Tổng hợp ý kiến đại biểu quốc hội vào Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT

Các ý kiến phát biểu và tranh luận của các đại biểu tập trung vào các vấn đề còn những ý kiến khác nhau như việc phát triển thể thao học đường, đưa môn bơi vào chương trình học chính khóa, dành quĩ đất xây dựng công trình thể thao trong các khu dân cư, khu công nghiệp…

- Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng mục đích căn cơ nhất của một nền thể thao là một dân tộc khỏe, mạnh nhưng có một thực tế là chiều cao của chúng ta đang thua kém nhiều nước trong khu vực. So với cùng thời điểm cách đây 20-30 năm, cho tới giờ trong khi chiều cao của nhiều quốc gia lân cận đã cải thiện thì chúng ta vẫn chưa theo kịp. Sự phát triển chiều cao trung bình của người Việt Nam hiện nay có thể nói là chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế. Không những thế, tỉ lệ trẻ em tử vong do đuối nước, do không biết bơi lại khá nhiều trong khi Việt Nam lại là một đất nước có nhiều sông, suối, bờ biển dài. Vì thế đại biểu Nghĩa đồng tình với quan điểm phải phát triển thể thao học đường, đưa môn bơi thành môn học chính khóa và trong qui hoạch của các khu công nghiệp, phải dành quĩ đất cho các thiết chế thể thao, giúp cho công nhân có điều kiện tập luyện, nâng cao sức khỏe. Cũng theo đại biểu này thì phải có thêm các qui định về giờ làm việc, giờ luyện tập thể thao cho các công nhân trong các khu công nghiệp cũng như phải phát triển phong trào thể thao quần chúng sâu rộng hơn nữa nhằm mục đích cải thiện thể lực, tầm vóc người Việt Nam.

- Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Hà Nội cho rằng điều quan trọng là Quốc hội có coi trọng vấn đề này hay không. Bởi Quốc hội xây dựng Luật để tạo cơ chế, điều kiện, khung pháp lý để phát triển các điều kiện cần thiết như cơ sở vật chất. “Chúng ta đừng nhìn vào việc phải có cơ sở vật chất rồi mới làm, thực tế cho thấy không cần thiết mỗi trường phải có một bể bơi mà có khi mỗi phường, mỗi xã có một bể bơi và cứ đến giờ thì học sinh được tập bơi là được. Và tôi cũng mong muốn, không chỉ môn bơi được đưa vào chương trình học bắt buộc mà giờ học các môn thể thao nói chung phải hợp lý hơn nhằm mục tiêu giáo dục hoàn thiện cả về đức, trí, thể, mỹ cho con người Việt Nam”.

- Đại biểu Trương Anh Tuấn, Nam Định tranh luận rằng, việc ưu tiên đất dành cho sản xuất là quan trọng nhưng chúng ta phải quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của người lao động, nhất là những nhu cầu thiết yếu như tham gia các hoạt động thể thao nhằm giải trí, rèn luyện sức khỏe. Cũng chung quan điểm này, thượng tọa Lý Minh Đức cho rằng thể dục thể thao phải quan tâm đến việc phát triển thể thao quần chúng, khuyến khích mọi đối tượng, mọi lứa tuổi tham gia, trong đó có việc quan tâm hơn nữa việc qui hoạch đất dành cho các công trình thể thao trong các khu dân cư, khu công nghiệp…

- Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho biết vấn đề đất dành cho thể thao, dự thảo Luật đưa ra hai phương án. Phương án thứ nhất trong quy định xây dựng trường học, khu đô thị, khu dân cư, doanh trại, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân phải dành quỹ đất để xây dựng công trình thể thao. Phương án thứ hai quy định thêm các khu công nghiệp, khu công nghệ cao cũng phải dành quỹ đất để xây dựng công trình thể thao. Cả hai phương án này đều chưa có sự hợp lý bởi theo pháp luật hiện hành, khu công nghiệp, khu công nghệ cao là những khu vực chức năng chuyên sản xuất, thực hiện các dịch vụ cho sản xuất hoặc là khu vực nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao. Do vậy, đây là những khu vực và môi trường chuyên dụng cho sản xuất, nghiên cứu nên ngoài giờ làm việc đây không phải là nơi sinh hoạt, sinh sống, nơi vui chơi giải trí của công nhân. Việc xây dựng công trình thể thao trong khu vực sản xuất, nghiên cứu là không thích hợp.

Cũng theo đại biểu Hiển, ngoài khu công nghiệp, khu công nghệ cao, theo pháp luật hiện hành có các khu khác tương tự như khu chế xuất, khu công nghệ ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin... Đây đều là những khu chức năng chuyên phục vụ sản xuất nhưng không được đề cập đến trong dự thảo Luật. Bên cạnh đó, trên thực tế có rất nhiều cơ sở giáo dục, doanh trại quân đội có quy mô nhỏ. Mặt khác, theo dự thảo Luật, các công trình thể thao ở đây được hiểu rất rộng, có thể là công trình lớn như sân vận động, bể bơi, nhà thi đấu, cũng có thể là những công trình thể thao rất đơn giản. Đại biểu cho rằng, quy hoạch công trình thể thao như thế nào là tùy vào điều kiện từng cơ sở. Đại biểu Hiển đề nghị xem xét lại cả hai phương án của khoản 1 Điều 65 để đảm bảo tính khả thi, nhất là trong điều kiện mật độ dân cư quá cao tại các khu đô thị lớn cùng với sự kham hiếm quỹ đất. Việc sử dụng đất cho thể dục thể thao cần nằm trong tổng thể quy hoạch chung của khu dân cư, khu đô thị phù hợp quy định của Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị để vừa bảo đảm quyền tham gia thể dục thể thao của người dân, vừa tránh lãng phí nguồn lực đất đai, nguồn lực của Nhà nước.

- Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) bổ sung thông tin, ngay cả trong Bộ luật Lao động không có quy định doanh nghiệp phải tổ chức cho công nhân viên các hoạt động thể thao, do vậy đại biểu cho rằng không nên làm khó cho các doanh nghiệp. Cũng theo đại biểu, hầu hết các công trình thể thao hiện nay chỉ phát huy hiệu quả sử dụng tối đa tại khu dân cư.

- Đại biểu Dương Tuấn Quân (Bà Rịa-Vũng Tàu) nêu ý kiến: “Khu công nghiệp là khu riêng chỉ dành cho sản xuất công nghiệp, không có nhà ở, không có dân cư sinh sống. Nếu xây dựng công trình thể thao ở khu vực này thì có hợp lý không?”. Cũng theo đại biểu, công trình thể dục thể thao chỉ phát huy được hiệu quả tối đa khi đặt ở nơi dân cư sinh sống. Trong khi công nhân vào khu công nghiệp chủ yếu là để sản xuất. Do đó, để đảm tính khả thi, công trình thể thao gắn với nơi sinh sống của công nhân là phù hợp. Trên cơ sở đó, đại biểu đồng tình với phương án 1, tức là giữ nguyên như quy định hiện hành.

- Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Lạng Sơn, với khu công nghiệp diện tích lớn nên cần bố trí đất cho thể thao. Đó không phải là các công trình đồ sộ mà chỉ cần bố trí khu vực nhất định để phục vụ cho hoạt động thể thao của mình. “Ủy ban thẩm tra có nêu việc này gây sức ép cho DN, nhưng nhà nước đã có chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp. Do vậy tôi lựa chọn phương án phải ưu tiên đất cho thể thao”- đại biểu Thành nêu. Nhiều đại biểu cũng cho hay, thể thao tại khu công nghiệp không nhất thiết phải là những sân chơi lớn mà đôi khi là các hoạt động thể thao dân gian như kéo co, nhảy lò cò… cũng đã mang lại niềm vui cho công nhân sau những giờ làm việc căng thẳng.

-Về vấn đề quy định bơi là môn bắt buộc trong nhà trường, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng nếu làm được điều này sẽ rất tốt, lý tưởng. Tuy nhiên, đại biểu ủng hộ lựa chọn phương án không quy định bơi là môn học bắt buộc trong nhà trường, bởi chiếu theo khoản 1 Điều 35 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đây là nội dung chính sách mới được đề xuất, cần có đánh giá tác động của chính sách. Dự án Luật này không có báo cáo đánh giá tác động đối với vấn đề này. Cũng theo ý kiến của đại biểu, phạm vi tác động của chính sách này là rất lớn, tác động đến hệ thống các trường phổ thông, trường đại học, đối tượng giáo viên, học sinh, cơ sở vật chất, chương trình giảng dạy... Dựa trên việc xem xét tính khả thi của quy định, đại biểu Hoa nêu ý kiến: “Trong điều kiện nước ta hiện nay, việc quy định bơi là môn bắt buộc trong chương trình chính khóa là khó khả thi, bởi hầu hết các trường đều chưa có bể bơi. Theo công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời vấn đề này, chỉ có 0,4-0,6% các trường phổ thông có bể bơi; 13% các trường đại học có bể bơi.” Đại biểu cũng nêu một số bất cập về ngân sách, quỹ đất các trường, đội ngũ giáo viên dạy bơi.

-Đại biểu Dương Tuấn Quân (Bà Rịa Vũng Tàu) cho rằng với đặc điểm nước ta có hơn 3.000km đường bờ biển, nhiều sông hồ, kênh rạch, tình trạng đuối nước ở trẻ em diễn ra thường xuyên như hiện nay, nếu môn bơi lội được đưa vào bắt buộc trong chương trình chính khóa sẽ rất tốt vì bơi không chỉ là kỹ năng sinh tồn, mà còn là một môn rèn luyện thể chất, hỗ trợ cho việc tăng cường tầm vóc, sức khỏe người Việt Nam. Tuy nhiên trong điều kiện Việt Nam hiện nay, việc này là khó khả thi do hầu hết các trường đều chưa có bể bơi. Việc giáo viên đưa học sinh đến bể bơi sẽ gây tốn kém về thời gian và phát sinh kinh phí, tạo gánh nặng cho học sinh, phụ huynh và nhà trường, đặc biệt là đối với vùng sâu, vùng xa, miền núi.

- Đồng quan điểm này, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho rằng nếu quy định môn học này là bắt buộc trong nhà trường thì sẽ khó khả thi vì điều kiện hiện nay của các cơ sở giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu để triển khai mộn học này về kinh phí, giáo viên. Nếu quy định môn bơi là bắt buộc sẽ tạo áp lực đầu tư cho nhà trường, tạo gánh nặng cho phụ huynh và học sinh.

-Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) và đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng cần quan tâm đến vấn đề “xóa mù bơi.” Đại biểu Dương Trung Quốc nêu ý kiến, cần có tiêu chí bắt buộc, ví dụ tiêu chí vào đại học là phải biết bơi.

-Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng cho rằng điều quan trọng là các đại biểu Quốc hội, Quốc hội có coi đây là vấn đề quan trọng không? Nếu chưa có bể bơi thì sẽ có bể bơi, có luật thì sẽ có cơ chế, có chính sách để đầu tư, sẽ có giáo viên dạy bơi.

Tổng hợp

Ảnh trong bài
  •  Tổng hợp ý kiến đại biểu quốc hội vào Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT