TRONG NƯỚC
Đội tuyển quốc gia thất bại thảm hại tại Tiger Cup
Việt Nam nhận vinh dự đồng đăng cai vòng bảng Tiger Cup (cùng Malaysia). Với lợi thế này, Liên đoàn bóng đá (VFF) đặt mục tiêu cao: đội tuyển vào tới chung kết, và có thể thì giành HC vàng. Vì tham vọng này, VFF quyết định mời lại người cũ - HLV Tavares. Tháng 3, Tavares trở lại Việt Nam trong ánh hào quang mà ông để lại cách đây 9 năm: nâng cao thể lực cho các cầu thủ và phát hiện ra thế hệ vàng lứa Hồng Sơn, Huỳnh Đức... Cuộc tái ngộ của nhà cầm quân người Brazil hồi tháng 3 nhận được sự ủng hộ của báo chí trong nước, bởi đa số tỏ ra tin tưởng vào khả năng mà ông Tavares đã thể hiện ở Cup Độc lập hồi 1995.
Tuy nhiên, 9 năm là một khoảng thời gian không ngắn, và ông Tavares đã thay đổi nhiều về tính cách, ảnh hưởng xấu tới tác phong huấn luyện. Trong khi đó, những giáo án tập luyện của ông (cả về thể lực lẫn chiến thuật) lại hầu như không thay đổi. Chính đội trưởng Huỳnh Đức cũng tâm sự như thế. Thi đấu dưới sự dẫn dắt của một HLV hay cáu gắt, dễ mất tự tin, bảo thủ, lại phải trải qua đợt tập trung quá dài (tới 6 tháng liên tục), các tuyển thủ tỏ ra nặng nề, bế tắc trong toàn bộ các trận đấu ở giải vô địch Đông Nam Á. Đội quân áo đỏ dừng bước tại vòng bảng, sau trận thua toàn diện trước Indonesia. Đây là lần đầu tiên, tuyển Việt Nam không có mặt ở bán kết của giải đấu này.
Giới chuyên môn cho rằng ông Tavares có lý khi loại Văn Quyến, và đội tuyển cũng từng chơi tốt tại LG Cup, Agribank Cup, trận gặp Hàn Quốc. Nhưng sau đó, phương pháp huấn luyện, cách dùng người khó hiểu của ông là nguyên nhân chính khiến đội tuyển thi đấu kém dần, và gây thất vọng ở giải đấu quan trọng nhất của năm. Với VFF, thất bại này có thể giúp các quan chức rút ra bài học về lựa chọn, quản lý HLV ngoại, lập kế hoạch tập luyện và thi đấu cọ xát...
Trường Sơn trở thành Đại kiện tướng quốc tế ở tuổi 14
Nguyễn Ngọc Trường Sơn - HC vàng cờ vua thế giới lứa tuổi U10 năm 2000 - đã trở thành niềm tự hào của làng cờ Việt Nam đúng dịp cuối năm nay. Kỳ thủ quê Kiên Giang mới đạt chuẩn Đại kiện tướng quốc tế thứ 3 ở giải cờ vua First Saturday tháng 12 tại Hungary, nghĩa là đủ điều kiện để được FIDE (Liên đoàn cờ vua thế giới) công nhận là đại kiện tướng khi mới 14 tuổi 10 tháng và 21 ngày, với hệ số Elo 2.527. Chiến tích này còn giúp thần đồng cờ vua Việt Nam trở thành người trẻ thứ nhì trên thế giới được phong danh hiệu này, sau kỳ thủ người Pháp Etienne Bacrot (được phong cấp khi mới 14 tuổi 2 tháng). Nhờ thành công này, Sơn đứng đầu danh sách 10 VĐV tiêu biểu toàn quốc.
Theo tiến sĩ Hoàng Minh Chương, chủ "lò cờ" Chesscom (Hungary) - nơi Trường Sơn đang theo học, thì thành tích của Sơn là hiếm hoi trên thế giới. Bản thân Sơn cũng vô cùng hạnh phúc khi chinh phục được danh hiệu cao quý trước 7 tháng so với dự kiến. Hồi tháng 8/2003, kỳ thủ này tới Chesscom để rèn luyện trong 2 năm với mục tiêu đoạt danh hiệu Đại kiện tướng quốc tế. Nhưng chỉ trong năm nay, Sơn đã đạt đủ 3 chuẩn để được phong cấp (tháng 3, tháng 6 và 12), cùng hệ số Elo vượt qua mức 2.500. Sau thành công này, Sơn tiếp tục ở lại Hungary để nâng cao sức cờ.
