Kỷ niệm 115 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tư tưởng Hồ Chí Minh về thể thao thành tích cao

Hồ Chí Minh từng quan niệm rằng, nền tảng vững chắc của thể thao thành tích cao chính là sự phát triển sâu rộng của phong trào TDTT quần chúng. Mà bộ phận cơ bản của phong trào TDTT quần chúng là TDTT trường học và ngoài trường học của thế hệ trẻ. Việc làm đó không chỉ nhằm mục đích gìn giữ và tăng cường sức khoẻ cho toàn dân, cải tạo nòi giống Việt Nam mà còn góp phần nâng tầm vị thế thể thao thành tích cao của nước ta. Ngày nay, quan điểm đó của Người thấm sâu trong lý luận và thực tiễn hoạt động TDTT.

Từ "thể thao" trong ngôn ngữ nói và viết của Hồ Chí Minh hàm nghĩa các cấp độ thấp cao nói chung, thấp là thể thao quần chúng, cao là thể thao có trình độ kỹ thuật và đạt thành tích tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Khi Hồ Chí Minh nói và viết từ "Thể thao" trong các sự kiện thể thao lớn mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế thì hàm nghĩa thể thao cấp độ cao mà ngày nay chúng ta thường sử dụng chính là bằng các thuật ngữ "Thể thao thành tích cao" "Thể thao trình độ cao" và "Thể thao đỉnh cao". Các thuật ngữ này tuy về hình thức có sự khác nhau nhưng nội dung về cơ bản giống nhau. Trong đó, thuật ngữ "Thể thao thành tích cao" có tính phổ biến hơn và phù hợp với thiết chế "Vụ thể thao thành tích cao" như ở nước ta hơn. Trong bài viết này, từ "thể thao thành tích cao" khi nói về các giải hoặc các Đại hội thể thao lớn, còn hàm nghĩa thể thao quần chúng khi nói về phong trào tập luyện TDTT của nhân dân.
Hồ Chí Minh từng quan niệm rằng, nền tảng vững chắc của thể thao thành tích cao chính là sự phát triển sâu rộng của phong trào TDTT quần chúng. Mà bộ phận cơ bản của phong trào TDTT quần chúng là TDTT trường học và ngoài trường học của thế hệ trẻ. Việc làm đó không chỉ nhằm mục đích gìn giữ và tăng cường sức khoẻ cho toàn dân, cải tạo nòi giống Việt Nam mà còn góp phần nâng tầm vị thế thể thao thành tích cao của nước ta. Ngày nay, quan điểm đó của Người thấm sâu trong lý luận và thực tiễn hoạt động TDTT. Hồ Chí Minh tuyên truyền, ca ngợi TDTT quần chúng và thể thao thành tích cao của Liên Xô nhằm động viên khuyến khích TDTT nước ta phát triển. Người viết: "Ở Liên Xô, hầu hết mọi người, bất kỳ gái, trai, già, trẻ đều tham gia TDTT..."

Hồ Chí Minh cũng đã từng đề cập tới tính phong phú của thể thao thành tích cao. Người cho rằng tính phong phú là một mặt mạnh của nền TDTT nói chung và thể thao thành tích cao nói riêng. Trong thư chúc mừng Đại hội Ganefo Châu Á lần thứ nhất, diễn ra vào cuối năm 1966 ở Campuchia, Hồ Chí Minh viết: "Đấy là cuộc gặp gỡ lớn để các lực lượng mới trỗi dậy ở Châu Á tỏ rõ cho toàn thế giới thấy khả năng phong phú của mình trong lĩnh vực thể thao".

Đại hội Ganefo Châu Á lần thứ nhất là Đại hội có số nước, số VĐV đông đảo, số môn và nội dung tham gia thi đấu đa dạng, phong phú: đã có hàng nghìn VĐV của 27 nước Châu Á tham gia với hơn 20 môn thể thao, hàng trăm nội dung thi đấu (cả môn thể thao hiện đại và môn thể thao truyền thống dân tộc). Tham gia Đại hội này, Việt Nam đã cử Đoàn VĐV tương đối mạnh cả về số lượng và chất lượng, đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung, đóng góp quan trọng vào sự thành công lớn của Đại hội. Trong hoàn cảnh nhiều nước Châu Á còn khó khăn, nền kinh tế chậm phát triển, riêng ở Việt Nam cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đang diễn ra ác liệt, sự thành công của Đại hội Ganefo lần thứ nhất có ý nghĩa chính trị sâu sắc; thể hiện tiềm năng lớn, phong phú của thể thao Châu Á.

