|
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: Y Trang) |
Sau 5 năm triển khai thực hiện Ngày quốc tế Hạnh phúc 20/3, đông đảo nhân dân biết tới ngày Quốc tế Hạnh phúc, ý nghĩa của Ngày Quốc tế Hạnh phúc; tiếp nhận được thông tin nhiều hơn về các chính sách an sinh xã hội. Những thông điệp, các hoạt động cụ thể được người dân sáng tạo, chia sẻ thông qua các hình vẽ, thiệp, ảnh, clip, lời chúc lan truyền cảm hứng trên mạng xã hội và bằng những hành động cụ thể quan tâm tới nhau trong các mối quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp... đã mang lại những cảm xúc ấm áp, khơi gợi lòng yêu thương, nhắc nhở nhau về giá trị sống tốt đẹp. Các tấm gương điển hình xuất hiện, lan tỏa trong cộng đồng. Ý thức và hành động thiết thực trong xây dựng hạnh phúc gia đình, hạnh phúc cộng đồng được nâng cao và cụ thể hóa.
Các cấp, ngành, tổ chức tích cực và chủ động hơn trong công tác phối hợp, trong công tác chống tham nhũng, lồng ghép thực hiện Đề án hướng tới mục tiêu vì xã hội hạnh phúc, đời sống nhân dân được cải thiện, nâng cao, giảm bạo lực gia đình, bạo lực học đường, bạo lực công sở, bạo lực giới, giảm tệ nạn xã hội.
Phát huy được nguồn lực từ xã hội trong các hoạt động, chương trình từ thiện, nhân đạo, các chương trình hỗ trợ miễn phí, giảm phí, giúp đỡ nhau trong cộng đồng, ước tính hàng chục tỉ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai đề án cần được tháo gỡ, khắc phục trong thời gian tới như: công tác chỉ đạo của một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thực sự quyết liệt, hiệu quả, còn nặng về hính thức; chưa tổ chức được nhiều hoạt động thiết thực, trọng tâm, liên kết với nhau.
Công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra; các hoạt động truyền thông về lịch sử, ý nghĩa ngày Quốc tế Hạnh phúc chỉ mới thực hiện ở việc cung cấp thông tin, chưa có nhiều tác phẩm chuyên sâu, chưa phát hiện, biểu dương, nhân rộng được nhiều điển hình, người tốt trong hoạt động hưởng ứng ngày Quốc tế Hạnh phúc.
|
Hội nghị cũng tiến hành biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Đề án (Ảnh: Y Trang) |
Hội nghị cũng chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế cũng như xây dựng các giải pháp thực hiện trong thời gian tới như: tăng cường công tác chỉ đạo, công tác phối hợp liên ngành tổ chức thực hiện và kiểm tra trong quá trình tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc hàng năm; đổi mới nội dung, hình thức phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị.
Xây dựng tài liệu phục vụ cho tuyên truyền cụ thể hơn, rõ ràng hơn các thông điệp, khẩu hiệu từng năm hướng tới các mục tiêu xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về xây dựng gia đình hạnh phúc, trường học hạnh phúc, công sở hạnh phúc. Chú trọng tuyên truyền giáo dục thanh, thiếu niên về đạo đức, các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại, ứng xử trong quan hệ gia đình, kiến thức tiền hôn nhân, kỹ năng ứng xử.... nhằm tích lũy kiến thức, kinh nghiệm xây dựng mối quan hệ gắn kết, yêu thương, trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình và cộng đồng.
Nghiên cứu xây dựng mô hình mới phát hiện, nhân rộng các mô hình tốt, kịp thời biểu dương, khen thưởng gương người tốt việc tốt; tăng cường chia sẻ thông tin, bài học kinh nghiệm, các sáng kiến hay trong hoạt động nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc hàng năm.
Tại Hội nghị, đại diện các Bộ: Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Viện Hàn lâm khoa học và xã hội Việt Nam, Sở VHTT TP Hồ Chí Minh… đã có những báo cáo về tình hình thực hiện Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 hằng năm” và Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Muốn có hạnh phúc thì nhìn ở tầm quốc gia là đất nước phải được độc lập, phát triển, người dân được sống trong hòa bình, tự do. Ở tầm nhỏ hơn, trong cộng đồng, cơ quan, gia đình cần chung tay chia sẻ nhiều thông điệp yêu thương, làm nhiều việc tốt. Để có cuộc sống hạnh phúc cần tập trung 3 nhiệm vụ. Trước hết, mỗi gia đình, cá nhân, mỗi cộng đồng muốn có hạnh phúc đầu tiên là không vi phạm pháp luật. Thứ hai là tập trung phòng chống các tệ nạn. Thứ ba là tập trung phát triển thế hệ tương lai, dạy con trẻ về đạo đức làm người. Việc giáo dục phải chú trọng hơn nữa việc dạy làm người cho con cháu từ khi còn thơ bé từ những việc nhỏ, đơn giản nhất để thế hệ con cháu trong tương lai là những con người nhân văn, có trí tuệ được khai mở, sáng tạo, có lòng yêu nước thương nòi, tinh thần dân tộc và ý thức công dân toàn cầu.
Hội nghị cũng tiến hành biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Đề án.
A.T