Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018

Sáng 11/1, tại Bộ VHTTDL đã diễn ra Hội nghị Tổng kết công tác Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại ba điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu khai mạc Hội nghị (Ảnh: Y Trang )
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Báo cáo khái quát tình hình thực hiện nhiệm vụ văn hóa, thể thao và du lịch năm 2017 cũng như các nhiệm vụ triển khai năm 2018. Báo cáo đã nêu bật những thành tích đạt được trong các lĩnh vực mà Bộ quản lý cũng như những khó khăn, tồn tại của ngành, trên cơ sở đó đưa ra những nhiệm vụ giải pháp trọng tâm trong năm 2018.

Theo đó, trong năm 2017, về lĩnh vực văn hóa, gia đình: Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt được kết quả quan trọng, tôn vinh các giá trị văn hóa, góp phần hình thành sản phẩm văn hóa, du lịch hấp dẫn, thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương và đất nước: Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam đã được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Hát Xoan Phú Thọ đã được UNESCO đưa ra khỏi danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nâng tổng số di sản được UNESCO ghi danh là 26 di sản.

Công tác tuyên truyền và quảng bá cũng như ý thức thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội của người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tiếp tục được đẩy mạnh gắn với việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, trong năm 2017, Bộ VHTTDL đã phối hợp cùng với các địa phương trên cả nước tổ chức thành công các Ngày hội Văn hóa, Thể thao Du lịch đồng bào dân tộc thiểu số; Tổ chức triển khai xây dựng Đề án "Bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số trong hoạt động văn hóa". Nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ các nhiệm vụ chính trị, các sự kiện văn hóa, thể thao du lịch đã được Bộ tổ chức thành công cùng 06 cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc năm 2017 được đánh giá cao. Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX và giải thưởng phim ASEAN lần thứ Nhất được tổ chức thành công tại thành phố Đà Nẵng; Các hoạt động Tuần văn hóa như: Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Liên Bang Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã góp phần mang hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam giới thiệu rộng khắp thế giới.

Ở lĩnh vực gia đình, có nhiều hoạt động nổi bật như tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3); Ngày Gia đình Việt Nam (28/6); Chiến dịch truyền thông Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình...

Về lĩnh vực Thể dục thể thao (TDTT): trong năm 2017, hoạt động TDTT quần chúng tiếp tục được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng với nhiều nội dung, hoạt động sôi nổi, phong phú gắn với cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại". Các chỉ tiêu về TDTT quần chúng có nhiều bước phát triển, thể hiện ở sự gia tăng về số lượng người tập TDTT thường xuyên (ước đạt 31,38%, tăng 1,85% so với năm 2016). Công tác tổ chức Đại hội TDTT các cấp hướng tới Đại hội TDTT toàn quốc năm 2018 được triển khai theo đúng kế hoạch (đến nay đã có 10.925/11.162 xã, phường tổ chức Đại hội; 235/713 huyện tổ chức Đại hội và 08/63 tỉnh, thành tổ chức Lễ Khai mạc Đại hội TDTT cấp tỉnh). Đã có 28 Hội thi, giải Thể thao quần chúng được tổ chức trong năm 2017, thu hút 10.325 VĐV, 1.667 HLV tham dự. Đoàn VĐV người khuyết tật Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 9 tại Malaysia giành 40 HCV, 61 HCB, 60 HCĐ, phá 10 kỷ lục của Đại hội, xếp thứ 4/11 quốc gia.

Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: Y Trang )
Đặc biệt, ở lĩnh vực Thể thao thành tích cao, trong năm 2017, các VĐV Việt Nam đã giành được 1.045 huy chương (425 HCV, 301 HCB và 319 HCĐ) trên đấu trường quốc tế. Trong đó có 46 HCV, 39 HCB, 31 HCĐ thế giới; 64 HCV, 50 HCB, 44 HCĐ châu Á; 315 HCV, 212 HCB, 244 HCĐ Đông Nam Á. 06 đội tuyển Bóng đá Việt Nam đều hoàn thành mục tiêu vượt qua vòng loại, có mặt ở vòng chung kết Bóng đá châu Á gồm: Đội tuyển quốc gia, đội tuyển Futsal, đội tuyển Bóng đá nữ, U16, U19 và U23 quốc gia. Riêng tại SEA Games 29, đoàn Thể thao Việt Nam thi đấu xuất sắc giành được 166 huy chương (58 HCV, 50 HCB, 60 HCĐ, phá 11 kỷ lục SEA Games và xếp thứ 3/11 quốc gia tham dự Đại hội. Bên cạnh đó, các VĐV Việt Nam cũng giành 13 HCV, 08 HCB và 19 HCĐ xếp vị trí thứ 09/65 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự Đại hội Thể thao trong nhà và Võ thuật châu Á lần thứ 5.

Lĩnh vực Du lịch: Du lịch Việt Nam đón 12,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 2,9 triệu lượt khách, tương đương 29,1%; phục vụ 73,2 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 510.900 tỷ đồng, tương đương 23 tỷ đô la Mỹ, tăng 25% so với năm 2016. Đây có thể coi là kỳ tích tăng trưởng kỷ lục về tổng số khách quốc tế và mức tăng trưởng số lượng khách quốc tế trong một năm so với năm 2016. Với những kết quả trên, Du lịch Việt Nam đứng thứ 6/10 nước có tăng trưởng Du lịch cao nhất thế giới, đứng đầu châu Á về tốc độ phát triển du lịch. Du lịch Việt Nam nhận được nhiều danh hiệu danh giá của giải thưởng du lịch toàn cầu.

