|
Toàn cảnh buổi họp (Ảnh: Y Trang) |
Cùng với sự phát triển mọi mặt của đất nước, mặt trái của cơ chế thị trường đã khiến các tệ nạn xã hội ngày một gia tăng, gây ảnh hưởng không nhỏ tới nền tảng đạo đức vốn được coi là những nét văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Trước thực tế đó, việc tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng và các thành viên trong mỗi gia đình về đạo đức, lối sống; nhằm cụ thể hoá các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình; giúp các gia đình có kiến thức và kỹ năng sống, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá gia đình của dân tộc và tiếp thu có chọn lọc những giá trị tiên tiến của văn hoá gia đình trong xã hội phát triển... Đó cũng chính là những nội dung mà dự thảo Đề án "Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020" đang hướng tới.
Thực tế cho thấy, trong những năm qua Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm chú trọng đến các vấn đề về gia đình, bởi gia đình là hạt nhân, là tế bào của xã hội, xây dựng nền tảng gia đình vững chắc sẽ góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ, bảo đảm sự phát triển bền vững, duy trì hoà bình và an ninh xã hội. Các chuẩn mực về đạo đức lối sống mặc dù đã được quan tâm, chú trọng nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước ta bước vào thời kỳ hội nhập, sự ảnh hưởng của các nền văn hoá trên thế giới khiến những vấn đề về đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam đã, đang có những thay đổi mạnh mẽ (các tệ nạn xã hội cũng như các phẩm chất xấu như: bạo lực gia đình, sống buông tha, vô trách nhiệm, ích kỷ... ngày càng gia tăng).
Chính vì vậy, các thành viên dự họp đều cho rằng đây là một Đề án có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cấp thiết, cần phải sớm được triển khai và thực hiện. Tuy nhiên, dự thảo Đề án Tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020 vẫn còn những hạn chế về cả nội dung lẫn hình thức (kết cấu, bố cục chưa chuẩn theo tiêu chí của một Đề án; quy mô, phạm vi của Đề án quá rộng...)
Nhất trí với những ý kiến đóng góp thiết thực của các thành viên dự họp, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đã đề nghị Ban soạn thảo, tổ Biên tập cần nghiên cứu xem xét một cách kỹ lưỡng và chỉnh sửa lại một số vấn đề về nội dung cũng như kết cấu, bố cục của dự thảo Đề án. Trước những yêu cầu cấp bách hiện nay, Thứ trưởng và các thành viên dự họp đã thống nhất cần phải xây dựng một chương trình hành động hoặc kế hoạch tuyên truyền về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam. Kế hoạch (chương trình) này sẽ được thực hiện từ 2009 - 2011. Giai đoạn này sẽ là bước đệm, làm nền cho việc thực hiện và triển khai những bước tiếp theo của Đề án.
Kim Tuyến