![](/Portals/0/EasyDNNNews/22723/22723_34373.jpg) |
Ông Phùng Minh Cường - Phó Bí Thư Đảng bộ Bộ VHTT&DL phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: VDuy ) |
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã nhấn mạnh: "xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể chính trị; coi đây là nhân tố quan trọng đẻ xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh"
Theo GS.TS Nguyễn Văn Viễn, hiện nay có hàng trăm định nghĩa về văn hóa, khái niệm văn hóa được hiểu theo nhiều góc độ. Trong đó, Văn hóa chính trị là tổng hợp những giá trị vật chất và tinh thần được hình thành và phát triển trong thực tiễn chính trị, góp phần chi phối, định hướng, đánh giá hoạt động của các chủ thể chính trị, đồng thời là động lực, phương thức của một nền chính trị phục vụ lợi ích căn bản của một giai cấp nhất định. Nói một cách khác Văn hóa chính trị là kết tinh của truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh quật cường để bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc, ý chí quyết tâm trong xây dựng đất nước vững mạnh.
![](/Portals/0/EasyDNNNews/22723/22723_34374.jpg) |
Hội nghị có sự gần 200 đại biểu tham dự (Ảnh: V.Duy ) |
Trong đó văn hóa chính trị của người lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị có ý nghĩa quan trọng để góp phần vận hành hệ thống chính trị theo những mục tiêu đã đề ra. Nội dung của nó được thể hiện rõ nét ở thái độ, cách thức hành xử của người lãnh đạo, quản lý đối với quyền lực được trao để thực hiện nhiệm vụ. Đối với cán bộ, công chức nếu có thái độ đúng đắn đối với quyền lực nhà nước được giao để thực hiện các mục tiêu chính trị vì lợi ích chung của tập thể, xã hội thì đó là một điều tốt đẹp cho quốc gia, dân tộc. Còn ngược lại, nếu xem quyền lực đó là đặc quyền riêng mà mình được hưởng nên có những ứng xử theo hướng quan liêu, lạm quyền, ích kỷ, vụ lợi cho bản thân hay những người cùng phe cánh, đi ngược lại với lợi ích của quốc gia dân tộc. Đây là những nguy cơ tai hại cho sự tồn vong và phát triển của chế độ chính trị và sự vững mạnh của đất nước. Sử dụng quyền lực chính trị và đặc biệt là quyền lực nhà nước cần phải được thực hiện trên nền tảng văn hóa, đảm bảo tính chân - thiện - mỹ mới có thể đảm bảo tính chính đáng của việc sử dụng quyền lực nhà nước.
Văn hóa chính trị có một vai trò to lớn trong đời sống xã hội, không chỉ thể hiện bản chất chính trị của một giai cấp mà còn là cơ sở, mục tiêu hướng đến của bất kì một nền chính trị dân chủ nào. Vì vậy, chính trị phải được nâng lên tầm văn hóa, phải đưa văn hóa vào chính trị. Chính trị của giai cấp vô sản là chính trị văn hóa vì nó thể hiện tính nhân văn sâu sắc, hướng đến con người, vì con người, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa chính trị là một phạm trù rộng, trong đó phải kể đến một số nội dung cụ thể đó là: lý tưởng chính trị Hồ Chí Minh mang đậm tính nhân văn và dân tộc; văn hóa chính trị Hồ Chí Minh được biểu hiện ở năng lực hoạt động chính trị, năng lực tiếp thu những giá trị chính trị tiến bộ Đông - Tây một cách sáng tạo của Người; văn hóa chính trị biểu hiện ở bản lĩnh chính trị và phong cách Hồ Chí Minh.
Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh là sự biểu hiện ở khả năng tích hợp của Người từ các dòng văn hóa chính trị Đông - Tây khác nhau, giữa truyền thống và hiện đại, giữa quá khứ và đương thời, từ đó tìm ra những nét tương đồng mang tính phổ quát để rồi từ dân tộc mà nhận ra nhân loại và từ nhân loại quay trở về với dân tộc, Nhà nghiên cứu Helen Tournaire đã nhận xét Người là hình ảnh hoàn chỉnh của “Sự khôn ngoan của đức Phật, lòng nhân từ của Chúa, triết học của Mác, tinh thần nhiệt tình cách mạng của Lênin và sự ung dung tự tại của một người chủ gia tộc... tất cả được hài hòa trong một dáng dấp tự nhiên”
Những vấn đề cốt lõi về văn hóa chính trị Hồ Chí Minh đã được GSTS Nguyễn Văn Viễn truyền đạt sinh động, hấp dẫn với những dẫn chứng cụ thể trong lịch sử nhân loại của thế giới và thực tiễn ở nước ta cùng với đó những lập luận có tính logic, khoa học và hấp dẫn.
Hội nghị thông tin chuyên đề “Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh” được tổ chức nhằm mang đến một cái nhìn toàn diện hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đồng thời thấm nhuần tư tưởng của Người về giá trị cốt lõi của văn hóa, mối quan hệ giữa văn hóa với chính trị, qua đó giúp các cán bộ, Đảng viên - những nhà quản lý trong lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch kế thừa, học tập và vận dụng một cách sáng tạo trong thực tiễn đời sống hiện nay.
Hội nghị nằm trong khuôn khổ các hoạt động thực hiện chương trình công tác năm 2018 do Đảng ủy Bộ VHTTDL tổ chức dành cho cấp ủy của các tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ Bộ VHTTDL.
VD