Tháng 11/2003, Việt Nam đã tham gia vào Công ước Copenhagen về phòng chống doping do Tổ chức Phòng chống doping thế giới khởi xướng. Năm 2004, Công ước này có hiệu lực thi hành. Năm 2006, Uỷ ban Olympic thế giới đưa ra một tiêu chí mới với những quốc gia muốn giành quyền đăng cai các đại hội thể thao tầm cỡ châu lục và thế giới là phải tham gia vào Công ước của UNESCO về chống doping trong thể thao. Sau một thời gian chuẩn bị kỹ càng, năm 2009, Việt Nam đã chính thức tham gia vào việc thực hiện Công ước này như một cam kết đầy sức thuyết phục về quyết tâm phòng chống doping trong các hoạt động TDTT. Điều này cũng đã mở ra cơ hội với Việt Nam trong việc tham gia giành quyền đăng cai những sự kiện thể thao lớn của thế giới và châu lục. Việc tham gia vào Công ước này cũng mang đến nhiều lợi thế cho công tác phòng chống doping trong các hoạt động TDTT ở Việt Nam. Đó là việc sẽ được UNESCO hỗ trợ các chương trình giáo dục kiến thức về phòng chống doping trong thể thao.
Việt Nam luôn thể hiện rõ sự tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc chống doping của Cơ quan chống doping thế giới. Điều này được thể hiện qua kết quả đạt được trong những năm gần đây, Việt Nam ngày càng tích cực tham gia các sự kiện, cuộc họp thường kỳ của tổ chức doing thế giới và khu vực nhằm cập nhật tình hình, tiêu chí, quy định trong công tác phòng chống doping. Tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về luật và quy tắc phòng chống doping của Cơ quan chống doping thế giới đến tất cả các cán bộ, HLV, VĐV. Hàng năm, Việt Nam đều tổ chức tập huấn, tuyên truyền phổ biến về quy tắc của Cơ quan chống doping thế giới.
Nhấn mạnh quan điểm tuân thủ các quy định của Cơ quan chống doping thế giới là đặc biệt cần thiết, Việt Nam đang tiến hành sửa đổi Thông tư quy định về phòng chống doping với sự sự hỗ trợ, chia sẻ ý kiến của Cơ quan chống doping thế giới.
Công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống doping đã đạt được những kết quả cụ thể như: ký Biên bản ghi nhớ với Tổ chức phòng, chống Doping Hàn Quốc nhằm trao đổi, hợp tác các chương trình, kinh nghiệm triển khai các hoạt động phòng, chống Doping trong các Giải đấu lớn. Theo đó, Tổ chức phòng, chống Doping Hàn Quốc đã hỗ trợ trong suốt thời gian chuẩn bị và tổ chức SEA Games 32 một cách hiệu quả; ký Biên bản hợp tác với Tổ chức phòng, chống Doping Trung Quốc nhằm học hỏi kinh nghiệm trong việc xây dựng cơ cấu tổ chức, triển khai các hoạt động phòng, chống Doping để tuân thủ theo theo đúng quy định của Bộ luật.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo, nâng cao kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn về phòng, chống doping không ngừng được cải thiện. Trung tâm doping và y học thể thao Việt Nam thường xuyên cử cán bộ tham gia các khóa học, đào tạo trực tuyến của Tổ chức phòng, chống Doping thế giới, khu vực và các Tổ chức phòng, chống Doping khác nhằm nâng cao kiến thức và kinh nghiệm trong các hoạt động phòng, chống Doping tại Việt Nam; tham dự các Hội nghị, lớp tập huấn quốc tế về phòng chống doping như Hội nghị thường niên của Tổ chức phòng chống doping khu vực Đông Nam Á, Hội nghị Bộ trưởng, liên chính phủ về phòng chống doping trong hoạt động thể thao, Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về tổ chức giáo dục, truyền thông về phòng chống doping tại Châu Á nhằm xây dựng các mối quan hệ giữa các Tổ chức phòng, chống Doping quốc gia, khu vực và thế giới.
Kết quả cụ thể trong lĩnh vực này phải kể đến việc tham dự Hội nghị về phòng, chống Doping khu vực châu Á, châu Đại Dương do Tổ chức phòng, chống Doping Hàn Quốc tổ chức tại Busan, Hàn Quốc (tháng 9/2022); Tham gia lấy mẫu kiểm tra Doping tại SEA Games 32 tại Campuchia góp phần xây dựng một kỳ Đại hội “Nói Không! Với Doping”; Tham gia Hội nghị chuyên đề dành cho các Cán bộ lấy mẫu kiểm tra Doping lần thứ nhất (DCO Symposium) tại Malaysia (tháng 8/2023) để cập nhật thêm các kiến thức về lấy mẫu kiểm tra Doping…
Với những nỗ lực đó, Việt Nam đã nhận được sự đánh giá cao từ phía Tổ chức phòng chống doping thế giới mà cụ thể là Chủ tịch Witold Bańk khi nhận định công tác phòng, chống doping tại Việt Nam ngày càng được quan tâm triển khai cũng như khẳng định sẽ quan tâm để quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Tổ chức phòng chống doping thế giới ngày càng hiệu quả hơn.
Quan tâm đặc biệt tới công tác giáo dục, truyền thông phòng, chống Doping
Bước sang năm 2024, để thúc đẩy các hoạt động về phòng, chống doping trong thể thao,Trung tâm doping và y học thể thao sẽ tiến hành tổ chức 04 lớp về giáo dục truyền thông phòng, chống Doping tại 4 trung tâm HLTTQG Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ; Tổ chức 01 lớp cho các cộng tác viên về giáo dục truyền thông phòng, chống Doping tại Hà Nội; Thực hiện truyền thông phòng, chống Doping trực tiếp tại 15 giải đấu thể thao của các Liên đoàn tổ chức. Hướng dẫn VĐV và người hỗ trợ VĐV tham gia các khóa học và kiểm tra lấy chứng chỉ trên hệ thống ADEL.
Bên cạnh đó, tổ chức lấy mẫu kiểm tra Doping trong thi đấu gồm: 75 mẫu nước tiểu tại các Giải Vô địch quốc gia năm 2024. Tổ chức lấy mẫu cho 15 VĐV đăng ký lấy mẫu kiểm tra Doping thường niên gồm: nước tiểu và mẫu máu ABP.
Tiếp tục thúc đầy quan hệ hợp tác với Tổ chức phòng, chống Doping Thế giới, Tổ chức phòng, chống Doping khu vực Đông Nam Á, Tổ chức phòng, chống Doping các nước về giáo dục truyền thông và khoa học công nghệ trong phòng, chống Doping.
Tăng cường cập nhật về những thay đổi mới nhất của hoạt động phòng, chống doping trên thế giới thông qua việc tham dự vào các Hội nghị thường niên của Tổ chức phòng, chống Doping Thế giới tại Thụy Sĩ; Hội nghị Bộ trưởng về phòng, chống doping tại Châu Á, châu Đại Dương; Hội thảo chuyên môn thường niên khu vực châu Á tại Hàn Quốc; Hội thảo phòng, chống Doping tại Trung Quốc; Hội nghị thường niên về Doping khu vực châu Á, châu Đại Dương tại Nhật Bản.
Cử cán bộ học tập, trao đổi chương trình hợp tác với Tổ chức phòng, chống Doping Hàn Quốc; Tổ chức phòng, chống Doping Trung Quốc tại Trung Quốc.
Diệu Hà, ảnh VADA