Một ngày trước hội nghị quan trọng này, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với “chiến lược gia” của thể thao VN - ông tổng thư ký Ủy ban Olympic quốc gia Hoàng Vĩnh Giang.
Ông Giang mở đầu cuộc trò chuyện bằng lời tâm sự: “Ở đấu trường SEA Games VN đã là một cường quốc nhưng ở Olympic chúng ta đã thua đứt Thái Lan, Indonesia. Đã đến lúc không nên tái diễn cảnh “gà què ăn quẩn cối xay” nữa”!
* Ông có thể cho biết qui hoạch phát triển thể thao thành tích cao và kế hoạch chuẩn bị lực lượng VĐV 2004-2014 có gì khác với thời kỳ “đi tắt đón đầu” trước đây?
- Chúng ta không nên đặt mục tiêu vượt Philippines ở SEA Games tới. Trong khi Thái Lan đang chuẩn bị các kế hoạch đăng cai Olympic 2016 thì VN cần xác định mục tiêu chiến lược vừa tầm là phấn đấu đăng cai Asiad 2014 sau Quảng Châu (Trung Quốc), và có hướng cụ thể cho Olympic.
* Vậy dựa trên những tính toán nào để thể thao đỉnh cao VN đề ra những chiến lược phù hợp?
- Có hai tiêu chí để Ủy ban Olympic quốc tế đánh giá một nền thể thao:
1. Số lượng VĐV tham gia.
2. Có huy chương.
VN còn yếu vì con số 11 VĐV lèo tèo quá thì lấy đâu ra huy chương.
Tấm HCV cử tạ của Thái Lan đã nói lên điều gì? VĐV của họ được tham dự tất cả các giải thi đấu lớn, nhỏ trong và ngoài nước, được tài trợ rất lớn bởi một tập đoàn kinh tế của một ông tướng quân đội, luyện tập trong điều kiện kỷ luật như quân đội.
Thất bại của chúng ta là thất bại không huy chương, dự Olympic bằng cửa vớt nhiều quá. VN phải thay đổi, hãy xác định đây là cuộc tiến công tổng lực vào 23 môn ở Olympic (trừ năm môn chưa hề có ở VN như bóng chày, khúc côn cầu trên băng...)
* Nhưng thực tế VN còn thiếu rất nhiều điều kiện để làm một cuộc bứt phá?
- Vấn đề là chiến lược thế nào? Phải tham dự đầy đủ các cuộc thi quốc tế. Phải thống nhất từ trung ương đến địa phương chứ không trông chờ vào một Ủy ban TDTT được. Quyết định đầu tư vào đâu, cho những “hạt giống” nào phải được tính toán kỹ.
Ngay như ở Sở TDTT Hà Nội, người ta cứ nói tôi là giám đốc võ vì tôi du nhập nhiều môn võ. Như vậy chưa đúng. Các môn đấu kiếm, thể dục, đua thuyền, nhảy cầu... đều là những môn trong chương trình thi đấu chính thức ở Olympic và nói riêng Hà Nội, sẽ phấn đấu có 30 VĐV vượt qua vòng loại, tham dự Olympic 2008 bằng cửa chính.
* Một công cuộc đầu tư lớn như vậy luôn đòi hỏi vấn đề hàng đầu là kinh phí. Có thực tế không khi đặt ra nhiều kế hoạch lớn nhưng ngân sách dành cho ngành thể thao đã bị cắt giảm nhiều sau khi tổ chức SEA Games?
- Vấn đề này không phải là tăng số lượng VĐV mà thật ra là đầu tư bằng cách giảm số VĐV đi, tăng chất VĐV lên. Quan trọng nhất là đầu tư đúng, chọn đúng, không mang tính mặt trận.
Thể thao VN hiện vẫn là “con nhà nghèo”, không đầu tư tràn lan được mà phải đi đúng đường, mở toang cánh cửa ở 23 môn thể thao Olympic, từ đó mới nhìn ra được đường đi, chứ không làm sao đoán huy chương được.
* Vậy khẩu hiệu gì sẽ được chọn cho giai đoạn mới thay “đi tắt, đón đầu” trước đây?
- Chấm dứt hòa nhập ở khu vực, “Tổng tiến công vào Olympic”. Muốn vậy phải thay đổi cách nhìn, không đầu tư tràn lan. Làm sao ta có thể đối chọi với những người khổng lồ thế giới theo kiểu “húc đầu” vào họ được.
Chúng tôi đang đi theo kinh nghiệm của Quảng Tây (Trung Quốc), đầu tư theo: linh (chọn các môn linh hoạt như taekwondo, đấu kiếm), tiểu (các môn bóng nhỏ: bóng bàn, cầu lông...), đoản (như điền kinh cự ly ngắn), thủy (bơi cự ly ngắn, nhảy cầu…
Theo Tuoi tre