Hội nghị Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững

Sáng nay, 27/7, tại Hà Nội, Bộ văn hóa, thể thao và du lịch đã tổ chức Hội nghị bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững. Tới dự Hội nghị có ông Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ông Võ Xuân Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương, ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính Phủ.

Về phía Bộ văn hóa, thể thao và du lịch có Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên, cùng dự có đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành trung ương và đại diện văn phòng UNESCO Việt Nam tại Hà Nội và đại diện các tổ chức quốc tế.

Tại Hội nghị Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên đã báo cáo tóm tắt về công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững. Trong đó nhấn mạnh: Xác định được tầm quan trọng của di sản văn hóa trong đời sống cộng đồng, Bộ VHTT&DL đã chủ động phối hợp với các Bộ, ban, ngành và các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác triển khai những hoạt động cụ thể trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và đã đạt được những kết quả quan trọng. Việt Nam đã có những bước tiến vững chắc trên hành trình bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa Việt Nam. Điều đó được thể hiện trên các mặt như: xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa đã có nhiều đổi mới; việc lập hồ sơ xếp hạng, ghi danh di sản tiêu biểu ở trong nước và quốc tế, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; hệ thống bảo tàng, bảo vệ và phát huy giá trị các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; di sản văn hóa phi vật thể...

Hội nghị có sự góp mặt của đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước (Ảnh: AT)

Trên cơ sở phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp gắn với xây dựng, hình thành các giá trị mới của con người Việt Nam theo tinh thần của Nghị quyết số 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đồng thời, để di sản văn hóa trở thành nguồn lực cho sự phát triển bền vững và là tiềm năng để trực tiếp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước đến năm 2025, Bộ VHTT&DL đã đưa ra những quan điểm, định hướng trong thời gian tới đối với việc phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể như: Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về di sản văn hóa, với việc sửa đổi bổ sung Luật di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành. Nghiên cứu, xác định giá trị các di sản văn hóa và thiên nhiên, di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam để xếp hạng ở các cấp. Triển khai hiệu quả đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam, giai đoạn từ năm 2017 đến 2020 và những năm tiếp theo...

Để tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, đồng thời, để tiếp tục phát huy những thuận lợi kết quả đã đạt được trong công tác quản lý, bảo vệ di sản văn hóa Việt Nam và để đạt được những mục tiêu đặt ra trong thời gian tới, Bộ VHTT&DL đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ ủng hộ chủ trương sửa đổi, bổ sung Luật di sản văn hóa theo hướng chung, không chỉ các nghệ nhân có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn như bảo hiểm y tế và hỗ trợ tham gia các phương tiện giao thông công cộng... chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan giúp tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến lĩnh vực quy hoạch, dự án tu bổ di tích. Tăng mức đầu tư từ chương trình mục tiêu phát triển văn hóa cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phù hợp với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đất nước...

Tại Hội nghị, những vấn đề như cơ chế hoạt động giữa Việt Nam và UNESCO trong việc thực hiện các Công ước của UNESCO về bảo vệ di sản thế giới; Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh vì sự phát triển bền vững; Bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc thiểu số miền núi với vấn đề phát triển sản phẩm du lịch; Sử dụng nguồn lực quốc gia và quốc tế trong việc giữ gìn không gian văn hóa- môi trường diễn xướng cho cồng chiêng Tây Nguyên; các bài học trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở Huế, Hội An, Vịnh Hạ Long… cũng được bàn thảo.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: di sản văn hóa Việt Nam là kết tinh trí tuệ, tình cảm ngàn đời của các thế hệ cha ông, được thể hiện qua các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật,di sản văn hóa phi vật thể, đang trở thành chỗ dựa vững chắc để dân tộc ta vừa tiến lên hội nhập với cộng đồng thế giới, vừa giữ được bản sắc của mình. Ngay nay, di sản văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng đóng góp trực tiếp vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Chính vì những ý nghĩa quan trọng đó, Chính phủ hoàn toàn nhất trí những chủ trương nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam. Đồng thời, yêu cầu Bộ VHTTDL trong thời gian tới cần có sự phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa với các Bộ, ban, ngành, các địa phương cũng như các tổ chức xã hội để công tác phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững mang lại hiệu quả cao.

Trong khuôn khổ hội nghị, các nghệ nhân của các loại hình di sản văn hóa như Bài Chòi, Đờn ca tài tử Nam Bộ, Hát Then đàn Tính, Dân ca Quan họ… cũng sẽ trình diễn những làn điệu tiêu biểu của mỗi loại hình di sản.

N. H

Ảnh trong bài
  • Hội nghị Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững