Đảng Ủy Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị cấp ủy chuyên đề về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Ngày 19/4, tại Hà Nội Đảng Ủy Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị cấp ủy chuyên đề về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0) những cơ hội và thách thức. Thượng tướng PGS.TS Nguyễn Văn Thành - UVTW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công An đã tới chia sẻ các thông tin bổ ích xung quanh các vấn đề liên quan đến chuyên đề cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo chia sẻ của Thượng tướng PGS.TS Nguyễn Văn Thành: Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đã và đang đến. Đây là cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử nhân loại, nó sẽ diễn biến rất nhanh, là sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học, tạo ra những khả năng hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đối với các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới.

Cách mạng công nghiệp là cuộc cách mạng trong lĩnh vực sản xuất; là sự thay đổi cơ bản các điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa và kỹ thuật. CMCN đã khiến lực lượng sản xuất phát triển mạnh mẽ, tạo ra lượng của cải vật chất khổng lồ cho xã hội. Năng suất lao động tăng nhanh, khoa học công nghệ đã trở thành lực lượng lao động trực tiếp; nền kinh tế tri thức đã trở thành những đặc điểm chính của giai đoạn hiện nay.

Trong lịch sử loài người đã và đang trải qua các cuộc cách CMCN:

- CMCN lần thứ nhất vào năm 1784: Khởi nguồn từ nước Anh đặc trưng là cơ khí hóa với máy chạy bằng thủy lực và phát minh ra động cơ hơi nước (phát minh này của James Watt công bố năm 1775) - Kỷ nguyên sản xuất cơ khí

- CMCN lần thứ hai: Từ năm 1871 - 1914 đặc trưng là động cơ điện, vận tải, hóa học; sản xuất thép và sản xuất trên cơ sở điện cơ khí và sang giai đoạn tự động hóa và khởi nguồn từ Mỹ.

- CMCN lần thứ ba: Từ năm 1969 với sự ra đời của công nghệ thông tin, sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Được xúc tác bởi chất bán dẫn, siêu máy tính, laptop (1970 và 1980), Internet (thập niên 1990) trung tâm và khởi nguồn từ Mỹ.

Đặc trưng của CMCN 4.0 là các hệ thống sản xuất thực - ảo (Cyber-Physical Systems-CPS), lần đầu tiên được Dr.Jame Truchat, Giám đốc điều hành của National Instrument đưa ra vào năm 2006, trong đó thiết bị thông minh làm việc với nhau qua mạng không dây hoặc qua “đám mây”.

CMCN 4.0 đang phát triển với tốc độ cấp số nhân, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử; trọng tâm là cách phát minh, phát kiến và sự kết hợp của ba “đại xu hướng”: Vật lý, số hóa và sinh học, hay là sự kết hợp của ba thế giới: Thế giới vật chất, thế giới ảo (thế giới số) và thế giới sinh vật; đặc trưng là sự hợp nhất về mặt công nghệ, nhờ đó xóa bỏ ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học, đem lại sự kết hợp giữa hệ thống ảo và thực tế.

Cuộc CMCN 4.0, gồm 15 lĩnh vực chủ đạo: Cơ sở dữ liệu tập trung (Big Data), thành phố thông minh (Smart Cities), tiền ảo (Blockchain/Bitcoin), trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence), năng lượng tái tạo/ công nghệ sạch (Renewable Energy/Clean-tech), công nghệ màng mỏng (FinTech), thương mại điện tử (E-Commerce), người máy (Robotics), công nghệ in 3D (3D Printing), kết nối thực ảo (Virtual/Augmented Reality), các nền kinh tế chia sẻ (Shared Economies), internet kết nối vạn vật (IoThings), công nghệ Nano/ Vật liệu 2D (Nanotechnology/2D Materials), công nghệ sinh học/biến đổi gen và cách mạng nông nghiệp (Biotechnology/Genetics & Agricultural Innovation), khử muối lọc nước ngọt từ nước biển và quản lý chất thải rắn (Desalination and Enhanced Waste Management)

Cuộc CMCN 4.0 có tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội, chính phủ, doanh nghiệp/kinh doanh, tổ chức, cá nhân, an ninh... Đối với kinh tế là những thay đổi về tăng trưởng, việc làm và bản chất công việc. Đối với chính phủ, đó là những tác động tới chỉ đạo và điều hành trong thời đại số, sự tương tác giữa chính quyền và người dân. Đối với doanh nghiệp/kinh doanh là kỳ vọng của người tiêu dùng, dữ liệu/thông tin sản phẩm, hợp tác đổi mới và các mô hình hoạt động mới, các dịch vụ và mô hình kinh doanh. Đối với xã hội là sự bất bình đẳng giữa các cộng đồng, và bất lợi cho tầng lớp trung lưu. Đối với cá nhân là quan hệ giữa người với người, vấn đề đạo đức, quản lý thông tin cá nhân...

