Biết bơi để được đến trường
Ngay từ lúc 3 tuổi, Bích Như không may bị liệt hai chân sau một trận ốm sốt. Sinh ra ở vùng quê thuộc miền sông nước, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang, tuổi thơ của Bích Như lớn lên cùng những trận lụt. Như nhớ lại “Hàng năm, cứ vào tháng 8, tháng 9 nước lũ dâng cao, nhà cửa ngập lụt. Ba tôi lót cao lên giường. Nước lên thì cứ lên theo, không di tản đâu cả. Mọi đi lại của người dân phụ thuộc vào xuồng, ghe. Và chính vì vậy mà ở quê cô, đứa trẻ nào cũng biết bơi. Còn với cô số phận nghiệt ngã đã cướp đi đôi chân khiến Như không thể tự đi lại được. Cuộc sống của Như cũng chính vì thế chỉ bó hẹp trong căn nhà nhỏ của Ba mẹ, cô sống khép mình và ngại giao tiếp với thế giới xung quanh.
Càng lớn Như càng ý thức được sự không may mắn của bản thân. Cô mong muốn được tung tăng nô đùa và đến trường học chữ như chúng bạn. Khát khao được đi học chữ cứ lớn dần lên từng ngày, từng giờ trong tâm trí cô bé tật nguyền. Cô đam mê đến nỗi, cứ ngày nào, cũng năn nỉ bố mẹ xin đi học. “Mình nghĩ là người bình thường, tại sao lại không đi học, trong khi bạn bè xung quanh ai cũng được đi”, Như tâm sự.
Sự năn nỉ của Như đã khiến bố phải động lòng, nhưng với một điều kiện: Như phải biết bơi thì mới được đi học. Đây là thử thách không nhỏ đối với một cô bé tật nguyền, sức khỏe không tốt lại thêm bản tính nhút nhát, rụt rè như Bích Như. Nhưng để có thể đến được với con chữ, Như bắt buộc phải vượt qua điều kiện của Bố. Đó cũng chính là động lực để cô nỗ lực hàng ngày.
Phải mất một năm miệt mài tập luyện vô cùng gian nan, vất vả, có những lúc tưởng chừng như phải bỏ cuộc, nhưng cứ nghĩ đến việc mình sẽ được đi học Như lại có thêm động lực để tiếp tục cố gắng. Sau rất nhiều nỗ lực, Như đã hoàn thành bài kiểm tra đầu tiên của Bố là biết bơi và phải bơi thật giỏi mới có thể đến trường đi học được.
Hơn nữa, quãng đường từ nhà Như đến trường tiểu học khá xa, đến 7-8km và mỗi lần đến trường phải luồn theo các kênh rạch Như không thể tự đi một mình. Thương con, nên trong thời gian đầu Bố luôn là người đồng hành cùng cô.
Như kể rằng: “Lúc đi bố lắc xuồng, còn lúc về tôi tự lắc. Xuồng của bố bị thủng nên vô nước, có lúc bị chìm xuồng”. Nhưng những lần như vậy, Như đã được trang bị kỹ năng với con nước.
Trịnh Thị Bích Như - Cô gái Vàng của làng Bơi Người khuyết tật Việt Nam (Ảnh: Thái Dương)
Hành trình đi học của Như cũng không giống như các bạn cùng trang lứa, bởi năm 13 tuổi cô mới vào lớp 1. Cô gái xinh xắn với gương mặt ưa nhìn và nụ cười hiền luôn nở trên môi đã thỏa ước nguyện được đi học. Ấy vậy, không ít lần cô bị mặc cảm với số phận. “Lúc đó không có xe lăn, đến lớp là phải bò lết. Lúc ra về, đợi mấy bạn về hết mới bò xuống xuồng để về”.
Vượt qua mọi nghịch cảnh, Như cứ thế cháy bỏng với ước mơ của mình. Nhưng, sau khi học hết lớp 5, Như cũng đã 18 tuổi. Cô muốn theo học tiếp song lên cấp 2, trường ở xa hơn, bố không thể đưa đón nên quyết định cho con nghỉ với quan niệm "học bao nhiêu đó để biết chữ là được rồi".
Đằng sau lời nói đó, sau này Như mới hiểu, bố thương con gái vì gặp quá nhiều trắc trở khi đến trường. Còn với Như, cô chưa suy nghĩ được nhiều và “khóc như mưa vì phải nghỉ học”.