Cùng với những kết quả đã đạt được, dự thảo Báo cáo cũng nêu rõ những tồn tại, bất cập ở từng lĩnh vực cụ thể: Về văn hóa: Công tác thể chế hóa xây dựng pháp luật chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn; Nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật còn thấp so với yêu cầu nhiệm vụ; Công tác quản lý lễ hội tại một số địa phương còn biểu hiện thương mại hóa, vi phạm các quy định về tổ chức lễ hội; Văn hóa truyền thống của một số dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một, biến dạng... Về TDTT: Cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu tập luyện TDTT cho người dân ở nhiều địa phương còn hạn chế; Đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên TDTT ở cơ sở còn thiếu; Kinh phí mua sắm trang thiết bị tập luyện, thi đấu cho VĐV các đội tuyển quốc gia còn nhiều khó khăn; Các chế độ, chính sách cho VĐV, HLV còn nhiều bất cập... Về Du lịch: Năng lực cạnh tranh còn thấp so với các nước trong khu vực; Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực Du lịch và khả năng tiếp cận các công nghệ mới hiện đại trong quản lý còn thiếu chủ động...

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe 11 ý kiến tham luận từ 3 đầu cầu gồm: Sở VHTT Hà Nội, Sở VHTTDL Lào Cai, Tổng cục Du lịch, Tổng cục TDTT, Sở VHTTDL Phú Thọ, Sở Du lịch Khánh Hòa, Sở VHTT Thành phố Hồ Chí Minh, Sở VHTTDL Đắc Lắc... Các ý kiến nhằm bổ sung, khẳng định và đưa ra những kiến nghị, kinh nghiệm cũng như giải pháp trong việc triển khai thực hiện công tác năm 2018 của ngành VHTTDL.

Phát biểu tại Hội nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương và đánh giá cao những thành tích, kết quả của ngành VHTTDL đạt được trong năm 2017. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Cùng với thành công của du lịch, năm 2017, văn hóa, thể thao cũng đã gặt hái được nhiều thành công, nhiều cán bộ các cấp đã thể hiện sự nỗi lực, chăm chỉ và sáng tạo. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng nêu ra những tồn tại, yếu kém, bất cập, đồng thời yêu cầu Bộ VHTTDL cần quyết liệt thực hiện, trong đó cần tập trung chỉ đạo, chấn chỉnh công tác quản lý văn hóa, gia đình. Để làm được điều này, cần phải quan tâm làm sao để có lộ trình, kế hoạch, hành động cụ thể:

Lĩnh vực văn hóa, Phó Thủ tướng cho rằng, văn hóa là lĩnh vực rộng, thành tựu văn hóa cũng không phải một sớm, một chiều mà có được. Bởi vậy, ngành VHTTDL cần nhận thức được điểm yếu của mình, quyết tâm ngăn chặn sự xuống cấp của đạo đức xã hội, phát huy những giá trị tốt đẹp. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, các vấn đề hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực văn hóa phải giải quyết một cách triệt để, quyết liệt, đơn cử như vấn đề tồn tại trong công tác lễ hội: "Ngay từ bây giờ, Bộ VHTTDL triển khai các đoàn kiểm tra đến các điểm nóng để đôn đốc, nhắc nhở. Làm sao để những tồn tại của năm 2017 không còn diễn ra trong năm 2018, kiên quyết với những hành vi làm sai lệch giá trị, bản chất của lễ hội. Việc có những hành vi làm khơi gợi lòng tham của mọi người là sai bản chất truyền thống của lễ hội. Chính vì thế, cần phải đặc biệt lưu ý đối với những hành động có lòng tham về vật chất từ đánh bạc cho đến phát lộc" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, Bộ VHTTDL sẽ xử lý nghiêm những tồn tại trong năm 2017 và tới đây Bộ sẽ chủ trì một hội nghị hẹp (hội nghị chuyên đề) để bàn về việc chấn chỉnh lễ hội. Đối với lĩnh vực TDTT, trong năm 2018 sẽ tập trung phát triển phong trào TDTT quần chúng, tạo điều kiện để phong trào ngày càng phát triển. Cụ thể, sẽ tập trung đầu tư phát triển thể thao trường học. Bên cạnh đó, ở lĩnh vực Thể thao thành tích cao, tập trung hướng tới ASIAD 18 với mục tiêu đạt từ 3-4 HCV. Đối với lĩnh vực du lịch, Bộ trưởng đồng tình với ý kiến của Phó Thủ tướng, du lịch nước ta dù tăng trưởng nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Cũng tại Hội nghị, Bộ VHTTDL đã công bố và trao các danh hiệu khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm 2017. Trong số 74 đơn vị được Bộ VHTTDL tặng cờ thi đua xuất sắc năm 2017 có Tổng cục TDTT.

VD
 

Ảnh trong bài
  • Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018