Hiện cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra tại các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, châu Á. Hiện Việt Nam vẫn đang ở trong cả 3 cuộc cách mạng thứ nhất, thứ hai, thứ ba. Và nay chuyển sang cuộc CMCN 4.0 sẽ là cơ hội lớn để phát triển kinh tế - xã hội mọi mặt. Bên cạnh những cơ hội mới, cuộc cách mạng 4.0 cũng đặt ra cho Việt Nam nhiều thách thức phải đối mặt, trong đó có thách thức trong tình hình an ninh trật tự.

Về tác động tích cực, cuộc CMCN 4.0 là điều kiện để thúc đẩy sản xuất, đẩy nhanh quá trình hội nhập và phát triển kinh tế ở nước ta. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực giữ gìn, bảo đảm an ninh trật tự, những thành tựu công nghệ của CMCN 4.0 có thể ứng dụng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Ngoài ra, việc tăng cường kết nối toàn cầu và phát triển tự động hoá có thể giúp nâng cao quan hệ phối hợp giữa Công an Việt Nam với các lực lượng trong và ngoài nước, trong và ngoài ngành trong đấu tranh với các loại tội phạm xuyên quốc gia, băng ổ nhóm; giúp giảm thiệt hại về người và của, đảm bảo an toàn cho các lực lượng khi thi hành công vụ hơn. Nếu biết đón đầu, chủ động phát huy mặt tích cực của cuộc CMCN 4.0, đời sống nhân dân được nâng cao là điều kiện để hạn chế tội phạm và tệ nạn xã hội phát sinh trong thời gian tới...

Để chủ động nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với Việt Nam, Thủ tướng Chính đã phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong thời gian từ nay đến năm 2020 tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp. Cụ thể:

Thứ nhất, tập trung thúc đẩy phát triển, tạo sự bứt phá thực sự về hạ tầng, ứng dụng và nhân lực công nghệ thông tin - truyền thông. Phát triển hạ tầng kết nối số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng, bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung số.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2017, số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 và số 36a/NQ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường cạnh tranh kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng hấp thụ và phát triển được các công nghệ sản xuất mới. Các bộ, ngành cần khẩn trương triển khai xây dựng chính phủ điện tử; tiếp tục chủ động rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; sửa đổi các quy định quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng đơn giản hóa và hiện đại hóa thủ tục hành chính.

Thứ ba, rà soát lại các chiến lược, chương trình hành động, đề xuất xây dựng kế hoạch và các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai phù hợp với xu thế phát triển của cuộc CMCN 4.0. Xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh. Rà soát, lựa chọn phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh chiến lược của quốc gia bám sát các công nghệ sản xuất mới, tích hợp những công nghệ mới để tập trung đầu tư phát triển.

Thứ tư, tập trung thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp để phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo như: Có cơ chế tài chính thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của doanh nghiệp với tôn chỉ doanh nghiệp là trung tâm; đổi mới cơ chế đầu tư, tài trợ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; có chính sách để phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; kết nối cộng đồng khoa học và công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng trong nước.

Thứ năm, thay đổi mạnh mẽ các chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục và dạy nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới, trong đó cần tập trung vào thúc đẩy đào tạo về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), ngoại ngữ, tin học trong chương trình giáo dục phổ thông; đẩy mạnh tự chủ đại học, dạy nghề; thí điểm quy định về đào tạo nghề, đào tạo đại học đối với một số ngành đặc thù. Biến thách thức dân số cùng giá trị dân số vàng thành lợi thế trong hội nhập và phân công lao động quốc tế.

Thứ sáu, nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tăng cường hội nhập quốc tế và thông tin, truyền thông tạo hiểu biết và nhận thức đúng về bản chất, đặc trưng, các cơ hội và thách thức của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để có cách tiếp cận, giải pháp phù hợp, hiệu quả.

N. H
 

 

Ảnh trong bài
  • Đảng Ủy Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị cấp ủy chuyên đề về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4