Hành trình đến với thể thao chuyên nghiệp và những dấu ấn về thành tích
Phải nghỉ học ở nhà giúp mẹ việc lặt vặt, cuộc sống của cô gái đang độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời như nhuốm màu tiêu cực. Bích Như luôn cảm thấy chán nản và có lúc bi quan về cuộc sống. Không chấp nhận số phận, Bích Như luôn muốn làm được điều gì đó để vơi đi nỗi buồn cũng như không muốn mình trở thành gánh nặng cho gia đình. Cô tìm đến nghề mới: đan lục bình. Sau khi học nghề, cô được xuống thành phố để làm tập trung ở một cơ sở đan lát.
“Đâu đó là những cái nhìn thiếu thiện cảm, là sự phân biệt đối xử, ánh mắt dị nghị khiến tôi chạnh lòng. Họ bảo trả một tháng công 200.000 đồng. Tôi làm 4 tháng nhưng chỉ trả 400.000 ngàn".
Chính vì vậy, Bích Như quyết định trở về quê và học nghề nail nhưng đi đứng bất tiện nên cũng chỉ học một thời gian ngắn. 23 tuổi, Bích Như xách ba lô lên TPHCM xin học nghề may và sau đó làm việc ở một Trung tâm bảo trợ dành cho người tàn tật với tiền lương hàng tháng chỉ 1 triệu đồng.
Làm một thời gian nhưng cứ ở miết ở cơ sở này, Như cảm thấy không phù hợp vì tù túng và bó hẹp “Tôi muốn ra ngoài khám phá xã hội như thế nào, muốn giao lưu, hòa đồng chứ không nghĩ mình sẽ làm được gì đó”.
Rời khỏi Trung tâm bảo trợ, Như đến với thế giới khác, nhộn nhịp với dòng người tất tả mưu sinh. Như bén duyên với bơi lội khi gặp thầy Phạm Đình Minh. Cô bắt đầu tập luyện chuyên nghiệp. Như kể về sự cố đầu tiên: “Mới đầu vô, thầy bảo mặc đồ không kín đáo để bơi. Tôi thấy khó chịu vì trước đây toàn mặc quần dài, chưa mặc quần đùi bơi bao giờ”. Thế là, thầy trao “đặc ân”, cho phép Như mặc bộ đồ khác, bên ngoài mặc thêm quần dài. Từ đó, cô bắt đầu hành trình mới.
Chỉ sau hai tháng tập luyện, Như đi thi giải thể thao Người khuyết tật toàn quốc năm 2010 và giành ngay 1 HCV, 1 HCB. Đó là bước ngoặt, để rồi chỉ sau 1 năm, tại Indonesia cô đoạt 02 HCV Para Games 2011. Thành tích này chính là động lực để cô gái tật nguyền Trịnh Thị Bích Như tiếp tục gắn bó với môn Bơi. Cô luôn có mặt ở các kỳ Paralympic tiếp theo và giành nhiều HCV. Không dừng lại ở đấu trường khu vực, Bích Như còn khẳng định tên tuổi của mình ở đấu trường thế giới bằng 3 HCB giải Vô địch thế giới. Trong đó, Như đã để lại dấu ấn khi làm nên lịch sử với tấm HCB đầu tiên của Thể thao Người khuyết tật Việt Nam ở cấp độ thế giới. Thông số 1 phút 57 giây 14 của Như ngang ngửa mức huy chương Bạc Paralympic.
Ở tuổi 38, độ tuổi không còn sung sức nhưng Trịnh Thị Bích Như vẫn tiếp tục tỏa sáng khi giành đến 5 HCV cá nhân, 1 HCB tiếp sức; đồng thời phá 3 kỷ lục tại ASEAN Para Games 2023.
Với dấu ấn thành tích đạt được từ khi gắn bó với thể thao chuyên nghiệp, Bích Như được ví như một "cô gái Vàng” của Đội tuyển Bơi Người Khuyết tật Việt Nam. Cô cũng chính là một “nhà sưu tập” huy chương Vàng, một ý chí, trái tim “Vàng” đầy mạnh mẽ và quả cảm.
Đằng sau những tấm huy chương mà Bích Như có được là cả sự cố gắng không ngừng nghỉ. Không chỉ thành công trong sự nghiệp, Bích Như còn có một mái ấm gia đình hạnh phúc bên người chồng cũng là từng VĐV bơi.
Sau những vinh quang giành được trong suốt thời gian dài (hơn 13 năm) gắn bó với thể thao Người khuyết tật, niềm đam mê với Bơi lội vẫn chưa dừng lại với Bích Như. Cô vẫn luôn đau đáu về những dự định, những mong muốn trong tương lai sẽ sẽ tìm được hồ bơi để mở lớp, dạy cho các bạn trẻ hay những người thiệt thòi như mình.
T.Dương