Nơi hồi sinh những sự nghiệp thể thao(27/02/2008)

Có lẽ những ngày này, các cán bộ, y, bác sỹ đang làm việc tại Bệnh viện thể thao là những người cảm thấy hạnh phúc nhất. Không chỉ vì họ nhận được những lời chúc mừng nhân ngày thầy thuốc Việt Nam mà bởi còn vì mong ước có được một bệnh việc chuyên ngành điều trị các chấn thương trong thể thao đã trở thành hiện thực. Một diện mạo mới cho y học thể dục thể thao đã được bắt đầu và chúng ta có thể tin tưởng rằng những tài năng thể thao Việt Nam sẽ được đào tạo, chăm sóc và điều trị chấn thương bởi chính người Việt Nam.

Có lẽ những ngày này, các cán bộ, y, bác sỹ đang làm việc tại Bệnh viện thể thao là những người cảm thấy hạnh phúc nhất. Không chỉ vì họ nhận được những lời chúc mừng nhân Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2) mà còn bởi mong ước có được một bệnh viện chuyên ngành điều trị các chấn thương trong thể thao đã trở thành hiện thực.

Cùng với sự phát triển về mọi mặt của đất nước, TDTT Việt Nam cũng có những bước tiến nhanh chóng, hòa nhập với bạn bè khu vực và thế giới. Số lượng và chất lượng chuyên môn của các VĐV cũng không ngừng được tăng lên. Chính vì vậy, công tác chăm sóc, chữa trị cho các VĐV gặp chấn thương trong tập luyện, thi đấu là một yêu cầu tất yếu. Tuy nhiên, việc xây dựng một Bệnh viện chuyên ngành thể thao dù đã được lãnh đạo ngành rất quan tâm nhưng cũng phải mất thời gian khá dài, điều đó mới thành hiện thực. Việc Bệnh viện thể thao chính thức ra đời và đi vào họat động cách đây hơn 1 năm đã làm hồi sinh lại sự nghiệp thể thao của không ít các VĐV. Chúng ta đã từng xót xa trước những tai nạn nghề nghiệp của các VĐV, trong đó phải kể đến chấn thương của Minh Chiến (Bóng đá), sự mất mát của Trần Văn Ngời (Judo)....và không chỉ có vậy, rất nhiều tài năng thể thao đang thời kỳ nở rộ nhưng đã phải giã từ sự nghiệp vì không được điều trị kịp thời. Chỉ một số ít VĐV tên tuổi là được hỗ trợ kinh phí chữa bệnh tại nước ngoài như Hồng Sơn, Huỳnh Đức...

Có được một Bệnh viện chuyên ngành thể thao là điều mơ ước không chỉ của các VĐV, mà điều đó còn là nỗi trăn trở của các cán bộ, lãnh đạo ngành TDTT. Bởi lẽ thể thao Việt Nam sẽ tiết kiệm được nhiều tiền của và công sức nếu chúng ta có một Bệnh viện chuyên ngành với đầy đủ tính năng và hiện đại. Đặc biệt, quan trọng hơn là các tài năng thể thao Việt Nam sẽ không phải chia tay với sự nghiệp của mình chỉ vì không được điều trị kịp thời những chấn thương gặp phải khi thi đấu cũng như tập luyện.

Mặc dù còn nhiều khó khăn do mới được thành lập, nhưng đến nay Bệnh viện đã có những bước tiến vững chắc trong việc nâng cao chất lượng chuyên môn. Bệnh viện đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác với các tổ chức y khoa lớn trên thế giới như Bệnh viện Saint Josef (CHLB Đức) hay gần đây là tập đoàn Y khoa Parkway (Singapore). Điều này sẽ giúp Bệnh viện thể thao tiếp cận với những tiến bộ mới trong việc điều trị chấn thương thể thao, làm quen với các trang thiết bị y tế hiện đại liên quan đến lĩnh vực chấn thương, chỉnh hình; đồng thời mở ra cơ hội cho công tác đào tạo các bác sỹ, y tá tại nước ngoài.

Các VĐV đã được hưởng những điều kiện chăm

sóc y tế tốt hơn kể từ khi có Bệnh viện thể thao (Ảnh: Y Trang)



Để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước nói chung, của ngành TDTT nói riêng Bệnh viện đã và đang có những biện pháp tích cực, mang tính chiến lược nhằm nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả hoạt động. Theo ông Lê Quý Phượng - Giám đốc Bệnh viện Thể thao cho biết: "Bệnh viện chúng tôi đã và đang hợp tác với Bệnh viện Saint Josef, Parkway nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng điều trị. Trong tương lai, bệnh viện sẽ mở rộng hơn nữa việc hợp tác với các tổ chức y tế trong và ngoài nước, bổ sung thêm các trang thiết bị hiện đại để nơi đây thực sự là địa chỉ tin cậy trong các vấn đề bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho VĐV, HLV trong và ngoài nước. Không chỉ có vậy, Bệnh viện còn là nơi tiếp nhận, chăm sóc sức khỏe của cán bộ ngành, phối hợp với các đơn vị hữu quan mở các lớp đào tạo cán bộ y học trên phạm vi toàn quốc, phấn đấu đưa Bệnh viện thể thao Việt Nam trở thành Bệnh viện đứng đầu khu vực Đông Nam Á, góp phần nâng cao thành tích thể thao nước nhà".

Năm 2008, Bệnh viện đã được nhận một nguồn kinh phí khá dồi dào để đáp ứng các yêu cầu đề ra. Giấc mơ có được một môi trường làm việc hiện đại và điều kiện lý tưởng để phát triển y học TDTT đã trở thành hiện thực. Sắp tới, Bệnh viện sẽ trang bị thêm một loạt các thiết bị phẫu thuật hiện đại, cải tiến các điều kiện hậu phẫu cũng như mời các bác sỹ nước ngoài tới phẫu thuật, điều trị cho những VĐV bị chấn thương mà trước mắt là bác sỹ Tan Jee Lim của tập đoàn y tế Parkway (Singapore) - một chuyên gia hàng đầu Đông Nam Á trong lĩnh vực điều trị chấn thương thể thao. Một diện mạo mới cho y học TDTT đã được bắt đầu và chúng ta có thể tin tưởng rằng những tài năng thể thao Việt Nam sẽ được chăm sóc và chữa trị chấn thương bởi chính các Bác sỹ Việt Nam.

Thái Dương
 

Ảnh trong bài
  •  Nơi hồi sinh những sự nghiệp thể thao(27/02/2008)