Nhận rõ tầm quan trọng của thể thao thành tích cao và tính đa dạng, phong phú của nó, Hồ Chí Minh đã khuyến khích phát triển không chỉ các môn thể thao hiện đại thích hợp mà cả các môn thể thao truyền thống dân tộc. Người từng khuyến khích phát triển nhiều môn thể thao hiện đại như Bóng đá, Bóng chuyền, Điền kinh, Bơi, Thể dục dụng cụ, Bắn súng thể thao, Bi-a... Hồ Chí Minh cũng rất coi trọng phát triển các môn thể thao truyền thống dân tộc như Vật, Võ...

Người rất ưa thích và am hiểu nhiều loại hình võ truyền thống dân tộc. Phát triển nhiều loại hình thể thao hiện đại và thể thao truyền thống tạo nguồn lớn mạnh cho lực lượng VĐV đông đảo, nhiều "binh chủng" nhằm chiếm lĩnh những đỉnh cao của thể thao, dành nhiều thắng lợi vẻ vang trên các đấu trường quốc tế.

Hồ Chí Minh khuyến khích mạnh mẽ tinh thần dân tộc trong thể thao thành tích cao. Đó là ý chí bất khuất, kiên cường, dũng cảm, quyết thắng, lòng tự hào dân tộc... Đội ngũ VĐV Việt Nam phải xứng đáng với truyền thống ấy, phải phát huy và nêu cao tinh thần ấy của cha ông.

Cuối năm 1966, khi tiếp đón và biểu dương Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Đại hội Gamefo Châu Á trở về nước, Người khen ngợi: "Tất cả các cháu giành được huy chương vàng, thế là tốt".

Người căn dặn các VĐV: "Đánh giặc Mỹ gian khổ, khó khăn như vậy nhưng quân và dân ta có quyết tâm cao vẫn đánh thắng. Các cháu phải cố gắng nhiều hơn nữa để xứng đáng là những VĐV của dân tộc Việt Nam anh hùng". Bác Hồ thưởng huy hiệu cho bốn VĐV đoạt được huy chương vàng. Bác cũng nhắc nhở "Các cháu đừng vì thắng lợi mà kiêu căng tự mãn".

Khiêm tốn là đức tính tốt để các VĐV phấn đấu và tiến xa hơn nữa. Hồ Chí Minh từng căn dặn các VĐV nước ta và nước ngoài rằng: "Các cháu luôn luôn nhớ phải khiêm tốn học tập cái hay cái giỏi của các bạn. Trong thi đấu thắng không kiêu, bại không nản, thế mới là VĐV tốt". Hồ Chí Minh luôn mong muốn chúng ta không chỉ sánh vai với các nước trong khu vực và quốc tế về các mặt kinh tế, văn hoá, khoa học, giáo dục mà cả ở lĩnh vực thể thao thành tích cao. Người lưu ý: "Phong trào và thành tích thể thao của thế giới phát triển mạnh, Việt Nam ta phải cố gắng tiến kịp". Ngày nay, những lời dạy của Hồ Chí Minh đối với VĐV Việt Nam càng có ý nghĩa sâu sắc. Lời dạy của Người cần được tiếp tục quán triệt trong giáo dục tư tưởng cho lực lượng VĐV nước ta, làm cho họ thấm sâu tinh thần, tư tưởng của Bác Hồ, ra sức học tập, tu dưỡng, khổ luyện để tiến lên đạt được những tầm cao mới trên các đấu trường thể thao quốc tế.

Theo Tạp chí Thể thao
 

Ảnh trong bài
  • Kỷ niệm 115 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tư tưởng Hồ Chí Minh về thể thao thành tích cao