Điểm mới tại Hội nghị triển khai công tác quản lý Lễ hội năm 2018 đó là các đại biểu đã được xem một phóng sự Clip (thay vì việc trình bày) về những kết quả nổi bật trong công tác quản lý, tổ chức Lễ hội năm 2107; phương hướng, nhiệm vụ năm 2018. Với thời lượng ngắn (chưa đến 30 phút), nội dung phong phú và xúc tích, phóng sự đã nêu bật những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, tồn đọng trong công tác quản lý, tổ chức Lễ hội năm 2017. Thông qua những hình ảnh chân thực, chính xác giúp người xem nhìn nhận lại được những mặt được, chưa được và đặc biệt là những vấn đề mang tính phản cảm, những hình ảnh gây mất mỹ quan, làm xấu đi giá trị nhân văn cao đẹp của những Lễ hội truyền thống tốt đẹp của nhân dân.
![](/Portals/0/EasyDNNNews/21326/21326_31500.jpg) |
Ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở VHTT Hà Nội trình bày tham luận tại Hội nghị (Ảnh: Y Trang) |
Theo thống kê của Cục Văn hóa Cơ sở, công tác tổ chức, quản lý Lễ hội trong năm 2017 còn có những hạn chế, tồn tại nổi bật đó là: Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý và tổ chức Lễ hội trên địa bàn; vi phạm các quy định về quản lý và tổ chức Lễ hội như: Hội thi chọi trâu không phép ở thôn Lục Mùn, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang); Hội chọi trâu huyện Lục Yên (Yên Bái); Việc tổ chức khai ấn, phát ấn tại Lễ hội xuân Đinh Dậu của Hội văn hóa Nghệ Thuật tỉnh Quảng Ninh, đền thờ Quang Trung Nghệ An.
Trong mùa Lễ hội năm 2017, vẫn còn xảy ra những hình ảnh phản cảm, chen lấn, tranh cướp lộc tại Lễ hội đền Sóc (Hà Nội); Phát lộc, tranh cướp lộc tại Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội); Tranh cướp bạo lực tại Hội Phết, xã Hiền Quan (Phú Thọ); Lợi dụng trò chơi đá gà để tổ chức đánh bạc tại Hội Lim (Bắc Ninh). Việc tổ chức Lễ hội Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã để xảy ra tai nạn chết người tại Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng). Một số cơ quan còn buông lỏng quản lý, để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vi phạm kỷ luật, đi Lễ hội trong giờ hành chính, sử dụng xe công đi Lễ hội. Hiện tượng bày và đổi tiền hưởng chênh lệch vẫn diễn ra ở một số di tích Lễ hội như Đền Cái Lân (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh), Đền Sòng Sơn (Bỉm Sơn), Đền Cô Bơ (Hà Trung), tỉnh Thanh Hóa, Đền Bảo Hà (Lào Cai), Đền Sượt (Hải Dương)... Bên cạnh đó, một số di tích vẫn để xảy ra tình trạng bán hàng rong, ăn xin, gây ảnh hưởng tới mỹ quan di tích; Nâng vé gửi xe không đúng quy định, còn hoạt động xóc thẻ, tán thể (Lễ hội đền Bia, Cẩm Giàng, Hải Dương); Công tác vệ sinh môi trường, ùn tắc giao thông, đặt tiền giọt dầu, thu gom tiền công đức tại một số di tích chưa kịp thời, hàng quán kinh doanh có nơi còn lộn xộn, tình trạng kinh doanh trò chơi có thưởng có tính cờ bạc còn diễn ra ở nhiều Lễ hội...