Thể thao TP HCM tụt dốc
TP HCM từng là trung tâm thể thao mạnh nhất nước, nhưng năm 2004 lại bị nhiều địa phương mà chủ yếu là Hà Nội qua mặt trong các môn thế mạnh truyền thống. Bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn... của Thành phố mất dần danh tiếng từ vài năm nay khi vắng bóng các tên tuổi như Công an TP HCM, Hải Quan (bóng đá), Seaprodex (bóng chuyền), Mỹ Linh (bóng bàn)... Các môn mà họ từng tự hào là không có đối thủ trong nước như điền kinh, bơi lội, taekwondo,... cũng bị các địa phương khác vượt qua trong năm nay bằng một kế hoạch dài hơi hơn.
Điền kinh Thành phố làm mưa, làm gió trong làng thể thao Việt Nam suốt thập niên 90, nhưng sau nhà vô địch 100 m Lương Tích Thiện là cả một khoảng trống chưa có cá nhân nào lấp được. Mới đây, TP HCM còn bị đoàn Hà Nội tước ngôi vua ở môn bơi lội, sau 26 năm thống trị. Taekwondo thành phố, với 2/3 trụ cột nằm trong đội tuyển quốc gia, cũng chịu đứng sau đoàn thủ đô. Nhưng hiện nay, các nhà quản lý thể thao TP HCM đã nhận biết được vấn đề và quyết tâm làm lại từ đầu bằng các cách như: thành lập đội tuyển bóng đá của thành phố, đầu tư mạnh mẽ vào chương trình "Thế hệ vàng",...
Thể Công lần đầu xuống hạng, vào đúng tuổi 50
Bị chìm nghỉm ngay ở những vòng đầu tiên của V-League 2004, Thể Công và những người hâm mộ luôn tự an ủi sẽ lại vượt qua. Bởi đây đâu phải lần đầu họ gặp khó khăn như vậy. Làm sao đội bóng áo lính có thể lâm nguy khi Thể Công chính là CLB giàu truyền thống nhất lịch sử bóng đá Việt Nam, và chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thành lập. Nhưng rồi, niềm tin ấy đã sụp đổ, điều tưởng không thể xảy ra cuối cùng đã tới. Hết thay tướng, đổi quân, lại thay trưởng đoàn, đội bóng quân đội này vẫn khủng hoảng lớn và xuống hạng ở tuổi 50. Nỗi đau tưởng bất ngờ, nhưng thật ra chỉ là hiện tượng đã có hàng loạt nguyên do trước đó: chiến lược sai lầm, yếu tố con người và vấn đề sân bãi.
Nỗi buồn xuống hạng chưa qua đi, nhiều danh thủ lừng lẫy một thời của Thể Công lại lo lắng khi họ nhận được thông tin đội bóng mặc áo lính có thể không được duy trì nữa. Tới giải hữu nghị quân đội ASEAN gần đây, các cầu thủ thi đấu mà chẳng hề có lương chuyên nghiệp, nhưng rồi họ vẫn gắng sức và giành ngôi vô địch. Việc bỏ Thể Công đâu có dễ. Đội bóng này đã gắn chặt với tâm hồn, tình cảm sâu nặng của quân dân cả nước.
QUỐC TẾ
Olympic Athens - Thế vận hội của những kỷ lục
Sân vận động Olympic ở thủ đô Athens trong lễ bế mạc.
Thế vận hội lần thứ 28 đã trở lại nơi khai sinh - đất nước Hy Lạp cổ kính. Đây là đại hội của những kỷ lục, với số quốc gia và VĐV tham dự nhiều nhất trong lịch sử. Hơn 11.000 VĐV, khoảng 5.000 quan chức của 202 đoàn thể thao cùng nhau góp mặt tại Athens. Ngọn đuốc thiêng của đại hội cũng lần đầu tiên du ngoạn khắp các châu lục trước khi thắp sáng đài lửa trên sân Olympic ở Athens trong lễ khai mạc. Có chừng 4 tỷ người trên khắp hành tinh chứng kiến sự kiện này. Lễ hội lớn nhất trong lịch sử thế vận hội hiện đại thành công ngoài dự kiến, với 301 bộ huy chương được trao cho các VĐV ở 28 môn, và có tới 22 kỷ lục thế giới bị phá. Lễ khai mạc, bế mạc đầy tính nghệ thuật, độc đáo và được đánh giá hay nhất trong lịch sử Olympic. Nhưng quy mô lớn thì kinh phí tổ chức cũng đạt mức kỷ lục: chừng 7,2 tỷ USD. Trong đó, khoảng 1,5 tỷ USD được dành cho an ninh - cao gấp 5 lần so với Thế vận hội Sydney 2000.
