình đẳng không thiên vị trên các phương tiện truyền thông thể thao và phát huy các hình mẫu tích cực; Xây dựng hệ thống phân tích, đánh giá và báo cáo thường niên tập trung vào vấn đề bình đẳng giới trong và thông qua thể thao.
Cách tiếp cận các nguyên tắc chính trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trong thể thao và các vấn đề ưu tiên cần giải quyết sẽ là chìa khóa quan trọng nhất sẽ mang đến thành công trong hành trình bình đẳng giới trong những năm tới.
A.T, ảnh Quý Lượng