![](/Portals/0/EasyDNNNews/21326/21326_31501.jpg) |
Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: Y Trang) |
Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đó là tại Hội nghị lần này, các vấn đề nóng, nổi cộm trong công tác tổ chức Lễ hội cần được nêu ra một cách thẳng thắn, khách quan, không né tránh, trên cơ sở đó tìm ra các giải pháp xử lý, chấn chỉnh kịp thời những vấn đề tiêu cực trong hoạt động Lễ hội. Thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và lãnh đạo Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị đại diện các địa phương, những đơn vị trực tiếp quản lý, tổ chức Lễ hội có những tồn tại, đặc biệt là những vấn đề nổi cộm, những điểm nóng trong công tác tổ chức Lễ hội chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến những tồn tại đã xảy ra trong mùa Lễ hội qua. Đồng thời yêu cầu các địa phương phải đưa ra được giải pháp cũng như cam kết để hạn chế tới mức tối đa việc xảy ra những tình trạng gây phản cảm, bức xúc dư luận trong công tác tổ chức Lễ hội năm 2018.
Hội nghị đã được nghe 13 ý kiến tham luận (đại diện cho các địa phương nêu trên) chia sẻ về những khó khăn, nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế và các giải pháp giải quyết các vấn đề nóng, nổi cộm trong quản lý, tổ chức Lễ hội ở địa phương mình. Trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, các ý kiến đều nhất trí với Báo cáo tổng kết về công tác quản lý và tổ chức Lễ hội trong năm 2017 cũng như 3 phương hướng, 09 nhiệm vụ trọng tâm mà Báo cáo đã nêu. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay mà đa phần các địa phương mong muốn đó là cần có một văn bản chỉ đạo từ Trung ương để việc triển khai thực hiện công tác quản lý, tổ chức Lễ hội được thuận lợi và nhận được sự đồng lòng nhất trí cao từ người dân (hiện nay, Bộ VHTTDL đã trình các cơ quan tham mưu và dự kiến trong tháng 2 sẽ trình Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về công tác tổ chức quản lý Lễ hội).
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy khẳng định "Công tác quản lý và tổ chức Lễ hội năm 2017 đã có những chuyển biến tích cực và đạt được kết quả đáng ghi nhận trên nhiều mặt như công tác quản lý nhà nước, công tác tổ chức Lễ hội (công tác thông tin tuyên truyền, an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường và hoạt động kinh doanh dịch vụ, hàng hóa)... Đặc biệt, BTC, Ban quản lý Lễ hội từ trung ương đến địa phương đã rất quyết liệt, nỗ lực giải quyết được những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong dư luận ở những mùa Lễ hội trước như hiện tượng đổi tiền lẻ... Công tác tuyên truyền cũng có những thay đổi phù hợp, những địa phương tổ chức tốt được phản ảnh kịp thời, trở thành những mô hình điểm cho các địa phương khác học tập. Bên cạnh đó, sự phối hợp của các cơ quan từ trung ương đến địa phương đều rất chặt chẽ. Tuy vậy, công tác tổ chức quản lý Lễ hội vô cùng phức tạp và khó khăn, một số địa phương chưa thể giải quyết hết được những vấn đề bức xúc, nổi cộm, bởi giải quyết được vấn đề này thì lại nảy sinh vấn đề khác.
Trước những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý và tổ chức Lễ hội trong năm 2018, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về quản lý, tổ chức Lễ hội (hình thức, nội dung cần phải sâu sát, cụ thể và phù hợp với từng địa phương); Các địa phương làm tốt công tác phân công, phân cấp đến từng cơ quan, tổ chức cá nhân để nếu xảy ra vấn đề gì bức xúc, nổi cộm thì việc xử lý trách nhiệm sẽ được thực hiện; Giữa các cơ quan trung ương, địa phương và truyền thông cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa (bởi việc quản lý, tổ chức Lễ hội một mình Bộ VHTTDL không thể làm được); Tăng cường công tác kiểm tra giám sát.... Thứ trưởng mong muốn các địa phương sẽ cùng với Bộ VHTTDL phối hợp chặt chẽ trên tinh thần trách nhiệm, quyết liệt, công tâm...Đặc biệt, Thứ trưởng đề nghị các cơ quan truyền thông sẽ phản ảnh một cách trung thực, khách quan, kịp thời để công tác quản lý và tổ chức Lễ hội năm 2018 đạt được những kết quả tốt hơn.
VD