Pháp lệnh TDTT ra đời cũng tạo ra những chuyển biến căn bản về nhận thức của toàn xã hội về các giá trị của TDTT, về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác TDTT trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Pháp lệnh TDTT đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành khuôn khổ pháp lý cho hoạt động TDTT và đã góp phần tạo ra sự khởi sắc mới của ngành.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Pháp lệnh TDTT cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập. Đó là:
• Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế- xã hội và hội nhập quốc tế, hoạt động TDTT ngày càng thu hút sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế; nhu cầu về hoạt động cũng như hưởng thụ các giá trị của TDTT trong mọi tầng lớp nhân dân ngày một nâng cao; công tác quản lý, điều hành TDTT trong cơ chế thị trường theo hướng chuyên nghiệp hoá đòi hỏi phải có sự đổi mới. Bởi vậy, một số quy định trong Pháp lệnh TDTT không còn phù hợp hoặc không đáp ứng kịp những đòi hỏi của thực tiễn, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.
• Pháp lệnh TDTT được ban hành từ năm 2000 nên chưa thể chế hoá được hết các yêu cầu, nhiệm vụ mà Chỉ thị 17 của Ban Bí thư trung ương Đảng khoá IX năm 2002 đề ra. Mặt khác, các vấn đề nảy sinh trong lĩnh vực thể dục thể thao đã và sẽ là những chủ đề quan trọng được đưa ra diễn đàn Quốc Hội tại mỗi kỳ họp. Bởi vậy, cần thiết phải luật hoá các quy định nhằm điều chỉnh các hoạt động TDTT cho phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng và chức năng giám sát của Quốc Hội đối với ngành TDTT.
• Từ khi có Pháp lệnh TDTT đến nay, nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới đã được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung như: Hiến pháp sửa đổi năm 2001, Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp…Nhiều quy định trong Pháp lệnh TDTT không còn phù hợp với quy định của một số Luật có liên quan. Một số quy định trong Pháp lệnh chưa tạo được sự liên kết và hài hoà với các luật khác. Bởi vậy, cần thiết phải sửa đổi bổ sung và nâng lên thành Luật TDTT.
Trước yêu cầu đổi mới, cải cách hành chính nhằm tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực TDTT, đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá và chuyên nghiệp hoá thể thao; thực hiện Nghị quyết số 12/2002/QH11 của Quốc Hội về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc Hội nhiệm kỳ khoá XI (2002-2007) và năm 2003; Nghị quyết số 222/2003/NQ-UBTVQH của Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc Hội về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc Hội nhiệm kỳ khoá XI và năm 2003; Quyết định 35/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp soạn thảo các dự án Luật, Pháp lệnh của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc Hội khoá XI, từ năm 2004 Uỷ ban TDTT đã triển khai một số công việc chuẩn bị để tiến hành xây dựng Luật TDTT đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đó là: Tiến hành sơ kết việc thực hiện Pháp lệnh TDTT ở các địa phương; Rà soát, hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật về TDTT từ năm 1997 đến nay. Kết quả đợt rà soát này là tài liệu quan trọng cho công tác xây dựng Luật TDTT thời gian tới; Tổ chức Hội nghị toàn ngành tổng kết 5 năm thực hiện Pháp lệnh TDTT và thành lập Ban soạn thảo dự án Luật TDTT gồm đại điện Lãnh đạo của 09 Bộ, ngành: Uỷ ban Thể dục thể thao, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hoá Thông tin, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế.
Công tác xây dựng Dự án Luật TDTT đã được Lãnh đạo Uỷ ban TDTT xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành trong năm 2005 với những quan điểm và mục tiêu xây dựng như sau:
1. Luật Thể dục thể thao phải thể chế hoá được các quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thể dục thể thao; phù hợp với đường lối đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
2. Luật Thể dục thể thao phải được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của Pháp lệnh Thể dục thể thao còn phù hợp, khắc phục những bất cập; đồng thời bổ sung những vấn đề còn chưa được điều chỉnh trong thực tế.