Mỹ tiếp tục khẳng định sức mạnh trong hầu hết các môn truyền thống, và đứng vững ở vị trí dẫn đầu. Thế nhưng, điều đáng nói nhất ở đại hội lần này chính là Trung Quốc. Lần đầu tiên, đoàn thể thao của quốc gia đông dân nhất thế giới qua mặt Nga để xếp vị trí thứ hai (tính theo số HC vàng). Sự trỗi dậy mãnh liệt của thể thao Trung Quốc được ghi nhận bởi những thành công không chỉ ở các môn sở trường mà ở cả điền kinh và thể thao dưới nước. Thành tích này cho thấy họ đã có sự đầu tư đúng đắn. Đây là bước đà quan trọng cho Trung Quốc ở kỳ Olympic tiếp theo, diễn ra ngay tại Bắc Kinh, năm 2008.
Thành công vượt bậc của quần vợt nữ Nga
Ba danh hiệu Grand Slam cá nhân gồm Pháp Mở rộng, Wimbledon và Mỹ Mở rộng của năm 2004 đã được trao cho các tay vợt Nga. Chưa hết, trong những ngày cuối cùng của mùa giải, các cô gái xinh đẹp đến từ xứ sở bạch dương còn vinh dự lần đầu tiên bước lên bục cao nhất của Cup đồng đội nữ thế giới (Fed Cup). Trong bảng xếp hạng top 20 WTA của năm, các tay vợt Nga chiếm tới 7 vị trí, trong khi Mỹ - cường quốc của môn thể thao này - chỉ còn 4 đại diện. Không chỉ thế, họ còn giữ hầu hết các thứ hạng trong top 5. Sau bao khổ luyện và đầu tư hiệu quả, 2004 thực sự trở thành một năm "đơm hoa kết trái" của quần vợt nước này.
Mới chỉ một năm trước, trên bản đồ quần vợt thế giới, Nga vẫn chưa tạo được dấu ấn lớn nào. Nhưng giờ đây, những cái tên như Maria Sharapova, Myskina Anastasia, Svetlana Kuznetsova, Elena Dementieva... đã trở nên rất quen thuộc với hầu hết người hâm mộ. Cô gái 17 tuổi quyến rũ, Maria Sharapova, đã trở thành hiện tượng mới, sau chiến thắng ngoạn mục tại Wimbledon - giải Grand Slam danh giá nhất. Cả sắc đẹp lẫn chuyên môn, Sharapova đều có thể khiến bất kỳ tay vợt nào cũng phải ghen tỵ.
Michael Schumacher vô địch thế giới lần thứ bảy
Trước M.Schumacher, chưa tay đua nào lập được nhiều kỷ lục trong làng F1 như vậy. Sau này, có lẽ cũng không có ai đủ sức lật đổ tượng đài người Đức. Năm 2004 đặc biệt thành công với Schumacher khi anh vượt qua hàng loạt kỷ lục do chính mình lập ra trước đó. Đáng kể nhất là danh hiệu vô địch thế giới lần thứ 7, và là lần thứ 5 liên tiếp. Tay lái đội Ferrari còn đặt ra một giới hạn mà khó ai có thể vượt qua, với 13 lần thắng chặng trong cùng một mùa giải, trong đó có 7 lần về nhất liên tiếp, kéo dài từ ngày 30/5 (GP châu Âu) đến 16/8 (GP Hungary).
Sự thống trị của Schumacher và đội Ferrari những năm qua không hề khiến F1 dần trở nên nhàm chán. Bởi đội đua Italy, trước khi đạt thành tích 6 lần vô địch thế giới liên tiếp (trong tổng số 14 lần đăng quang, cao nhất trong lịch sử), đã phải trải qua 5 năm liền chịu lép vế trước các đội khác. Hơn thế, với sự xuất hiện của hai đường đua mới tại châu Á, Bahrain và Thượng Hải, nâng số chặng đua mùa giải 2004 lên thành 18, cao nhất trong lịch sử, F1 vẫn là môn thể thao tốc độ được ưa chuộng nhất thế giới.
Lance Armstrong chiến thắng bệnh tật để chinh phục kỷ lục
Ở môn thể thao tốc độ khác, đua xe đạp, một kỷ lục thế giới cũng được lập với chiến thắng thứ 6 của Lance Armstrong tại Tour de France - giải đua khắc nghiệt kéo dài 3 tuần. Cuarơ người Mỹ đã có chiến thắng kỷ lục mà không gặp nhiều khó khăn, dù trước khi giải năm nay khởi tranh, dư luận xôn xao về việc anh sử dụng doping, đồng thời giới chuyên môn đánh giá đây sẽ là giải đấu cạnh tranh nhất trong vài năm gần đây. Do đối thủ lớn nhất, Jan Ulrich, tự suy yếu, tay đua đội Bưu điện Mỹ đã không gặp mấy trở ngại để đoạt áo vàng chung cuộc.
