Theo quy định Thông tư, về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện thì kích thước bể bơi được xây dựng hoặc lắp đặt có kích thước không nhỏ hơn 6mx12m hoặc có diện tích tương đương; Đáy bể có độ dốc đều, không gấp khúc, chênh lệch độ sâu không quá 1m đối với bể bơi có chiều dài từ 25m trở lên hoặc không quá 0,5m đối với bể bơi có chiều dài nhỏ hơn 25m; Thành bể, đáy bể có bề mặt nhẵn, mịn, dễ làm sạch; Bục xuất phát chỉ được lắp đặt đối với bể bơi có độ sâu không nhỏ hơn 1,35m; Hệ thống ánh sáng bảo đảm độ sáng không nhỏ hơn 300 Lux ở mọi địa điểm trên mặt nước bể bơi.
Về dụng cụ cứu hộ, sào cứu hộ được đặt trên thành bể ở các vị trí thuận lợi dễ quan sát và sử dụng, có độ dài 2,5m, sơn màu đỏ - trắng. Mỗi bể bơi phải có ít nhất 06 sào; Phao cứu sinh được đặt trên thành bể ở vị trí thuận lợi khi sử đụng, mỗi bể bơi phải có ít nhất 06 phao; Ghế cứu hộ được đặt trên thành bể ở vị trí thuận lợi dễ quan sát cho nhân viên cứu hộ, có chiều cao ít nhất 1,5m so với mặt bể.
Phải có đường bơi rộng ít nhất 02m, được phân cách bằng dây phao nổi giảm sóng. Mật độ tập luyện phải đảm bảo ít nhất 01 người/01m2 ở khu vực nước nông (độ sâu dưới 01m) hoặc 01 người/02m2 ở khu vực nước sâu (độ sâu từ 01m trở lên). Mỗi người hướng dẫn tập luyện hướng dẫn không quá 30 người hoặc không quá 20 người đối với trẻ em dưới 10 tuổi trong một buổi tập. Phải đảm bảo có nhân viên cứu hộ thường trực khi có người tham gia tập luyện và thi đấu. Số lượng nhân viên cứu hộ phải bảo đảm ít nhất 200m2 mặt bể bơi/01 nhân viên, trường hợp có đông người tham gia tập luyện phải bảo đảm ít nhất 50 người bơi/01 nhân viên trong cùng 1 thời điểm.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 3 năm 2018.
KC