3. Luật Thể dục thể thao phải bao gồm các quy định điều chỉnh toàn diện các mối quan hệ trong lĩnh vực thể dục thể thao, tạo khung pháp lý cao nhất, hoàn chỉnh nhất để quản lý hoạt động thể dục thể thao.
4. Luật Thể dục thể thao phải được xây dựng hết sức cụ thể, chi tiết để khi có hiệu lực có thể thi hành được ngay; giảm tối đa những nội dung cần có văn bản dưới Luật hướng dẫn thi hành.
5. Luật Thể dục thể thao phải phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm góp phần vào việc thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước; đồng thời giữ vững được an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước.
Trên cơ sở Pháp lệnh Thể dục thể thao và tình hình thực tiễn hoạt động của ngành trong thời gian qua, sẽ có khoảng 11 nhóm vấn đề chính cần điều chỉnh trong Luật TDTT, bao gồm: Thể dục thể thao quần chúng; Thể thao trường học; Hoạt động TDTT trong lực lượng vũ trang, học sinh sinh viên, công chức viên chức, người lao động, người khuyết tật, người cao tuổi, quyền và nghĩa vụ của người tập và các tổ chức, cá nhân có liên quan;
Thể thao thành tích cao: hệ thống thi đấu, tổ chức giải, đào tạo VĐV, ứng dụng khoa học công nghệ, quyền và nghĩa vụ VĐV, HLV, trọng tài thể thao; Thể thao chuyên nghiệp: Tổ chức và hoạt động, quyền và nghĩa vụ của câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp; giải thi đấu thể thao chuyên nghiệp, bản quyền truyền hình, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân liên quan đến thể thao chuyên nghiệp…; Đội tuyển thể thao quốc gia: quyền và nghĩa vụ của trưởng đoàn, huấn luyện viên trưởng và các thành viên tham gia các đại hội, giải thi đấu thể thao quốc tế; Xã hội hoá thể dục thể thao: các chủ trương, chính sách, mô hình tổ chức, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức cá nhân có liên quan;
Các tổ chức xã hội về thể dục thể thao: nội dung quản lý; nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân liên quan; phân cấp các nhiệm vụ tổ chức hoạt động sự nghiệp thể dục thể thao; Cơ sở thể dục thể thao: Quy hoạch, kế hoạch, tổ chức hoạt động, quyền và nghĩa vụ, phân cấp quản lý, thẩm quyền thành lập, giải thể cơ sở TDTT; Thể thao dân tộc: chủ trương, chính sách phát triển; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong việc khôi phục và phát triển các môn thể thao dân tộc;
Kinh tế thể thao: sản xuất hàng hoá, dịch vụ thể dục thể thao, tài trợ, quảng cáo trong thể dục thể thao, khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực thể dục thể thao….quyền và nghĩa vụ của các tổ chức cá nhân có liên quan; Thể thao cao thượng, đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động thể dục thể thao, chống Doping trong thể thao; khen thưởng các danh hiệu chuyên môn trong thể thao; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể dục thể thao, thanh tra chuyên ngành thể dục thể thao, những hành vi bị cấm và phòng chống tiêu cực trong hoạt động TDTT;
Hợp tác quốc tế về thể dục thể thao: nội dung hợp tác; các hình thức hợp tác cụ thể và biện pháp thúc đẩy; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân; khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động thể dục thể thao tại Việt Nam; Đất đai giành cho thể dục thể thao; xây dựng cơ sở vật chất phục vụ tập luyện và thi đấu thể thao.
Để hoàn thành nhiệm vụ chủ trì xây dựng dự án Luật TDTT, toàn ngành Thể dục thể thao quyết tâm triển khai thực hiện, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng văn bản, tạo dựng cơ sở pháp lý vững chắc nhằm quản lý, điều hành các hoạt động TDTT trong cả nước góp phần thúc đẩy sự nghiệp TDTT ngày càng phát triển mạnh mẽ và bền vững.
TS. Lê Anh Thơ (Vụ trưởng Vụ Pháp chế- UBTDTT)