Lance Armstrong không những đã giúp môn đua xe đạp trở nên được ưa chuộng hơn tại Mỹ, đất nước nhiều xe hơi nhất thế giới, mà anh còn trở thành biểu tượng của nỗ lực chiến thắng bản thân (Armstrong từng trải qua phẫu thuật, xử lý ung thư tinh hoàn năm 1996). Quan trọng hơn, một tờ nhật báo lớn của Mỹ từng viết, Lance Armstrong giúp mang lại hình ảnh thân thiện về nước Mỹ trong bối cảnh rất nhiều người dân châu Âu và thế giới thù ghét nước Mỹ vì những cuộc chiến do tổng thống Bush phát động.
Hy Lạp lần đầu vô địch Euro
Cú đánh đầu cận thành lạnh lùng của Charisteas, làm tung lưới Bồ Đào Nha ở phút 57 của trận chung kết Euro 2004, đã khắc tên Hy Lạp vào danh sách những đội tuyển vô địch bóng đá châu Âu. Thành công ngoài sức tưởng tượng của họ là sự đối lập hoàn toàn với thất bại thê thảm của những đại gia như Pháp, Tây Ban Nha, Italy… Danh hiệu Cầu thủ hay nhất giải thuộc về thủ quân Zagorakis của Hy Lạp đồng thời chỉ ra đoạn kết trong sự nghiệp quốc tế của những ngôi sao hàng đầu thế giới như Figo, Zidane, Nedved… Sự kiện Hy Lạp lần đầu vô địch châu Âu được đánh giá là bất ngờ lớn nhất trong lịch sử 44 năm tồn tại của giải đấu Euro. Thành công của họ còn được nhiều người ví von là câu chuyện thần thoại của thế kỷ 21.
Hy Lạp luôn bị đánh giá thấp hơn trước các đối thủ trong mỗi trận đấu tại Euro 2004, nhưng họ tiến từng bước vững chắc tới ngôi quán quân nhờ tài cầm quân của HLV Rehhagel và tinh thần đoàn kết của toàn bộ các cầu thủ. Họ khởi đầu bằng thắng lợi 2-1 trước Bồ Đào Nha, cầm hoà Tây Ban Nha 1-1. Ở tứ kết, thày trò nhà HLV Rehhagel biến Pháp thành cựu vô địch. Ứng viên sáng giá CH Czech là nạn nhân tiếp theo của họ, sau bàn thắng bạc của Dellas. Trong trận chung kết, Charisteas ghi bàn duy nhất, đưa Hy Lạp lên ngôi vua của bóng đá châu lục ít nhất là trong 4 năm. Trên chặng đường chinh phục chiếc Cup vô địch (6 trận), họ chỉ ghi được 7 bàn thắng, nhưng giữ sạch lưới từ tứ kết.
Porto, Monaco gây chấn động tại Champions League
Trong bối cảnh các đại gia thi nhau ném tiền chiêu mộ nhân tài, nhằm tăng cường sức mạnh, thì việc hai đội bóng nhỏ Porto và Monaco cùng lọt vào trận chung kết Champions League được xem như là một trong những bất ngờ lớn nhất của bóng đá thế giới 15 năm trở lại đây. Bằng lối chơi khôn ngoan, thực dụng và không kém phần tinh tế, đội bóng Bồ Đào Nha lừng lững tiến vào trận đấu cuối cùng khi bỏ lại sau lưng những tên tuổi MU, Lyon, Deportivo. Đoàn quân của HLV Deschamp thì lấy tấn công và sự bùng nổ đúng lúc làm triết lý tồn tại, để đánh tan tác "đàn kền kền trắng" Real, đả bại "gã nhà giàu" Chelsea, sau khi đã lập kỷ lục về số bàn trong một trận tại Champions League (thắng Deportivo 8-3 ở vòng bảng).
Điều kỳ diệu hơn nữa là ở chỗ, Porto chỉ là đội bóng bình thường và được dẫn dắt bởi một cựu phiên dịch, Mourinho - người chỉ sau đó mới được công nhận là một trong những HLV hàng đầu châu Âu như hiện nay. Còn với Monaco, họ cũng bị đánh giá "thường thường" không kém, đồng thời phải thi đấu trong gánh nặng nợ nần lên đến hàng chục triệu euro, và người dẫn dắt chỉ là một HLV mới vào nghề - Deschamp.
Hai bên được đánh giá là cân sức, nhưng trận chung kết đã có kết quả bất ngờ: Porto thắng đậm 3-0, để lần thứ hai giành chức vô địch châu Âu cấp CLB. Đó như một minh chứng về sự lên ngôi của kiểu chơi mới, chú trọng vào việc tối đa hóa hiệu quả hơn là trình diễn cho khán giả sướng: tấn công ít nhưng vẫn ghi được nhiều bàn thắng.
Theo VnExpress