Sớm ngày nào, tốt ngày nấy!Thể thao thành tích cao rất cần có đội ngũ bác sĩ giỏi

Phòng khám và phục hồi chức năng dành riêng cho VĐV ở Viện Khoa học Thể thao Việt Nam đã quá tải từ nhiều năm nay. Vì vậy, Chính phủ đã phê duyệt dự án xây dựng Bệnh viện Thể thao, dự kiến khánh thành vào tháng 6-2005

Phòng khám và phục hồi chức năng dành riêng cho VĐV ở Viện Khoa học Thể thao Việt Nam đã quá tải từ nhiều năm nay. Vì vậy, Chính phủ đã phê duyệt dự án xây dựng Bệnh viện Thể thao, dự kiến khánh thành vào tháng 6-2005.

52 tỷ đồng, và chờ hơn nửa năm nữa...

Là một trong những công trình trọng điểm của ngành Thể thao, đến nay Bệnh viện Thể thao đã hoàn thành được gần một nửa. Mảnh đất 10.000m2 nằm giữa Khu liên hợp thể thao quốc gia và Trung tâm Đào tạo VĐV cấp cao Hà Nội sẽ trở thành Bệnh viện Thể thao Việt Nam hiện đại và đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Tiến sĩ Lê Quý Phượng - Viện phó Viện Khoa học thể thao (KHTT), đơn vị chủ đầu tư cho biết: “Với tổng kinh phí 52 tỷ đồng, Bệnh viện hoàn thành vào tháng 6 năm 2005. Bệnh viện được thiết kế như dáng hình một người đang giang hai tay chào đón, mỗi cánh tay là một phân nhánh, một bên là các phòng phẫu thuật, một bên là các phòng khám chữa bệnh. Lối đi hai nhánh tách biệt để bảo đảm vệ sinh và điều kiện vô trùng tối đa. Phía sau sảnh là khu phục hồi chức năng, có vườn hoa cây cảnh và một hồ nước nhỏ, đưa thiên nhiên gần hơn với người bệnh. Mô hình này dựa theo kỹ thuật thiết kế bệnh viện thể thao của Đức”.

“Ngay sau khi Bệnh viện Thể thao ra đời, chúng tôi sẽ có điều kiện để kiểm tra lượng vận động của VĐV, các tiêu chí tâm lý, huyết học, lượng mồ hôi tiêu thụ... Những việc này phải được tiến hành định kỳ sau mỗi giai đoạn huấn luyện để đưa ra đánh giá về trình độ thể lực cùng điểm rơi phong độ của VĐV. Điều quan trọng nữa là phải có phương pháp hồi phục cho VĐV sau tập luyện, thi đấu. Có thể các HLV có chuyên môn về huấn luyện nhưng việc xác định điểm rơi phong độ và phương pháp hồi phục cho VĐV chưa chắc đã hoàn hảo. Đây cũng là một vấn đề cấp bách mà Hội nghị của Liên đoàn Y học thể thao thế giới đã đề cập trong thời gian diễn ra Olympic Athens 2004, nhưng hiện tại chúng ta vẫn chưa có một trung tâm hồi phục đúng nghĩa cho VĐV. Trước mắt, chúng tôi đang trình Vụ Pháp chế quy định khám chữa bệnh định kỳ cho VĐV và việc áp dụng y học vào công tác huấn luyện sẽ được thực hiện trong tương lai gần”.

(Theo TS Lê Quý Phượng - Viện phó Viện khoa học TDTT)

Viện KHTT đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của bạn bè quốc tế, đặc biệt là của giáo sư - tiến sĩ người Đức Nobert Moos, người đã mổ thành công cho các cầu thủ Thạch Bảo Khanh, Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Hữu Thắng, Đặng Thanh Phương và tuyển thủ Taekwondo quốc gia Nguyễn Văn Hùng. CHLB Đức là một quốc gia nổi tiếng thế giới về tư vấn và điều trị chấn thương trong lĩnh vực thể thao. Ông Moos đã trao đổi với Bộ trưởng UB TDTT Nguyễn Danh Thái về kinh nghiệm quản lý và điều hành bệnh viện thể thao ở Đức. Theo đó, bệnh viện sẽ có hai nhiệm vụ chính: chăm sóc dự phòng và chăm sóc chấn thương cho VĐV. Chăm sóc dự phòng lo chế độ dinh dưỡng, tư vấn cách ăn uống hợp lý, rèn luyện, vận động và hồi phục tích cực để có thể lực tốt nhất. Việc chăm sóc phục hồi chấn thương gồm chẩn đoán, chụp X quang, siêu âm và nhiều phương pháp hiện đại khác. Bệnh viện cũng đảm nhiệm việc phẫu thuật, mổ xương, thay khớp nhân tạo với các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới.

Bệnh viện này sẽ do các bác sĩ giỏi của Việt Nam đảm nhiệm. Các chuyên gia nước ngoài chỉ trợ giúp và tư vấn. Bệnh viện có thể mở rộng đối tượng phục vụ tới nhân dân và các VĐV trên toàn quốc.

Khóa học đầu tiên về Y học thể thao

Theo ông Lê Quý Phượng, việc gấp rút là phải chuẩn bị một đội ngũ y, bác sĩ có chuyên môn cao về phẫu thuật, gây mê, hồi phục chấn thương, hộ lý và y tá để sẵn sàng phục vụ khi bệnh viện hoàn thành. Và thế là ngày 15-10-2004, lần đầu tiên kỳ thi tuyển sinh bác sĩ chuyên khoa ngành Thể thao đã được tiến hành. Việc đào tạo chuyên môn cho các bác sĩ kéo dài trong 4 năm với sự phối hợp chặt chẽ giữa Học viện Quân y và Viện KHTT. Nhiều chuyên gia nước ngoài sẽ được mời sang giảng dạy.

“Chúng ta sẽ có một đội ngũ y, bác sĩ chuyên ngành Thể thao với số lượng ban đầu chưa nhiều, nhưng thực sự giỏi về chuyên môn. Chúng tôi sẽ cố gắng tận dụng thời gian, mời chuyên gia của các nước có nền y học thể thao phát triển như Đức, Thái Lan, Ôxtrâylia giảng dạy ngắn hạn, giúp học viên cập nhật kiến thức mới nhất về y học thể thao hiện nay trên thế giới” - ông Phượng khẳng định.

Trong thể thao hiện đại, chỉ có ý chí thôi thì chưa dủ, giành chiến thắng, phải áp dụng y học vào quá trình tập luyện, phục hồi và thi đấu của VĐV. Các nước có nền thể thao phát triển mạnh trong khu vực như Thái Lan, Inđônêxia, Malaixia đã áp dụng phương pháp này được vài năm. Nhưng với Việt Nam thì thời gian gần đây chúng ta mới đề cập tới và do vậy ít nhiều đã là một thiệt thòi đối với VĐV.

 

Theo Tuổi Trẻ
 

Ảnh trong bài
  • Sớm ngày nào, tốt ngày nấy!Thể thao thành tích cao rất cần có đội ngũ bác sĩ giỏi